Chuyện xúc động về lớp học người Việt trên Biển Hồ

Bên trong một lớp học
Bên trong một lớp học
(PLO) -  Trên Biển Hồ mênh mông, giữa những mái nhà lúp xúp là ngôi bè khang trang nổi bật với những bức tường bằng gỗ sơn màu xanh da trời, mái tôn đỏ au. Tấm bảng lớn bằng ba thứ tiếng: Campuchia, Việt, Anh. Dòng chữ tiếng Việt nổi bật: Trường tiểu học Việt Nam do Quân khu 7 Quân đội nhân dân Việt Nam tặng.

Hầu hết người Việt ở Biển Hồ (tỉnh Xiêm Riệp, Campuchia) đều sống bằng nghề giăng lưới, thả câu, bắt cá, bắt rắn. Không điện, không nước sạch, không được chăm sóc y tế, cuộc đời họ lênh đênh nổi chìm theo con nước. Cuộc sống khó khăn nhưng do thiếu hiểu biết, họ sinh đẻ rất nhiều. Ít thì 4-5 con, không hiếm gia đình có cả “tiểu đội”.

Bán nhà bán đất sang Campuchia dạy học

Thầy giáo già Trần Văn Tư đã góp phần thay đổi quan điểm đó. Năm 1976, ông từ Tây Ninh đến Biển Hồ buôn bán. Thời điểm đó, người Việt mưu sinh ở đây đã rất nhiều. 

Khi ông Tư sang, một số người mang những bức thư ố vàng đến nhờ ông đọc. Cùng cha mẹ sang Campuchia, họ là thế hệ người Việt thứ 2 nhưng không hề biết chữ. Cha mẹ mất, những người con cũng mất liên lạc với quê cha đất tổ. Những lá thư của bà con dòng họ ở Việt Nam gửi sang, họ không đọc được, đành giữ từ năm này qua năm khác. 

Khi được nghe ông Tư đọc những dòng thăm hỏi, kể chuyện quê hương, nhiều người đã xúc động rơi nước mắt. Dần dà thành quen, mọi người ngóng chờ những chuyến hàng của ông. Mặc dù họ không mua hàng, nhưng ông Tư chẳng phiền lòng khi đọc giùm họ lá thư của dì dượng gửi sang, biên giùm vài chữ báo tin bên này gia đình vẫn khỏe.

Pôn Pốt lên nắm quyền, giao thương bị chia cắt, ông Tư trở về Việt Nam. Việc buôn bán làm ăn ở trong nước rất thuận lợi, nhưng trong lòng ông cứ đau đáu không yên: “Mình không sang, liên lạc của họ với quê nhà sẽ bị cắt đứt. Những đứa trẻ ở Biển Hồ lớn lên chữ không biết, không biết gì về quê hương bản quán, suốt đời đói nghèo”.

Năm 1997, ông Tư quyết định quay lại Campuchia, lần này ông không mang theo hàng hóa mà chỉ mang theo vài tập vở, mấy cây bút. Ông nhận thấy, sau hàng chục năm xa cách, cộng đồng người Việt ở Biển Hồ vẫn đói khổ như xưa. 

Sau chuyến đi đó, ông Tư về bàn với vợ bán nhà, bán đất sang Campuchia để dạy học. Lúc đầu, gia đình nghĩ ông đã già, suy nghĩ lẩm cẩm nên không ai để ý. Sau thấy ông buồn bã ra vào thẫn thờ như cái bóng, mọi người mới hiểu mong muốn cháy bỏng của ông. Rồi người vợ đồng ý, bán miếng đất cùng chồng sang Campuchia xứ người. Mấy người con của ông ở lại Việt Nam, đi làm để lấy tiền hỗ trợ ba.

Rau cháo nuôi học sinh

Lớp học đầu tiên của ông Tư trên một chiếc thuyền nhỏ. Lớp chỉ có 31 học sinh,  lũ trẻ từ 5-10 tuổi nhưng chưa em nào biết chữ. Thời gian đó, ông ở hẳn trên thuyền, thức ăn là con cá, con tôm do phụ huynh giúp đỡ.

Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng số học sinh rơi rụng dần, cuối cùng chỉ còn hơn 10 em. Ông Tư chèo thuyền đến từng nhà vận động nhưng không đạt kết quả khả quan. 

