Dù phải chịu những cơn đau của căn bệnh hiếm gặp nhưng cô gái 25 tuổi vẫn lạc quan chống chọi. Để sự ra đi của mình không vô nghĩa và với mong muốn nhiều người khác có cơ hội được sống, chị Thanh đã nảy ra nguyện vọng xin được hiến xác mình cho y học.
Sống cùng bệnh tật
Là con út trong gia đình có 4 chị em gái, nhưng số phận của chị Nguyễn Thị Thanh (25 tuổi, ngụ xóm Nam Đàn, xã Tân An, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) lại chịu nhiều bất hạnh hơn các chị gái. Lọt lòng chưa được bao lâu, các đầu ngón tay của Thanh đã xuất hiện những nốt lạ, sức khỏe yếu hơn so với bao đứa trẻ khác.
Dù thấy con có nhiều biểu hiện khác thường nhưng do hoàn cảnh gia đình nên vợ chồng bà Nguyễn Thị Thư (64 tuổi) không đưa đến bệnh viện thăm khám mà chỉ đi lấy thuốc các “thầy lang”.
Chính điều này đã khiến bệnh tình cô gái ngày càng biến chuyển xấu mà người thân không hề hay biết. Bà Thư luôn tự trách bản thân mỗi khi nhắc đến bệnh tình con gái. Bà kể, lúc nhỏ nhìn những cục thịt nổi khắp người cháu Thanh, vợ chồng bà dù không biết rõ bệnh gì nhưng vẫn biết đó là dấu hiệu bất thường.
Đã nhiều lần vợ chồng có ý định đưa con đi khám nhưng rồi lại thôi. Đến tuổi đi học, thấy con vẫn đến trường như bao đứa trẻ khác nên gia đình yên tâm. Nhưng khi lên cấp 3, bệnh tình Thanh bắt đầu có dấu hiệu chuyển biến nặng dần.
Lo lắng, bà hạ quyết tâm đưa con đi khám một lần cho rõ thì chẳng may chồng mất. Cú sốc lớn khiến cả gia đình suy sụp một thời gian. Bà phần vì buồn chán chuyện gia đình, phần vì một mình nuôi đàn con, chuyện tiền bạc luôn túng thiếu nên đành gác lại chuyện đó thêm thời gian nữa.
Năm Thanh học lớp 11, chân phải bỗng xuất hiện nhiều u nhú. Các cục u khiến cô gái đau đến mức không thể đi lại được. Đến lúc này, bà Thư hốt hoảng đưa con đi chữa trị một số nơi nhưng không thể điều trị tận gốc. Thanh đành phải nghỉ học ở nhà. Sau thời gian điều trị ở bệnh viện huyện, cô được chuyển xuống tuyến tỉnh, rồi tiếp tục ra Bệnh viện K (Hà Nội). Tại đây, các bác sỹ kết luận chị bị “u nhú lan rộng cẳng chân”, một bệnh do vi rút gây nên.
Chứng bệnh dẫn đến chân nổi u, nhưng với trường hợp Thanh đã rơi vào giai đoạn muộn. “Người ta bảo bệnh này khó chữa trị, phải uống thuốc lâu dài nên chỉ kê thuốc rồi cho về. Tôi cũng đều đặn uống thuốc theo đơn nhưng đến hôm nay chân vẫn đau lắm, không thể đi lại được. Tất cả mọi công việc đều phải nhờ sự trợ giúp của mẹ. Nếu tình hình cứ kéo dài như thế này chắc tôi không còn sức để chống chọi với các cơn đau”, Thanh nói.
Theo thông tin từ các bác sỹ, những người mắc bệnh này thường không có triệu chứng gì quá đặc biệt ngoại trừ khi khối sùi làm bệnh nhân có cảm giác vướng víu khó chịu hoặc khi bị bội nhiễm gây đau nhẹ. Tuy nhiên, bà Thư không ngờ rằng do không được điều trị từ sớm nên vết thương trên chân con gái bị biến chứng dần, gây trở ngại cho việc đi lại.
