Ký ức buồn
Nhà vợ chồng bà Cả Chàng (71 tuổi) và ông Cu Rải (79 tuổi) nằm lẫn sau vườn cây xanh mướt. Chiếc cổng gỗ nhỏ nhắn khép hờ như chờ khách. Chỉ cần nhấc nhẹ cánh cửa, sẽ thấy lối nhỏ uốn lượn dẫn vào nhà. Hai bên lối đi, là hàng dâm bụt được cắt tỉa gọn gàng, thẳng tắp. Trước nhà là ao cá nhỏ, sau vườn là những hàng mía xanh rì. Ngôi nhà nhỏ, nhưng ấm áp, gọn gàng.
Bà Cả Chàng và ông Cu Rải đang ngồi bên thềm nhà. Ông chặt mía. Bà ngồi bên, nhặt từng khúc bỏ vào chiếc rá nhỏ. Hình ảnh đó đã vẽ nên bức tranh hạnh phúc ở một góc làng A Đeng. Ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng bà Cả Chàng vẫn còn lưu lại những nét đẹp thời thanh xuân trên gương mặt. Bà bảo, có trải qua những ngày tháng đau thương, tủi nhục, mới thấy cuộc sống này thật đáng quý, và càng biết nâng niu, trân trọng hạnh phúc.
Hơn 50 năm về trước, Cả Chàng chỉ mới 17 tuổi. Người con gái Pa Cô thuở ấy, xinh đẹp như đóa hoa giữa đại ngàn, khiến bao nhiêu trai bản thầm thương trộm nhớ. Trong làng có một lão nhà giàu, lão có rất nhiều vợ nhưng vẫn si mê Cả Chàng, đem nhiều lễ vật đến xin cưới Cả Chàng về làm vợ. Cả Chàng sợ hãi, nhất quyết không chịu.
Đôi vợ chồng chuẩn bị mía ngọt cho con cháu |
Nhưng cha mẹ vì ham lễ vật nhà giàu, đã ép Cả Chàng lấy chồng. Ở vùng cao, con gái bị cha mẹ gả bán cho nhà giàu như Cả Chàng không phải hiếm. Đau khổ, tủi nhục, nhưng họ đều cắn răng, chấp nhận số phận nghiệt ngã. Nhưng Cả Chàng nhất quyết đấu tranh với cuộc đời, chống lại số phận quá tàn khốc của mình.
Ba năm về làm vợ nhà giàu, không đếm hết những tháng ngày Cả Chàng bỏ trốn. Có khi cô trốn về nhà mẹ đẻ, lúc lại trốn vào rừng sâu, lúc tìm lên núi cao, xuống vực sâu đủ cả. Lẫn trốn trong rừng sâu, Cả Chàng ăn trái rừng, rau rừng cho êm cái bụng. Lúc khát thì tìm nước ở khe suối uống cho mềm môi. Lúc may mắn gặp nhà dân chạy giặc, sống biệt lập trong rừng che chở, Cả Chàng lại được hạt nếp, hạt ngô làm cho no lòng.
Nhưng nhà chồng giàu, thuê không biết bao nhiêu người đàn ông khỏe mạnh xẻ rừng, vỡ núi, tìm bằng được Cả Chàng mang về. Mỗi lần bị bắt, Cả Chàng lại bị xích chân, nhốt nơi góc nhà, phải năm bữa nửa tháng mới được thả. Có khi cô bị cùm chân, mang nhốt vào ngôi nhà hoang ở rừng. Cả Chàng vẫn bỏ trốn. Nhà chồng bắt ổ kiến vàng thả lên người, kiến vàng cắn nát da thịt, Cả Chàng vẫn không sợ.
