Hàng xóm của gia đình tôi là một người đàn ông có cửa hiệu trang điểm, cho thuê áo dài. Nói là đàn ông vì xét về mặt sinh học, anh này đầy đủ các bộ phận của người đàn ông trưởng thành. Thậm chí là một “body” chuẩn với vòng ngực săn chắc, bắp tay cuồn cuộn.
Thế nhưng, anh P (tên người đàn ông) lại thường xuyên ép tóc thẳng tưng, đánh môi đỏ và sơn móng tay hàng ngày. Cộng thêm tính cách chỉ thích “gần gũi” với đàn ông nên mặc nhiên cả khu phố đều gọi anh P là “chị”.
Không những buồn vì bị “chuyển giới tính”, P còn tỏ ra rất vui. Lâu dần thành quen, người ta không còn xì xầm mỗi khi P đội nón ẻo lả đi ngang qua ngõ, không còn bông đùa khi P khoác vai những người đàn ông rất tình tứ.
Nhưng đấy là chuyện những người đã quen, đã biết. Còn với người lạ, nhất là những cô gái lần đầu đến tiệm trang điểm của P, họ không tránh khỏi cái nhìn vừa tò mò, vừa soi mói, thậm chí sau lưng những thói quen của P họ biến thành câu chuyện đàm tiếu.
Ngày còn học đại học, tôi cũng chứng kiến một mối tình đồng tính giữa một bạn nữ cùng lớp với một chị gái học khóa trên. Ban đầu, mọi người đều tưởng họ thân nhau như chị em, nhưng sau bắt gặp nhiều cảnh họ tình tứ, nhất là sau vụ đánh ghen kinh hoàng tại Ký túc xá, mọi người mới vỡ lẽ, hai chị em là một cặp.
Sau này ra trường, bạn gái theo người tình lên công tác tại một tỉnh miền núi. Tuy nhiên, sau đó do bất đồng trong cuộc sống nên họ chia tay. Người bạn gái sau này vẫn lấy chồng, sinh con nhưng chỉ vài năm sau đã đường ai nấy đi, còn người chị vẫn một mình một bóng, nghe nói cũng không yêu ai mà ở vậy nhận một bé gái làm con nuôi.
Cách đây gần hai chục năm, câu chuyện hai chị em đồng tính đã gây ồn ào trong trường tôi suốt nhiều năm trời. Ngày ấy quan niệm về đồng tính không như bây giờ, khi phát hiện “cặp tình nhân” là hai người phụ nữ, trong trường như có làn sóng ngầm, bất cứ họ đi đâu làm gì cũng bị cánh sinh viên nhòm ngó, xì xào.
Có người còn công khai dè bỉu, nhìn họ như hiện tượng lạ, thậm chí còn tránh xa như một căn bệnh dễ lây. Cả hai chị em đã phải vượt qua những ngày đầy tủi hờn, rồi sau đó chắc hẳn phải mất nhiều thời gian, mãi đến khi ra trường rồi trở về Hội trường, họ mới dám công khai mối quan hệ và giới tính thật của mình.
Vì cái nhìn chưa thật cởi mở với người đồng tính nên mặc nhiên chính bản thân họ cũng tạo ra khoảng cách với cộng đồng. Tôi biết một đầu bếp rất giỏi tại một khách sạn ở Hà Nội. Anh là dân đồng tính “thứ thiệt”.
Nói là thứ thiệt vì ngay từ bé anh đã sớm bộc lộ là người đồng tính với cách ăn mặc con gái, giọng nói con gái, cả thói quen, cách ứng xử, sở thích hàng ngày đều là gái. Chỉ khác hình thức anh hơi khác biệt. Con trai nhưng da trắng, mắt lá răm, đi lại tha thướt, uyển chuyển. Với kỳ vọng sẽ có đứa cháu đích tôn nối dõi tông đường, nên với sự phát triển thiên lệch như vậy, cả gia đình anh đã sớm thất vọng.
Thêm vào là hàng xóm láng giềng đối xử với anh theo cách chả giống ai nên gia đình đặt kỳ vọng hoàn toàn vào thằng em trai kế anh, coi nó như đích tôn của dòng họ. Bị gia đình, người thân đối xử như vậy, anh cũng đâm ra mặc cảm. Học đến lớp 11 thì nghỉ học, một thân một mình vào TP Hồ Chí Minh học nghề.
Cách đây 4 năm anh trở ra Hà Nội làm đầu bếp cho một khách sạn. Bạn trai của anh cũng làm trong lĩnh vực giải trí, họ có nhiều điểm tương đồng nên xem ra rất hạnh phúc. Mỗi lần đưa người yêu về gia đình, anh cũng không còn mặc cảm, tự ti. Còn gia đình anh cũng dần nhìn nhận anh như “sự sắp đặt của số phận”.
So với 5, 7 năm trước, công bằng mà nói, cái nhìn cũng như sự ứng xử với người đồng tính đã được cải thiện rõ nét hơn. Khoảng cách về sự phân biệt đối xử cũng dần được thu hẹp khi hiểu biết về vấn đề này ngày càng tăng.
Những người đồng tính nhờ vậy cũng dám sống thật hơn với giới tính của mình. Họ dám công khai với xã hội về giới tính, thậm chí còn làm đám cưới tập thể và sống rất hạnh phúc. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) trên một trang báo mạng với 2.468 người được hỏi, có 463 ý kiến (18,76%) coi đồng tính nữ là sai trái hoặc không thể chấp nhận được.
Số liệu trên cho thấy, dù sự phân biệt đã giảm nhưng trên thực tế nhiều người vẫn ác cảm với người đồng tính, coi họ là một sự “bất thường” của tạo hóa khiến cho người đồng tính thêm mặc cảm, có xu hướng sống thu mình, khép kín. Đó là chưa kể sự kỳ thị dẫn đến việc người đồng tính phải che dấu thân phận của mình. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như họ phải giấu kín tình trạng bệnh tật, phải chịu bạo hành…
Để giải thoát cho những người đồng tính trong quan hệ tình cảm, nhiều gia đình còn lựa chọn giải pháp sai lầm là ép họ lấy chồng/hoặc lấy vợ. Vì muốn xóa bỏ mặc cảm và chiều theo sự sắp đặt của người thân, nhiều người đồng tính đã nhắm mắt buông xuôi. Nhưng những cuộc hôn nhân như vậy cũng không bền lâu bởi nó không dựa trên cơ sở nền tảng của tình yêu.
Nhìn nhận vấn đề đồng giới một cách cởi mở hơn, hiểu biết hơn để từ đó ứng xử với người đồng giới một cách phù hợp là đã góp phần xóa đi khoảng cách giữa người đồng giới và xã hội, để người đồng giới vẫn là một bộ phận góp sức mình xây dựng một xã hội phát triển, như câu nói “người ta không có quyền lựa chọn giới tính khi sinh ra nhưng có thể lựa chọn cách sống với giới tính mà mình đang có”.