- Trước ngưỡng cửa TPP, thị trường bán lẻ Việt Nam có những cơ hội, thách thức gì, thưa ông?
- Rất nhiều người hào hứng và trông đợi Hiệp định TPP sẽ làm thay đổi và phát triển thị trường bán lẻ. Tôi đồng ý là Hiệp định sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thị trường, tuy nhiên chắc chắn không phải doanh số bán lẻ đột nhiên tăng đột biến hay sự gia nhập rầm rộ của các nhà bán lẻ nước ngoài chỉ sau một đêm.
Tôi khẳng định rằng, chính những thành phần tham gia vào thị trường bán lẻ hiện nay sẽ giúp các nhà bán lẻ nước ngoài quyết định gia nhập thị trường hay không. Một khi thị trường bán lẻ Việt Nam bổ sung thêm các mảnh ghép đang còn thiếu để trở thành một thị trường mutual (trưởng thành) hơn thì các nhà bán lẻ nước ngoài ngay lập tức sẽ nhìn ra được và gia nhập thị trường ngay mà chúng ta không cần phải làm gì nhiều để thu hút cả…
Tôi nghĩ thông điệp của TPP mang đến chính là “cơ hội và thách thức”, rất nhiều thứ sẽ thay đổi, không chỉ đơn thuần các rào cản thương mại, hàng rào thuế quan… mà còn là vấn đề thói quen sinh hoạt và mua sắm của người dân sẽ tác động rất lớn đến thị trường bán lẻ, kể cả việc cải thiện sức khỏe nền kinh tế.
Ông Theodore Knipfing |
- Nhiều thương hiệu bán lẻ quốc tế đã gia nhập vào thị trường Việt Nam và sẽ còn tăng lên. Vậy ông sẽ nói gì với các thương hiệu cao cấp nếu họ nói với ông rằng họ muốn vào thị trường Việt Nam?
- Các thương hiệu cao cấp nhắm đến thị trường Việt Nam thời điểm này là hợp lý nhưng những kỳ vọng của họ phải dựa trên thực tế tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng.
Tôi sẽ khuyến khích họ đầu tư vào Việt Nam theo hình thức trực tiếp bởi vì đây là cơ hội tuyệt vời để kinh doanh với 90 triệu dân Việt Nam, và con số này sẽ tăng lên nữa. Mức thu nhập cũng đang được tăng lên tương ứng với khả năng chi tiêu.
Việc họ phải làm là quảng bá thương hiệu đến khách hàng, tính toán để giá cả hợp lý nhất có thể vì khách hàng hiện nay cực kỳ nhạy bén và thông minh, họ có internet để kiểm tra giá cả… Tôi biết là có rất nhiều chi phí phát sinh nhưng bạn phải khống chế được giá cả ở mức nằm trong khả năng chi trả của người dân và không quá khác nhau giữa các cửa hàng trên phạm vi toàn cầu. Làm được điều này chính là bạn đã kiểm soát được thương hiệu và nói cho khách hàng biết thương hiệu của bạn như thế nào.
- Với những thương hiệu bán lẻ của Việt Nam như Vingroup, Fivimart…, ông đánh giá như thế nào về tính cạnh tranh và nội lực của họ?
- Những doanh nghiệp nội đang có lợi thế hơn vì họ hiểu rõ về người tiêu dùng trong nước, có mối quan hệ rộng rãi trên thị trường hơn là những doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, những doanh nghiệp nước ngoài lại có nhiều kinh nghiệm vận hành, có nguồn vốn mạnh. Các doanh nghiệp bạn vừa nêu đang hoạt động khá tốt, các nhà bán lẻ và các nhà phát triển từ Nhật Bản, Singapore nhìn chung cũng đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Họ cũng có những lợi thế nhất định để mang đến cho thị trường và tôi hy vọng rằng cả hai khối doanh nghiệp này sẽ học hỏi và phát triển cùng nhau để mang lại những lợi ích cho người tiêu dùng Việt Nam…
- Ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trước một “sân chơi” đang ngày càng mở rộng này?
- Dù cho các nhà bán lẻ nội có nhiều lợi thế như am hiểu tốt hơn về người tiêu dùng, có mối quan hệ, có quỹ đất… thì họ cũng không nên chủ quan mà phải tranh thủ học hỏi những cái mới, những cái hay từ các nhà bán lẻ nước ngoài và kết hợp với các ưu điểm của mình để phát huy lợi thế cạnh tranh lên mức cao nhất.
Cần phải linh hoạt và uyển chuyển để thích nghi với những thay đổi của thị trường vì bản chất của thị trường bán lẻ rất nhanh thay đổi, đặc biệt là tại các quốc gia mới nổi như Việt Nam thì thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến động hơn nữa…
- Xin cám ơn ông!