Thầy giáo già nhận thấy, hầu hết người Việt ở Biển Hồ đều sống bằng nghề giăng lưới, thả câu, bắt cá, bắt rắn. Không có điện, không có nước sạch, không được chăm sóc y tế, cuộc đời của họ lênh đênh nổi chìm theo con nước. Cuộc sống khó khăn nhưng do thiếu hiểu biết, họ sinh đẻ rất nhiều. Ít thì 4-5 con, không hiếm gia đình có cả “tiểu đội”.

Trẻ con ở đây 5-7 tuổi đã phải trông em, cao ngang mái chèo là theo ba mẹ đi thả lưới. Họ chỉ quan tâm đến miếng cơm, manh áo, hoàn toàn xa lạ với quyển vở, cái bút. Cái vòng lẩn quẩn đó khiến đói nghèo cứ đeo bám mãi.

Ông Tư không chịu bỏ cuộc. Ông vận động: chỉ cần bố mẹ cho các bé đến trường, ông sẽ nuôi các cháu ăn học. Vừa bớt được 1 miệng ăn, vừa có người trông trẻ nên nhiều gia đình đã đồng ý.

Số tiền bán đất, ông mua lương thực, khi tan học vợ chồng ông chèo thuyền hái rau muống, rau dại, giăng lưới bắt con cá, con tép làm thức ăn cho học sinh. Song với gần 50 chục miệng ăn, gia sản của ông chỉ như “muối bỏ bể”. 

Ngôi trường đặc biệt của cộng đồng người Việt trên Biển Hồ.
Ngôi trường đặc biệt của cộng đồng người Việt trên Biển Hồ.

Chưa đầy năm sau, lương thực hết, lớp học có nguy cơ phải đóng cửa. Lần này ông Tư trở về Việt Nam. Ông vận động gia đình, bà con, thậm chí ông đến gõ cửa nhiều ngôi chùa xin ủng hộ. Ông Tư tâm sự: “Để các cháu có thể đi học, có phải đi ăn xin tôi cũng không ngại”.  

Rồi những đoàn khách du lịch người Việt đến Campuchia ngày một đông, câu chuyện về cuộc sống cơ cực của cộng đồng người Việt ở Biển Hồ được nhiều người biết đến. Năm 2011, Quân khu 7 tài trợ tiền làm hai nhà nổi với diện tích 360m2, ngăn thành các lớp học rộng rãi. Mở thêm các lớp học, số học sinh tăng từ 50 đến hơn 300 em. Không có đủ giáo viên, thầy Tư về nước, vận động con trai, con dâu sang Biển Hồ cùng mình dạy học. 

Lớp học duy trì được mấy chục năm nay nhờ sự hỗ trợ đến từ những du khách khắp nơi trên thế giới đến Campuchia như Pháp, Mỹ, Úc, Nga... Đặc biệt là những du khách, những nhà hảo tâm đến từ Việt Nam.

Ngôi trường đặc biệt

Trên Biển Hồ mênh mông, giữa những mái nhà lúp xúp là ngôi bè khang trang nổi bật với những bức tường bằng gỗ sơn màu xanh da trời, mái tôn đỏ au. Tấm bảng lớn bằng ba thứ tiếng: Campuchia, Việt, Anh. Dòng chữ tiếng Việt nổi bật: Trường tiểu học Việt Nam do Quân khu 7 Quân đội nhân dân Việt Nam tặng.

1h30 chiều, các em học sinh lớn ngồi ngay đầu hồi nhà, quay xuống sông để rửa chén bát buổi trưa. Giờ học buổi chiều sắp bắt đầu, các học sinh nhỏ tuổi đã ngủ dậy ngồi ngay ngắn dưới sàn thuyền. Đứa lớn đứa nhỏ, đứa áo ba lỗ, đứa quần đùi lố nhố xếp hàng chào khách.

Thầy Hiệu trưởng Trần Văn Tư hiện đã trên 80 tuổi. Thầy mới bị tai biến cách đây hơn một năm, hiện đã đi lại hồi phục nhưng di chứng để lại khiến thầy bị méo miệng, chân tay run rẩy. Với giọng nói hơi khó nghe, thầy chắp hai tay trước ngực: “Chào mừng cô bác đến thăm trường”.

Các lớp học ở đây được xây dựng rất sơ sài, vách được dược quây bằng gỗ, mái lợp tôn. Mỗi phòng học có khoảng 10 bộ bàn ghế gỗ đã bạc màu thời gian. Giữa lớp học là một đống thừng lớn, một loại ngư cụ rất cần thiết đối với cuộc sống sống nước, do không có nhà kho trường phải để ở trên sàn lớp học.