Đôi vợ chồng già chăm sóc vườn cây, ao cá |
Lấy chồng giàu, Cả Chàng phải làm lụng như con trâu con bò sau chuồng, không biết mệt. Ngày ngày cô lên rẫy hết trồng ngô, trồng sắn, thì xoay qua nhổ cỏ, chặt củi. Đêm về lại trẩy lúa, trẩy bắp, xâu lá thuốc treo khắp nhà. Khi con gà còn chưa kịp gáy sáng, Cả Chàng đã phải trở dậy chuẩn bị lên nương. Sợ Cả Chàng bỏ trốn, nhà chồng bắt cô mang cả cùm chân khi lên rẫy.
Nhiều lúc Cả Chàng ứa nước mắt, thấy đời mình cực quá. Nhìn con ong bay trước mặt, con kiến bò dưới đất, nghĩ đến đời mình Cả Chàng thêm chua xót. Con kiến còn tự do bò đi kiếm ăn, con ong còn tự do bay đi hút mật, còn Cả Chàng có chân nhưng chẳng thể đi đâu. Suốt đời bị xiềng xích ở nhà chồng. Chết cũng phải làm ma ở nhà chồng.
Một lần nọ, Cả Chàng trốn thoát khỏi nhà chồng, lên sống trên đỉnh núi cao nhất trong vùng. Tháng 11 lạnh buốt. Sống lay lắc trên núi cao nhưng Cả Chàng không sợ lạnh, chỉ thấy hạnh phúc. Nhưng rồi một đêm đang ngủ, cô mơ thấy ác mộng, bị nhà chồng trói chân tay, khiêng về. Cả Chàng hoảng hốt, đưa tay giật giật mái tóc dài. Cơn đau kéo đến. Là thật, không phải mơ. Cả Chàng hoảng hốt mở to đôi mắt. Đây rồi, gương mặt méo mó của lão chồng già. Cả Chàng ứa nước mắt.
Đoàn người khiêng Cả Chàng băng rừng về nhà chồng. Cô nghĩ, bao năm tìm đủ cách bỏ trốn, nhưng không thoát được nhà chồng. Nếu đã không chấp nhận sống cùng người mình không yêu; lại không thể trốn thoát, vậy thì Cả Chàng sẽ ăn lá ngón để chết. Tay chân bị trói, Cả Chàng chỉ còn cách vục mặt vào đám lá ngón ven đường, ăn mãi, ăn đến lúc trời đất quay cuồng, tay chân rệu rã.
Phát hiện Cả Chàng trúng độc lá ngón, mê man bất tỉnh, mọi người liền mang cô nhúng xuống suối sâu lạnh buốt. Đổ phân heo, phân bò vào miệng cô, để Cả Chàng nôn hết lá ngón ra. Sợ Cả Chàng chết, sẽ bị làng phạt vạ, nhà chồng đem trả cô về nhà mẹ đẻ. Nếu Cả Chàng chết thì thôi. Nếu cô sống, nhà chồng sẽ lại đến bắt về.
May mắn Cả Chàng thoát chết.Nhân lúc nhà chồng chưa kịp quay lại bắt người, Cả Chàng lén bỏ nhà đi theo cách mạng. Nhà chồngbiết tin, chạy ra huyện đòi người. Nhưng Cả Chàng đời nào chịu theo về. Bộ đội nói, phụ nữ cũng được tự do, được sống như chính mình mong muốn. Cả Chàng đi theo cách mạng, từ nay được tự do, được sống cuộc đời của riêng mình.
Cuộc đời tự do
Ngồi bên cạnh vợ, ông Cu Rải thỉnh thoảng lại châm nước trà cho bà, đôi khi lại nhắc giúp bà vài chuyện mà bà bỏ quên. Năm bà Cả Chàng đi theo cách mạng, ông Cu Rải đang làm bí thư huyện đoàn. Tổ chức giao cho ông thành lập đội thanh niên xung phong để tải lương tải đạn ra tiền tuyến. Ông đâu ngờ, trong 30 nữ thanh niên xung phong ngày ấy, lại có Cả Chàng - người thiếu nữ xinh đẹp nức tiếng gần xa, nhưng cũng có cuộc đời bi thương không ai bằng.
