Kỳ 1: Viết bằng bút nhặt và giấy bỏ đi... mới có cảm hứng
Giải thích về cái thú sưu tầm đặc biệt của mình, nhà văn Dương Thu Ái kể: “Thuở hàn vi, gia đình tôi rất nghèo, nghèo tới nỗi ông cụ thân sinh ra tôi chỉ vì không có nổi 2 hào trả tiền đò mà có lúc phải tự lội qua sông. Vì vậy, cụ luôn luôn dạy các con cần cù, tiết kiệm. Tôi viết bằng những chiếc bút, tờ giấy người ta bỏ đi mà thành sách, giống như câu châm ngôn tôi luôn tâm niệm: “Uống vào cỏ và rác, vắt ra máu và sữa. Thành quả lao động mới là điều đáng quý nhất”.
Bị “lãng quên” tên thật
Có người nói ông đặc biệt, có người gọi ông là người “xưa” còn sót lại của Hà Nội, cũng có người gọi ông là lão nhà văn “gàn dở”. Nghe vậy, ông chỉ cười: “Người ta gọi tôi sao cũng được. Tôi già rồi, người ta gọi là “lão nhà văn” tôi lại đâm ra thích”.
Chúng tôi đến thăm vợ chồng ông vào một ngày cuối đông se lạnh. Khi chúng tôi đến nhà, cũng là lúc ông cùng vợ là bà Nguyễn Kim Hanh vừa đi tập thể dục buổi sáng về. Tuy đã ở độ tuổi thất thập cổ lai hy nhưng nhà văn và vợ vẫn duy trì thời gian biểu rất đều đặn, khoa học. Nhìn vợ chồng ông trẻ trung hơn nhiều so với tuổi của mình.
Chia sẻ với phóng viên, ông Ái vui vẻ cho biết: “Đã nhiều năm nay, vợ chồng tôi giữ thói quen đi tập thể dục buổi sáng. Vừa rèn luyện sức khỏe, vừa để nhặt những chiếc bút cũ nằm lăn lóc ngoài đường về để tôi dịch chữ”.
Khẽ nhấp chén trà, mời chúng tôi ăn những miếng mứt gừng gia đình tự làm, ông thong thả chia sẻ như tâm sự với những người bạn tâm giao. Nhà văn Dương Thu Ái sinh năm 1936 trong một gia đình nông dân tại xóm Trung, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Lão nhà văn chia sẻ: “Tên thật của tôi là Dương Văn Thụ. Học đến lớp 4, tôi tự quyết định đổi tên là Thu Ái, bởi những học trò tên có vần “T” thường đứng cuối danh sách của lớp. Nhiều hôm thi vấn đáp, phải chờ đợi đến trưa vẫn chưa đến lượt. Dến bây giờ, Dương Thu Ái trở thành cái tên gắn với tất cả những cuốn sách tôi đã dịch. Nói các cô không tin, chứ giờ nhiều người còn không biết đến tên thật của tôi đâu”.
Được biết, sau khi ông Học hết cấp ba (hệ 9 năm), ông được chọn đi học sư phạm tại Khu học xá Nam Ninh -Trung Quốc, những năm 1954 – 1956. Lão nhà văn không giấu nổi niềm tự hào, bởi cùng lớp với ông, sau này có những người nổi tiếng như: Giáo sư Phan Văn Các, Giáo sư Trương Thâu, Giáo sư Nguyễn Bằng Tường, dịch giả Trần Đình Hiến, TS Thanh Vân, Giáo sư Phương Lựu...
Tốt nghiệp về nước, Dương Thu Ái được phân công làm giáo viên Trung văn, dạy học nhiều năm ở các tỉnh miền núi; Cao Bằng, Bắc Thái, Vĩnh Phú, Hà Bắc (cũ)...
“Tới năm 1976, khi đang dạy ở Trường Cấp III Tân Yên I, thuộc tỉnh Bắc Giang hiện nay thì tôi bị “mất nghề”, vì học sinh không được học Trung văn nữa”, ông Ái nhớ lại. Nhà trường bố trí cho ông cái chân cán bộ văn phòng, chuyên tiếp khách, xếp thời khoá biểu và... đánh trống trường.13 năm sau (1988), ông nghỉ hưu.
245 cuốn sách bằng bút, giấy cũ
Cái duyên đến với nghiệp viết lách của ông cũng rất đặc biệt. Sau khi về hưu năm 1993, nhà giáo dạy môn Trung văn cùng vợ và gia đình chuyển từ Bắc Giang đến Thủ đô Hà Nội sinh sống. Khi có thời gian rảnh, ông bắt đầu dịch các tác phẩm tiếng Trung ra tiếng Việt, bắt đầu bằng cuốn truyện thánh “Phật Thích Ca Mâu Ni”. Những lời răn, lời dạy của Đức Phật cũng là động lực giúp ông bắt đầu nghiệp văn chương và làm việc cần mẫn, không ngừng nghỉ.
