Bất đồng ngôn ngữ là nguyên nhân của mâu thuẫn
Năm 1994, cô gái Trần Thị Hoàng Phượng (giáo viên, quê TP HCM) tự nguyện kết hôn với một kiến trúc sư người Đài Loan (Trung Quốc) sang làm việc tại Việt Nam. Thời gian đầu hôn nhân, gia đình nhỏ của chị Phượng gồm 4 thành viên (2 vợ chồng và 2 con) sinh sống tại TP HCM. Đến năm 2001, thể theo nguyện vọng của chồng, chị chấp nhận “thuyền theo lái, gái theo chồng” chuyển cả gia đình về sống ở Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) sinh sống.
Thời gian đầu định cư tại quê chồng, dù rằng cuộc hôn nhân của chị xuất phát từ tình yêu và tự nguyện nhưng chị vẫn cảm nhận rất rõ người dân nơi đây nhìn chị cũng như các cô dâu Việt nói chung với tâm lý còn khá... kỳ thị. Họ cho rằng đa phần phụ nữ nước ngoài kết hôn vì mưu cầu lợi ích riêng. Tìm hiểu mới biết, sự kỳ thị của người dân là có cơ sở thực tế khi có không ít vụ việc cô dâu người Việt phải dắt con tự vẫn chỉ vì mâu thuẫn với nhà chồng. Nguyên nhân của những mâu thuẫn cùng cực phải đánh đổi bằng mạng sống của những thiếu phụ trẻ và những đứa con vô tội của họ chính là do bất đồng ngôn ngữ dẫn đến thiếu sự đồng cảm, không sự thấu hiểu về văn hóa, lối sống của nhau… Điều này khiến chị Phượng bị ám ảnh và day dứt, thôi thúc bản thân quyết tâm phải làm một điều gì đó để thay đổi.
Ở Đài Loan có rất đông cô dâu người Việt nhưng đa số họ không biết tiếng bản địa, không được chuẩn bị trước về mặt văn hóa gây ra sự căng thẳng trong mối quan hệ gia đình. Chị Phượng nhận thấy nguyên nhân của mọi mâu thuẫn chính là do rào cản về văn hóa, ngôn ngữ. Vì không hiểu tiếng nhau, không thể giao lưu trò chuyện với nhau nên những mâu thuẫn cứ âm ỉ như lửa gói trong giấy. Đó là động lực khiến chị Phượng mạnh dạn mở lớp dạy tiếng Trung cho những cô dâu người Việt để họ có thể nhanh chóng trao đổi với nhà chồng. Dạy được một thời gian, điều khiến cô giáo Phượng cảm động là không chỉ các cô dâu
Việt nô nức tìm đến học tiếng Trung mà người nhà chồng của những cô dâu cũng rất muốn học tiếng Việt. Vì một lòng muốn thay đổi cách nhìn nhận của xã hội Đài Loan đối với cô dâu người nước ngoài, đến năm 2003, chị Phượng mở lớp dạy tiếng Việt đầu tiên.
Học sinh theo học tiếng Việt của chị Phượng có đủ độ tuổi khác nhau, đến từ những đất nước khác nhau. Người Đài Loan vốn nhanh nhạy, họ tiếp nhận ngôn ngữ mới rất nhanh và họ rất cố gắng để hiểu những người dân di cư đến đây. Trong lớp, chị Phượng tạo cơ hội cho mọi người trao đổi cho dù họ không cùng lứa tuổi, không cùng quốc tịch, phá vỡ khoảng cách ngôn ngữ để tăng sự hiểu biết văn hóa của nhau. Dạy được một thời gian, nhiều trường đại học mời chị đi dạy tiếng Việt. Trong trường dạy rất nhiều tiếng nước ngoài đặc biệt là các ngôn ngữ Đông Nam Á. Năm 2006, trường muốn thúc đẩy các ngôn ngữ ít được sử dụng như tiếng Việt nên mời chị đi dạy.
Chương trình dạy tiếng Việt cơ bản của chị Phượng gói gọn trong 1 năm chia làm 4 kỳ, mỗi kỳ 2 tháng. Mọi người sẽ được học từ phát âm đến nói chuyện cơ bản. Sau khi học xong sẽ được học nâng cao lên. Qua 10 năm miệt mài giảng dạy, đến nay chị Phượng là giảng viên chính thức của trường.
Người mang văn hóa Việt đi khắp xứ Đài
Chị Phượng cho hay, những người học ở lớp của chị đều là những người yêu thích Việt Nam, yêu văn hóa Việt Nam. “Trước đây mình mở lớp, có rất nhiều người có vợ, con dâu là người Việt Nam nhưng dần dần đến học không ít người yêu thích văn hóa Việt, hơn nữa ẩm thực của Việt Nam rất phổ biến ở Đài Loan khiến người ta thích thú muốn tìm hiểu,” chị Phượng hào hứng chia sẻ.
Thông qua mỗi ngôn ngữ đều có một nét văn hoá nằm trong đó, chính vì vậy thông qua mỗi buổi học chị Phượng lại cho những người dân xứ Đài hiểu được hơn về văn hóa, phong tục người Việt Nam.
“Mình may mắn khi có thể truyền tải văn hóa và ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của mình cho những người Đài Loan để họ hiểu và yêu thích Việt Nam”. Hiện nay, Bộ Giáo dục Đài Loan rất coi trọng tiếng Việt và đến năm 2018, họ sẽ đưa tiếng Việt vào chương trình Đại cương. Đây là tin vui không chỉ cho chị Phượng mà còn cho cộng đồng người Việt Nam tại Đài Loan.
Vì muốn công việc ý nghĩa của mình được phổ biến hơn nên từ năm 2008, chị bắt đầu dạy tiếng Việt trên đài truyền hình. Một trong những chương trình nổi bật của chị mang tên “Càng nói càng hay” trên Đài Truyền hình Đài Loan.
Đây là chương trình phát hàng ngày, mỗi ngày dạy một câu tiếng Việt trong 5 phút. Mục tiêu là để người học có thể phát âm được khoảng 100 câu hay dùng nhất hàng ngày để nói chuyện với các cô dâu Việt. Còn chương trình “Vui học tiếng Việt” của đài phát thanh mà chị có tham gia cũng đã phát sóng được 10 năm.
Với hy vọng mình có thể làm được nhiều hơn, năm 2013, chị Phượng cũng đã kêu gọi cộng đồng người Việt tại Đài Loan thành lập Hiệp hội Xúc tiến Kế thừa Văn hóa Di dân mới. Thông qua những hoạt động của Hiệp hội có thể tìm nhiều cơ hội việc làm người Việt Nam tại Đài Loan. Không dừng lại tại đó, chị Phượng tiếp tục thành lập đoàn biểu diễn nghệ thuật “Ngôi sao Việt” cho những người Việt Nam tại Đài Loan có cơ hội được thể hiện. Thông qua những buổi biểu diễn âm nhạc, chị Phượng hy vọng các khán giả yêu thích và kéo mọi người xích lại gần nhau hơn. Không chỉ có chị Phượng mà còn rất nhiều người phụ nữ khác đã và đang nỗ lực hết mình để xã hội Đài Loan hiểu và có cái nhìn bao dung hơn với những cô dâu người Việt tại đây.