Ông Cu Rải bảo, con gái Pa Cô nhiều người có hoàn cảnh như Cả Chàng lắm. Nhưng chẳng ai dám đấu tranh đến cùng như bà. Người trong vùng, không ai là không biết về cuộc đời của Cả Chàng. Ông cũng biết rất rõ, nên thương Cả Chàng lắm, cũng khâm phục ý chí kiên cường của Cả Chàng.
Có lẽ, xuất phát từ tình thương, lòng khâm phục, mà tình cảm giữa cô thanh niên xung phong với anh bí thư huyện đoàn đã nảy nở, rồi lớn dần theo thời gian. Cả Chàng ngày ngày sát cánh cùng đồng đội tải lương thực, đạn dược. Cu Rải thì công tác tận ngoài huyện đoàn. Cả hai muốn gặp nhau, phải băng rừng lội suối mất mấy ngày đường. Nên suốt mấy năm trời yêu nhau, cả hai chưa từng một lần gặp mặt. Họ chỉ biết gửi gắm tình yêu, nỗi mong nhớ qua những bức thư.
Ngày đó, anh bí thư Cu Rải có rất nhiều cô gái thầm thương trộm nhớ. Cô thanh niên xung phong Cả Chàng cũng có rất nhiều chàng trai theo đuổi. Nhưng tấm lòng của họ đã hướng về nhau, nên dẫu 5 năm dài không một lần gặp mặt, tình yêu của họ vẫn son sắc, vẹn tròn, chỉ dành cho nhau.
Năm 1965, ông Cu Rải làm chính trị viên huyện đội A Lưới. Đây cũng là thời gian, chàng chính trị viên cùng cô thanh niên xung phong về chung một nhà. Đám cưới được tổ chức đơn sơ, nhưng vô cùng ấm áp, hạnh phúc. Bà Cả Chàng bảo, nhờ cách mạng, mà cuộc đời bà mới lật sang trang mới. Bà có cuộc sống mới, có hạnh phúc riêng, được người chồng hết mực yêu thương chăm sóc. Cả hai vợ chồng bà đã cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, góp sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ cho đến ngày giải phóng.
Sau ngày đất nước thống nhất, Cả Chàng lui về hậu phương, làm trong ban chấp hành phụ nữ xã, dành hết tâm sức chăm sóc 5 đứa con, vun vén gia đình, để chồng yên tâm công tác. Ông Cu Rải hết làm bí thư huyện ủy A Lưới, rồi trưởng ban kiểm tra huyện ủy, chủ tịch hội nông dân, chủ tịch mặt trận huyện…
Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ nhưng gọn gàng, luôn tỏa ra luồn khí ấm áp, hạnh phúc, có lẽ xuất phát từ ánh nhìn âu yếm của ông luôn dành cho bà. Nhìn cảnh đôi vợ chồng già trao nhau ánh mắt yêu thương, mới biết rằng tình yêu không hề có tuổi.
Bà Cả Chàng bảo, giờ ông bà đã gần đất xa trời, nhưng vẫn luôn dành thời gian chăm sóc nhau. Khi ốm đau, ông bà sẽ săn sóc lẫn nhau. Những ngày khỏe mạnh, cả hai lại cùng nhau chăm mấy khóm mía sau vườn, cắt tỉa hàng dâm bụt sao cho thật gọn. Rồi họ cùng nhau chăm đàn cá dưới áo, để khi con cháu quây quần, hay khi nhà có khách đến, sẽ có mía ngọt, cá ngon đãi mọi người.
Bóng chiều đổ dài trên thềm nhà. Đôi vợ chồng già ngồi bên hiên, ngắm chiều lặng lẽ xuống. Ánh mắt của “Mỵ” ở vùng cao A Lưới nhìn chồng tràn ngập yêu thương. Tình yêu giữa họ, như hương hoa rừng, lan tỏa trong không gian, khiến cho buổi chiều vùng cao càng thêm yên bình đến lạ.