Bị bác đơn khởi kiện
Theo đơn của bà Sử gửi đến báo Pháp luật Việt Nam trình bày: Năm 2014, gia đình bà có nhận chuyển nhượng thửa đất số 224, tờ bản đồ số 01, với tổng diện tích 343m2, có tứ cận; Bắc giáp Quốc lộ 26; Đông giáp đất ông Lương Văn Bang và bà Dương Thị Khánh Hòa; Tây giáp đất ông Nguyễn Văn Phúc; Nam giáp đất ông Bang, bà Hòa.
Đến năm 2015, gia đình bà Sử phát hiện gia đình ông Bang, bà Hòa lấn chiếm trái phép đất nhà mình với tổng diện tích là 86,1m2 (trong đó chiều mặt Quốc lộ 26 là 2,1m, chiều dài chạy dọc thửa đất là 41m). Sau đó, bà Sử gửi đơn lên UBND xã Krông Búk nhờ can thiệp, ban hòa giải của chính quyền địa phương tiến hành hòa giải lần thứ nhất, bà Sử chấp nhận chịu thiệt 1m, chỉ lấy lại 1,1m theo chiều Quốc lộ 26, cuộc hòa giải diễn ra dưới sự chứng kiến của các thành phần trong ban hòa giải, chủ đất ban đầu là bà Dung, bà Sử và vợ chồng ông Bang, bà Hòa có mặt. Trong ngày hòa giải, một hàng cọc bê tông được dựng lên làm hàng rào phân chia ranh giới đất giữa hai nhà. Tuy nhiên, hai hôm sau, khi bà Dung đi làm ăn xa thì bà Sử phát hiện hàng rào bê tông đã bị nhổ bỏ.
Chính quyền địa phương tiếp tục tiến hành hòa giải lần 2 nhưng không thành nên ngày 18 tháng 05 năm 2015, bà Sử đã làm đơn khởi kiện đến TAND huyện Krông Pắk yêu cầu gia đình ông Bang, bà Hòa trả lại diện tích đất lấn chiếm để đảm bảo quyền lợi hợp pháp.
Giấy CNQSDĐ của gia đình bà Sử |
Đến ngày 27/10/2017, TAND huyện Krông Pắk đưa vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất” trên ra xét xử công khai. Tại phiên tòa này, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan như ông Trần Văn Thư (chủ đất bán cho ông Bang, bà Hòa), bà Trần Thị Ngọc Dung (chủ đất bán cho vợ chồng bà Sử) đều vắng mặt, tuy nhiên vụ án vẫn được đưa ra xét xử.
Từ những nhận định của Tòa, HĐXX tuyên: “Bác yêu cầu đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn Phu và bà Bùi Thị Sử về việc yêu cầu ông Lương Văn Bang, bà Dương Thị Khánh Hòa trả lại diện tích đất 86.1m2. Đề nghị ông Nguyễn Văn Phu và bà Bùi Thị Sử liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phù hợp với diện tích đất thực tế sử dụng”.
Không đồng ý với bản án trên của TAND huyện Krông Pắk, bà Sử đã gửi đơn kháng án lên TAND tỉnh Đắk Lắk.
Bản án thiếu khách quan
Qua bản án số 31/2017/DSST ngày 27/10/2017 của TAND huyện Krông Pắk, bà Sử cho rằng, việc xét xử trên là chưa thỏa đáng, chưa công bằng, chưa đúng với các quy định của Pháp luật cũng như thực tế vụ việc.
Cụ thể, việc thụ lý và điều tra, chuẩn bị xét xử vụ án là quá lâu (02 năm, 5 tháng), đã vi phạm nghiêm trọng trong quy định về thời hạn của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Đồng thời, đã gây cho gia đình bà nhiều khó khăn, phiền toái bởi mọi dự định công việc liên quan đến thửa đất đều phải dừng lại, bên cạnh đó, còn ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe.
Ngoài ra, thực tế về các số đo, nguồn gốc đất đai bà Sử đã cung cấp đầy đủ, rõ ràng. Mảnh đất gia đình bà Sử mua có chia thửa, có diện tích cụ thể, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi mảnh đất ông Bang sở hữu không có diện tích rõ ràng, chỉ có giấy viết tay, đến nay vẫn chưa kê khai về diện tích sử dụng.
Hợp đồng chuyển nhượng |
Bên cạnh đó, trong quá trình làm giấy CNQSDĐ, UBND xã Krông Búk có lập biên bản xác định ranh giới sử dụng đất, do ông Nguyễn Tiến Văn (cán bộ địa chính, hiện nay đang giữ chức Phó chủ tịch xã) xác minh với chiều dài mặt Quốc lộ 26 của lô đất là 11m. Tuy nhiên, HĐXX đã không ghi nhận điều này, đến khi phiên tòa diễn ra HĐXX xử cũng không yêu cầu ông Văn có mặt để xác nhận.