Lão nhà văn cho biết, ông là người sống tích cực và lạc quan. Ông luôn tâm niệm, sống là phải làm được gì đó có ích cho đời, giống như nhà thơ Thanh Hải từng viết: “Nếu là con chim, chiếc lá/ Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh/ Lẽ nào vay mà không có trả/ Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.
Nhà văn luôn tâm niệm phải sống lạc quan và có ích |
Cuốn sách đầu tiên của ông (Thích Ca Mâu Ni Phật) in năm 1993, đã tái bản lần thứ hai, được bạn đọc, đặc biệt là giới nghiên cứu Phật học đánh giá cao. Thậm chí, có nhà chùa còn tha thiết mời ông về, sẵn sàng phục vụ chu đáo để ông chuyên dịch kinh Phật, nhưng Dương Thu Ái đã nhã nhặn từ chối.
Chỉ sau vài năm, Dương Thu Ái liên tiếp có hàng loạt bộ sách có giá trị như bộ “Mưu lược gia tinh tuyển” gồm 7 tập, hơn 4000 trang; bộ “Thánh hiền thư” hơn 2000 trang; bộ “Thi Công kỳ án” 1.600 trang; bộ “Tào Tháo” hơn 1000 trang; bộ sách “10 đạo làm người” gồm 10 tập. Gần 20 năm nay, đều đặn mỗi ngày ông đều viết kín 10 trang giấy A4, tương đương 15 trang sách, với thể loại chủ yếu là dịch và biên soạn.
Những tập bản thảo viết tay của ông cứ mỗi ngày một nhiều lên, nếu xếp thành chồng đã cao quá tay người đứng với. Đến nay, ông đã xuất bản 245 đầu sách dày dặn, trong đó, gần một nửa do NXB Công an nhân dân phát hành. Nhiều cuốn được tái bản nhiều lần. Hàng chục tác phẩm khác đã được ông hoàn thành, đang nằm trên bàn biên tập chờ duyệt và đưa in tiếp...
Điều thú vị nhất là nhà văn Dương Thu Ái chỉ sử dụng một loại bút duy nhất là bút bi. Mà phải là loại bút ông tận dụng đi nhặt ở ngoài đường mang về. Ông cũng chỉ sử dụng một loại giấy để viết là giấy phế loại, khổ A4, hầu hết đã sử dụng một mặt. Không phải vì ông thiếu tiền. Vợ chồng ông có nhà cho thuê, tháng nào cũng có nhuận bút in sách, các con ông đều là những doanh nhân thành đạt.
“Con gái thứ 3 của tôi là giám đốc của một hãng thời trang công sở nổi tiếng, có lần đã mua làm quà cho tôi viết văn cả hộp bút xịn, cả lố giấy ngoại và thậm chí còn lắp đặt cho tôi cả máy vi tính... Nhưng nếu sử dụng loại bút sang trọng, hay giấy trắng hai mặt, là tôi... không có cảm hứng để viết”, ông Ái thực thà tâm sự.
Lão nhà văn “gàn dở” tự giải thích, đó là một thói quen do tính tiết kiệm đã “ngấm” vào máu ông từ thời làm anh giáo làng khốn khó. Hằng ngày, nhà văn Dương Thu Ái thức dậy lúc 5 giờ kém, ngồi vào bàn viết đến 7 giờ thì dừng lại và bắt đầu cùng vợ đi bộ xung quanh hồ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội).
Việc đi bộ với ông bà không chỉ là tập thể dục, rèn luyện sức khỏe, mà còn là để... nhặt bút bi rơi. ông bảo, lúc đầu chỉ là thú vui, thấy tiếc thì nhặt, nhưng sau thành quen. Ông cho biết, ông nhặt bút phần vì tính tiết kiệm, phần vì ông thương những chiếc bút, được sinh ra bởi biết bao công sức của con người, mà nó vẫn chưa làm tròn sứ mệnh khi vẫn còn mực, còn có thể giúp con người viết ra những dòng chữ.
Thêm nữa, nhà văn nhận thấy, những chiếc bút đó đã để mình nhìn thấy, thì coi như một cái duyên số. Cao hơn một một chút, là do trời ban cho. Ông coi điều đó là thiêng liêng, và càng trân trọng những chiếc bút. Nên mỗi khi nhặt được bút, ông đều mang về rửa sạch. “Nhiều cái còn mực nhưng bị hỏng, tôi còn kỳ công mang tô vít rồi kìm ra loay hoay sửa vì tiếc. Nhiều khi con cháu tôi nhìn thấy vậy chỉ lắc đầu cười”, lão nhà văn chia sẻ.
Và khi tất cả những chiếc bút dù đã “hoàn thành sứ mệnh” (hết mực) ở trên cõi đời này, thì nhà văn Dương Thu Ái vẫn giữ lại, để chúng hiện diện cùng hành trình sống và viết của mình. Hàng vạn chiếc bút nhặt được ấy, đều là những kỷ niệm đáng nhớ của lão nhà văn. Hiện những chiếc bút đó được cất trong những hộp các-tông, ai hỏi đến thì ông đem ra khoe./.