Thanh buồn rầu: “Từ nhỏ, em đã biết sức khỏe mình yếu, nên chỉ làm công việc nhẹ. Em cũng biết bố từng đi chiến trường, có thể nhiễm chất độc hóa học, nhưng thấy các chị vẫn khỏe mạnh, lớn lên lập gia đình, sinh sống bình thường. Vì vậy, em nghĩ rằng đây không phải là do di truyền nên vẫn an tâm sau này bệnh sẽ khỏi, không ngờ…”.
Bàn chân đau đớn khiến việc đi lại của Thanh gặp rất nhiều khó khăn |
Muốn trao cơ hội sống cho người khác
Nỗi đau thân xác khiến tinh thần dần suy sụp. Có thời điểm cô gái trẻ đã nảy sinh những suy nghĩ tiêu cựu, sống khép mình, ít giao tiếp với bạn bè, chỉ nằm bẹp… đếm ngày chết. “Bàn chân đau nhức khiến chuyện đi lại của tôi rất khó khăn. Việc chỉ ngồi trong 4 bức tường khiến tôi hay suy nghĩ tiêu cực.
Nhưng rồi nhìn mẹ ngược xuôi để kiếm tiền chữa bệnh, tôi lại không cho phép mình làm chuyện dại dột. Ước chi tôi là cô gái khỏe mạnh như bao người khác thì người thân và mẹ không phải khổ như vậy”, Thanh nói.
Cô gái trẻ hiểu rõ bệnh tình của mình không chữa được, cũng không có cơ hội khỏe mạnh, nhưng vẫn mong muốn được cống hiến cho cuộc đời. Thanh tâm sự, sau nhiều lần tìm hiểu thông tin trên mạng, đã muốn hiến một số bộ phận tạng mình cho y học để có thể giúp những người khác có thêm cơ hội sống trên cuộc đời này.
“Để đưa ra quyết định này, tôi đã suy nghĩ thời gian dài chứ không phải bộc phát. Tôi đã tìm hiểu điều kiện và các thủ tục để được hiến tạng mình cho y học. Cũng là người bệnh nên tôi hiểu rõ nỗi đau của những ai không may bị bệnh tật giày vò. Do vậy, tôi muốn cái chết của mình được ý nghĩa hơn, cũng là cho nhiều người có cơ hội ghép tạng, duy trì sự sống. Ai cũng có cơ hội được sống nên tôi muốn trao cho nhiều người khác”, Thanh chia sẻ.
Thanh nói: “Bệnh của tôi ít liên quan đến nội tạng, vì vậy có thể gan hoặc thận vẫn còn khỏe. Tôi đã sống qua những ngày khắc khoải, lo lắng. Kiếp này tôi chưa làm được việc gì có ích, thì hy vọng cái chết của tôi sẽ cứu được nhiều số phận kém may mắn khác”.
“Việc hiến nội tạng là tự nguyện nên tôi sẽ không yêu cầu có chế độ bồi dưỡng nào. Nhưng trước khi điền vào mẫu đăng ký thì phải báo cho gia đình hoặc người thân để đảm bảo quá trình hiến xác không gặp phải cản trở, đây là điều tôi lo lắng, vì tôi chưa báo cho mẹ. Hiện chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau để sống.
Mẹ luôn muốn tôi tiếp tục cố gắng chữa trị để tiếp tục sống tiếp, nếu mẹ biết việc này quá đột ngột chắc chắn sẽ không đồng ý. Vì thế tôi muốn dần dần nói chuyện và giải thích cho mẹ hiểu, đến khi bà hoàn toàn chấp nhận thì sẽ làm các thủ tục để thực hiện tâm nguyện của mình”, cô gái trẻ chia sẻ thêm.
Ông Cao Tiến Thìn, Chủ tịch xã Tân An, huyện Tân Kỳ xác nhận chị Nguyễn Thị Thanh đang hưởng chế độ người tàn tật. Ông nói: “Chị Thanh bị đau yếu từ nhỏ nên đang được hưởng chế độ xã hội ở mức cao nhất. Thời gian gần đây bệnh nặng thêm nên việc đi lại của chị ấy gặp rất nhiều khó khăn, tất cả phải nhờ cậy vào người mẹ già. Hoàn cảnh gia đình này khiến chính quyền địa phương luôn trăn trở”.
Về việc Thanh có tâm nguyện hiến tạng cho y học, ông Thìn nhận định đây là hành động nhân đạo và ý nghĩa, nếu như đó là tâm nguyện của Thanh.