Ngoài ra, thửa đất gia đình bà Sử mua lại được tách ra từ mảnh đất ban đầu của hộ gia đình bà Dung đã được cấp giấy CNQSDĐ năm 2002. Nếu cộng các số thửa được tách ra sẽ bằng đúng diện tích ban đầu. Tòa xem xét kết quả thẩm định thể hiện phần đất giáp ranh giữa đất nhà tôi và nhà ông Bang là hàng rào cây râm bụt làm căn cứ phán xử là điều hết sức vô lý.
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã tìm gặp trực tiếp ông Trần Thỏa Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Búk. Ông Hợp cho biết: Sự việc tranh chấp đất giữa hộ ông Bang và bà Sử là có thật, việc này đã được địa phương 2 lần tổ chức hòa giải nhưng không thành nên đã hướng dẫn nguyên đơn làm đơn ra tòa.
Theo ông Nguyễn Quang Tri, Công chức tư pháp hộ tịch xã Krông Búk khẳng định: Khi chuyển nhượng đất, hai bên gia đình ông Ân và bà Sử có ra phòng công chứng làm giấy tờ, sau đó đưa hồ sơ lên phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Pắk yêu cầu cấp giấy CNQSDĐ rồi làm hồ sơ tách thửa. Hiện nay, thửa đất của bà Sử đang bị thiếu tới hơn 80m2, nếu đo lại phải lấn sang đất nhà ông Bang hơn 2m thì mới đủ diện tích trong giấy CNQSDĐ của bà Sử. Thời gian gần đây, gia đình ông Bang đang yêu cầu được cấp giấy CNQSDĐ nhưng xã chưa giải quyết vì đây là diện tích đang xảy ra tranh chấp, đợi tòa xử lý giải quyết xong.
Phóng viên cũng làm việc với ông Trần Văn Thư (ngụ thôn 14, xã Ea Kly, huyện Krông Pắk), chủ cũ thửa đất của ông Bang. Ông Thư cho hay, năm 1993 ông bán lại mảnh đất cho ông Bang, khi chuyển nhượng không đo đạc gì chỉ làm giấy viết tay. Ông Bang sinh sống trên đất đó đã hơn 20 năm nhưng vẫn chưa làm giấy tờ. Vào thời điểm bán đất, ranh giới đất nhà ông và nhà ông Phạm Ân là hàng cây bã đậu chứ không phải cây râm bụt.
Còn bà Dung (chủ đất cũ của bà Sử) khẳng định: “Tại thời điểm tách thửa cho bà Sử có địa chính xã là ông Văn xuống đo đạc tách thửa đất theo đơn đề nghị tách thửa (04/09/2014), việc đo đạc có mặt ông Bang và ông cũng đồng ý ranh giới đất nên Phòng Tài nguyên môi trường mới xác nhận đủ điều kiện tách thửa. Ngày xét xử TAND huyện Krông Pắk không triệu tập tôi đến tòa, mặc dù tôi là người có trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan. Tôi nhận thấy bản án của TAND huyện Krông Pắk là hết sức vô lý, bởi lô đất mà tôi sang nhượng cho vợ chồng bà Sử từ giấy CNQSDĐ của tôi là đúng với hiện trạng và diện tích ghi trong bìa đỏ”.
“Vì TADN huyện Krông Pắk không làm rõ sự việc, cũng không ủy thác cho tòa án nơi tôi đang cư trú để lấy lời khai, cũng không yêu cầu tôi nêu ý kiến bằng văn bản nên bản thân tôi không được thực hiện quyền lợi của mình để làm sáng tỏ dẫn đến quyền lợi của vợ chồng ông Phu bà Sử bị xâm hại”, bà Dung giãi bày.
Theo ý kiến của đại diện UBND huyện Krông Pắk, việc xác nhận quyền sửu dụng đất, tình trạng tranh chấp về đất đai và nguồn gốc sử dụng đất là thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã, phường, thị trấn, mà người trược tiếp thực hiện nhiệm vụ đó là cán bộ địa chính xã. Khi chúng tôi tiếp nhận hồ sơ, có đầy đủ biên bản xác định ranh giới và thủ tục chuyển nhượng đã được cơ quan công chứng chứng nhận có nguồn gốc pháp lý. Nội dung hồ sơ không có gì vi phạm, chúng tôi đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật đó là tách thửa và cấp lại GCNQSDĐ cho người được thụ hưởng”.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin.