Năm 1970, trong một lần đi thực tế và nghỉ lại đơn vị, thi sĩ Giang Nam đã dành tặng những vần thơ thắp lửa này cho các nữ chiến sĩ pháo binh 8/3 (phiên hiệu của Đội nữ pháo binh tỉnh Lâm Đồng)...
Chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công nhưng không như “Đội quân tóc dài” Bến Tre nổi tiếng từ trong lịch sử đến phim ảnh, nghệ thuật sau chiến tranh, vì yêu cầu lịch sử, đơn vị nữ pháo binh 8/3 sau 6 năm liên tục chiến đấu đã lặng lẽ hòa mình vào chiến công giải phóng dân tộc, lặng lẽ một thời gian dài...
“Em gái quê ta đã thành dũng sĩ xông pha chiến trường”
Tháng 5/2018, nhân dịp tròn 50 năm thành lập Đội nữ pháo binh 8/3, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức một chuyến ra Thủ đô viếng lăng Bác cho các chị em trong đội vì phần lớn trong số họ đánh giặc xong, giải phóng là quay về với buôn làng, vật lộn với cuộc sống mưu sinh, hoàn cảnh rất khó khăn, có người chưa bao giờ được đặt chân đến Hà Nội, chưa một lần được nhìn thấy lăng Bác. Và cũng trong chuyến đi này, lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ, giao lưu thân mật với Đội cựu nữ pháo binh 8/3 tỉnh Lâm Đồng.
Trong buổi gặp gỡ, bà Lưu Thị Thanh An, nguyên Chỉ huy phó Đội nữ pháo binh 8/3, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thành ủy Bảo Lộc (Lâm Đồng) bồi hồi cho biết, Đội nữ pháo binh thành lập ngày 22/12/1968 tại suối Cheo, xã Lộc Bắc (lấy phiên hiệu là 8/3), quân số 42 đồng chí, có lúc đơn vị được biên chế 60 đồng chí, hoàn toàn là nữ. Trong đó có 20 đồng chí là dân tộc Mạ và Kho”. Chưa tới 1 tháng sau ngày thành lập và huấn luyện khẩn trương, đơn vị nữ pháo binh 8/3 đã được tung vào chiến trường đối mặt với kẻ thù.
Trận mở màn của đơn vị nữ pháo binh 8/3 diễn ra vào đầu tháng 1/1969, 20 nữ pháo thủ phối hợp với Đại đội 215 công binh của Tỉnh đội Lâm Đồng đánh giao thông thuộc địa bàn K4 (huyện Đạ Huoai ngày nay) đã diệt 17 tên lính bảo an. Đỉnh cao chiến công của đơn vị nữ pháo binh 8/3 là trận đánh hiệp đồng cùng đơn vị bộ binh C200 kiềm chế Trung đoàn 53 ngụy tại Di Linh đêm 11/9/1969. Trong trận đánh kéo dài đến 5 giờ sáng ngày 12/9/1969, những nữ pháo thủ của đơn vị đã bắn 160 quả đạn cối vào trận địa của địch tạo điều kiện cho C200 diệt gọn 200 tên lính.
Tại trận công đồn lịch sử này, riêng đơn vị 8/3 đã tiêu diệt hoàn toàn Bộ Chỉ huy Trung đoàn 53, bắn chết và bắt sống 93 tên lính, phá hủy nhiều khí tài, quân trang, quân dụng của địch. Trận đánh đã làm tê liệt hoàn toàn sức đề kháng của ngụy quân, ngụy quyền vùng chiến trường Di Linh – Lâm Đồng lúc bấy giờ.
Với bà Phan Thị Thanh Hùng - người Đội trưởng đầu tiên của Đội nữ pháo binh 8/3 thì trận đánh năm 1969 là trận đánh mà có lẽ trong cuộc đời bà và đồng đội của mình không bao giờ quên. Trước khi xuất phát, các chị nghe tin Bác Hồ kính yêu vừa vĩnh viễn ra đi.
“Nghe tin Bác mất, chúng tôi ai nấy khóc như mưa. Nhưng lau nước mắt và đứng dậy chiến đấu, bởi lúc ấy, lòng căm thù dâng cao hơn, như tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh để chiến đấu và thắng quân thù. Sau trận đánh này, chúng tôi được Trung ương tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, vui và tự hào lắm!”, bà Hùng kể lại.
Trong quá trình chiến đấu, đơn vị nữ pháo binh 8/3 đã để lại nhiều dấu ấn về lòng quả cảm, chiến công vang dội và sức chịu đựng gian khổ vô song có lẽ chỉ có được ở những người phụ nữ hết lòng cho Tổ quốc. Bà Dư Kim Hoa hai lần bị địch cưa chân không hé răng khai nửa lời; bà Ka Hường và một nữ đồng đội khác lạc rừng tới 25 ngày sau một lần rơi vào ổ phục kích của địch, khi tìm lại được đơn vị chỉ còn da bọc xương nhưng vẫn giữ nguyên vẹn hai khẩu súng cạc bin và khi đồng đội tìm được, đói lả người nằm trong nương sắn của dân vẫn không dám đào một củ để ăn.
Đặc biệt, hình ảnh hy sinh lẫm liệt của chị Lê Thị Pha – người nữ anh hùng quê đất thép Củ Chi, Chính trị viên của Đội nữ pháo binh 8/3 cho đến nay vẫn làm hàng nghìn người dân Bảo Lộc xúc động. Khi bắn chết chị Pha vào ngày 6/11/1972, với tuyên bố “đã giết được một con cộng sản cộm cán”, quân giặc đã hèn hạ cột tóc chị vào sau xe jeep và kéo khắp thị xã Bảo Lộc để thị uy nhưng chúng vẫn không lung lay được tinh thần chiến đấu của quân và dân Lâm Đồng.