Các học sinh ở đây đã quen với khách đến thăm nên rất dạn dĩ. Một cậu bé níu tay khách: “Con biết đọc rồi đó cô”. Cậu bé có nước da đen cháy, thoăn thoắt lật quyển vở tập viết, chỉ vào chữ ngọng nghịu đánh vần. Chữ nào “quen mặt” cậu đánh vần oang oang. Có chữ khó, sau một hồi chật vật cu cậu cười toe “chữ này con chưa học”, mấy cô bác trong đoàn cũng bật cười trước sự ngây thơ của lũ trẻ miền sông nước.

Một thời giáo trẻ dạy tình nguyện ở đây cho biết: Trường hiện có hơn 300 học sinh theo học từ lớp 1 đến lớp 5. Vì không đủ phòng học nên trường phải chia ca để dạy. Các bé đến trường được học môn Tiếng Việt, Toán, Lịch sử, Mỹ thuật theo giáo trình của Việt Nam. 

Học sinh ở đây đến trường chủ yếu bằng thuyền, 5-6 em một thuyền để lớp. Gia đình nào không có thuyền, các em cởi quần áo dài cho vào cặp sách, đội cặp lên đầu bơi đến trường. Vào mùa khô nước cạn, thuyền di chuyển khó khăn, học sinh phải lội bùn đẩy thuyền để đến lớp.

Ngoài việc không phải đóng tiền học, sách vở bút mực được miễn phí, nhà trường còn nuôi ăn các em ngày 3 bữa. Bữa sáng thường là mì tôm được các nhà hảo tâm tài trợ. Còn lại, hết giờ học, các thầy cô phân công nhau: người chèo thuyền đi chở củi, chở nước ngọt, người giăng câu, người cùng các học sinh đi hái rau, rồi rất cả cùng nấu cơm. Buổi chiều ăn cơm ở trường xong, cha mẹ đến đón hoặc các học sinh lớp tự bơi thuyền về. 

Đã quen với những tiện nghi của thành phố, chứng kiến cảnh sống khó khăn của cộng đồng người Việt nơi đây, nhiều người đoàn không khỏi xúc động. Cô Nguyễn Thị Lan (một giáo viên ở TP HCM) nói với thầy Trần Văn Tư: Trước đây tôi cũng có nghe thông tin người Việt ở Biển Hồ có cuộc sống khó khăn. Sang đây tận mắt chứng kiến mới thấy đồng bào mình khổ cực quá. Cảm ơn  thầy cô đã giúp các em có cái chữ, chỉ có học mới mong cuộc sống của các em bớt vất vả.

Rời ngôi trường đặc biệt của cộng đồng người Việt trên Biển Hồ, một bác cán bộ hưu trí trong đoàn nắm tay hướng dẫn viên: “Trong suốt cả hành trình, đây là điểm đến có ý nghĩa nhất đối với tôi”.

Biển Hồ mênh mông, là biển nước không thấy bến bờ, phóng hết tầm nhìn chỉ thấy đường chân trời vời vợi. Nhìn xa, những con thuyền đánh cá như những chiếc lá nhỏ trên mặt biển đỏ màu phù sa.  

Ở Biển Hồ, vào tháng mùa hoa lộc vừng nở rộ, những bông hoa rơi xuống đỏ cả mặt sông chảy vào lòng hồ. Người Việt thường trồng cây lộc vừng làm cảnh, nhưng ở Biển Hồ loại cây này mọc thành rừng. Người dân ở đây lấy gỗ lộc vừng để làm củi. Lùm cây lộc vừng cũng là nơi trú ngụ của rất nhiều loại cua cá, rắn, ba ba, rùa…

Dọc bờ sông là những ngôi nhà nổi được cất tạm bằng tôn, tre nứa. Một số gia đình không có điều kiện kinh tế sống tạm trong những chiếc thuyền nhỏ lúp xúp. Thỉnh thoảng cũng có những tiệm tạp hóa bán từ lương thực, thực phẩm, đến nồi niêu bát đĩa, cả gỗ, xăng dầu.

Thấp thoáng trong đám lộc vừng là những tấm bia mộ của người Việt. Người Campuchia theo tục hỏa táng, chỉ có người Việt vẫn giữ phong tục của quê hương: chôn cất, thờ cúng cha mẹ. Họ chôn người thân bên mép nước. Mùa khô nước cạn những ngôi mộ trơ ra, đến mùa mưa, nước nhấn chìm tất cả chỉ còn vài tấm bia lẫn trong đám lá lộc vừng.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.