Một đội nữ pháo binh Ngư Thủy tác chiến năm 1969 (ảnh tư liệu). |
Ngay sau lúc chị Pha hy sinh, những nữ pháo thủ còn lại vẫn kiên cường bám bản, bám dân chiến đấu cho đến ngày Hiệp định Paris được ký kết. Hai mươi sáu năm sau, chính những nữ đồng đội ngày ấy mới tìm được hài cốt nữ liệt sỹ Lê Thị Pha và đưa chị về an táng tại quê nhà, đất thép Củ Chi.
Toàn đơn vị được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, 66 Huân chương các loại, 40 Danh hiệu Dũng sĩ và nhiều Bằng khen, Giấy khen do các cấp khen tặng. Liệt sỹ Lê Thị Pha, Chính trị viên, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân ngày 6/11/1979. Tại nhà riêng của mình ở Bảo Lộc, bà Lưu Thị Thanh An có lập bàn thờ chị Lê Thị Pha. Tên nữ Anh hùng – Liệt sỹ Lê Thị Pha được đặt cho một trường học và một con đường ở trung tâm thị xã Bảo Lộc.
“Chào em, chào những chiến công”
Nhân nói đến câu chuyện của Đội nữ pháo binh tỉnh Lâm Đồng cũng cần biết rằng, trong suốt cuộc trường kỳ kháng chiến của đất nước, trên mảnh đất hình chữ S đã có rất nhiều những đội nữ pháo binh góp phần mình vào chiến thắng của dân tộc. Năm 2015, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, 309 nữ pháo binh của 17 tỉnh, thành từ Quảng Trị đến đất mũi Cà Mau đã cùng nhau hội ngộ.
Này là Đội nữ pháo binh tỉnh Long An với các trận đánh vào chốt Mỹ ở Cần Đốt, vành đai Rạch Kiến, Bình Tịnh, Hiệp Thạnh khiến địch thiệt hại nặng nề. Đó là các trận nã pháo trúng Dinh Tỉnh trưởng Hậu Nghĩa, trận đánh vào sân bay bẻ gãy trận càn của địch vào Đức Lập. Chỉ trong 3 năm, từ năm 1968 đến năm 1970, Đội nữ pháo binh Long An đã đánh vào Đức Hòa 416 trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng chục xe tăng, hàng ngàn tên Mỹ ngụy. Và trận Mậu Thân 1968, cùng với các đồng đội, Khẩu đội trưởng Hồng Quân đã rót hàng chục trái đạn, pháo kích vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Được sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Miền, từ năm 1968, các đội nữ pháo binh tỉnh Cà Mau được thành lập và lập chiến công vang dội. Nữ pháo binh Châu Thành bắn rơi cả máy bay phản lực, diệt hàng chục tên địch, thu nhiều vũ khí quân trang, quân dụng; Trung đội nữ pháo binh Cái Nước diệt 2 đại đội bảo an, 1 trung đội thám báo, bắt sống gần 200 tên địch, thu hàng trăm súng các loại.
Trong kháng chiến chống Mỹ, chiến trường tỉnh Đồng Nai có đội pháo binh nổi tiếng, được hình thành từ Trung đội trợ chiến nhưng quen được gọi là Đội cối Xuân Lộc. Ra đời năm 1969, gần 7 năm chiến đấu, Đội cối Xuân Lộc đánh liên tiếp 141 trận, diệt hàng trăm tên địch, đẩy lùi nhiều trận càn khiến địch khiếp hãi. Những nữ pháo thủ không chỉ bắn rơi máy bay, xe tăng, đầu xe lửa mà còn bắt sống tù binh. Đội cối Xuân Lộc đã vinh dự được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và Anh hùng Lực lượng Vũ trang.
Tỉnh Sông Bé có Đội nữ pháo binh Bến Cát C5 nổi danh với việc sử dụng nhiều vũ khí, cả pháo và cối. Đội có thể tác chiến độc lập, đánh bộ binh, pháo binh và đánh công đồn.
Trận đánh vào Bộ Tổng Tham mưu chính quyền Sài Gòn trong đợt tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, nữ pháo thủ Đội Biệt động 67 của lực lượng biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Bích Nga đã bắn pháo không bàn đế vào mục tiêu Sở Chỉ huy của Tướng Westmoreland. Từ trận địa pháo tại ngôi nhà ở chợ Vườn Chuối, chị bắn pháo vào mục tiêu khuôn viên sở chỉ huy. Quả pháo trúng vào chiếc xe chở lính đi càn khiến hàng chục tên lính thương vong...
Có thể nói, trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới, ít ai ngờ các chiến sĩ nữ pháo binh Việt Nam vóc người nhỏ bé nhưng sức mạnh và ý chí chiến đấu thì không ai sánh kịp như thế. Như lời của bà Hoàng Thị Ái Nhiên - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam tại cuộc gặp gỡ với Đội nữ pháo binh tỉnh Lâm Đồng: “Chưa có cuộc chiến tranh nào như ở Việt Nam khi lực lượng phụ nữ với số lượng đông đảo trực tiếp ra chiến trường, chiến đấu trực diện với kẻ thù. Họ đã lập nhiều chiến công oanh liệt, đáng tự hào. Họ là những minh chứng hùng hồn về thế hệ phụ nữ anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc”.
Và trong những những ngày tháng Tám lịch sử này, thêm lần nữa ánh lửa của tình yêu quê hương, đất nước, ánh lửa của niềm tin, niềm tự hào phụ nữ Việt Nam sẽ mãi lan tỏa.