Hai phận đời chung một nỗi đau
Ngôi nhà của gia đình anh Nông Văn Hữu, chị Hoàng Thị Hồng Miên nằm sâu trong một hẻm núi ở xã Thái Cường, huyện Thạch An (Cao Bằng). Khi chúng tôi tới thăm, gặp chị Miên đang phát cỏ ruộng ở cạnh nhà.
Thiếu phụ xởi lởi mời khách vào nhà uống nước, chúng tôi không khỏi ái ngại, xót xa khi thấy căn nhà chật hẹp chỉ vài mét vuông tối om om, chủ nhà quờ quạng tìm cái đèn dầu được đặt cạnh bếp chuyên dùng để thắp sáng cho khách.
Chị cười và nói như thanh minh: “Cái đèn này khi có khách đến mới dùng thôi vì trong nhà tối tăm, còn đối với vợ chồng ngày cũng như đêm, cả cuộc đời vẫn mãi là thứ bóng tối mù mịt này thôi chú à”.
Với vợ chồng chị Miên, cuộc sống của họ ngày cũng như đêm luôn phải cảm nhận mọi thứ xung quanh bằng những giác quan khác với những người bình thường. Dù chị Miên đã để các đồ vật ở trong nhà rất cẩn thận nhưng mỗi khi cần bất kỳ một đồ vật gì như bật lửa, bát, đũa, dao là chị lại quờ quạng tìm kiếm một cách rất khó khăn, chậm chạp.
Để có thu nhập duy trì cuộc sống của gia đình nhỏ, hàng ngày chị Miên vẫn cầm con dao dò dẫm từng bước vào rừng chặt củi, gánh đi hơn 10km để bán ở chợ Đông Khê. Quanh năm suốt tháng chị quanh quẩn đi kiếm củi bán lấy tiền hoặc làm ruộng, trồng cây ngô để lấy lương thực sống qua ngày.
Để có nước sinh hoạt, chị vẫn phải gánh từ mó nước cách nhà cả cây số với một cây gậy dùng để dò đường… Mặc dù bị mù lòa nhưng hầu như tất cả mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều đến tay chị.
Chị Miên sinh ra trong một gia đình nghèo có 3 anh em, trong đó chị và chị gái đều mù lòa từ nhỏ, người anh trai tuy thể chất khỏe mạnh nhưng trí tuệ lại “có vấn đề”. Sau khi cha mẹ qua đời, chị Miên và người chị gái là Hoàng Thị Peng (SN 1951) sống phụ thuộc vào vợ chồng người anh trai tên Hoàng Văn Pảo.
Do người anh trai trí tuệ không bình thường, lúc nhớ lúc quên nên mọi việc trong nhà đều do người chị dâu ghê gớm quán xuyến. Không chịu được cảnh bị chị dâu coi khinh, ghét bỏ, chị Miên và chị Peng tách ra dựng lều ra đầu bản ở riêng để có cuộc sống tự lập, dù vất vả nhưng bù lại được yên bình, tự do.
Mối lương duyên trời định
Thời thiếu nữ, chị Miên từng có một mảnh tình và sinh hạ được một đứa con gái nhưng cháu bé đoản mệnh chỉ sống được vẻn vẹn bảy tháng tuổi thì bị mất do căn bệnh não úng thủy. Người chồng từ đó bỏ đi không một lần quay trở về. Cuộc đời chị từ đó chỉ còn biết ru mình trong tiếng đàn tính với những điệu nhạc buồn thảm. Hồi còn nhỏ chị đã thích nghe đài và đã thuộc tất cả các bài hát then của dân tộc.
Năm 14 tuổi chị được một người chú thợ mộc tặng cho cây đàn tính, vì vậy mỗi khi có thời gian rảnh rỗi hay những lần mang tâm trạng buồn bã là chị lại hát. Chị đã từng được đi biểu diễn tại các dịp liên hoan ca nhạc của người mù ở huyện và đoạt giải quán quân.
Tại “Liên hoan tiếng hát từ trái tim đến trái tim”, chị hát trong nước mắt vì thời điểm đó bố chị vừa mất được vài ngày. Bài hát đầy tâm trạng đó đã lay động tâm can mọi người và giúp chị giành giải Ba. Không chỉ hát hay, chị Miên còn sáng tác. Hiện danh sách các bài hát được chị sáng tác bằng chữ nổi ngày càng nhiều.
Số phận anh Nông Văn Hữu – người chồng của chị Miên, ít hơn chị 15 tuổi cũng sinh ra trong một gia đình nghèo, nhà có 6 anh em, nhưng chỉ có mình anh bị mù lòa. Nhà đông anh em nên không có đất ở riêng, họ luôn phải sống trong nghèo khổ. Do bị mù từ nhỏ nên anh Hữu đã trải qua không ít nỗi tủi nhục, chịu đựng gian khổ vì bị thiệt thòi hơn những người khác.
Ngày tháng trôi qua, anh chị em trong gia đình lần lượt lập gia đình và chuyển hết đến các nơi khác để mưu sinh. Anh Hữu trở nên cô đơn, lầm lũi và đã nhiều lần suy nghĩ tìm hướng đi cho riêng mình. Từng có lúc sự mặc cảm khiến anh tuyệt vọng tưởng chừng không tìm được tình yêu và hạnh phúc.
Mối tình của anh Hữu, chị Miên đã đến thật tình cờ, lãng mạn. Chị Miên kể: “Năm 2011, Hội Người mù Cao Bằng giới thiệu đến lớp học nghề trồng nấm ở huyện Quảng Uyên, chúng tôi quen nhau từ độ ấy. Không ngờ chỉ tiếp xúc một vài lần mà anh Hữu đã mến tôi như “điếu đổ”. Lúc đó anh ấy chưa kịp tỏ tình thì khóa học nghề đã kết thúc, ai lại về nhà người nấy”.
Và rồi chị Miên đành ngậm ngùi trở về, thở dài trong nuối tiếc. Thời gian đó chị buồn và đã viết ra bài thơ “Phiặc căn du kha tàng” (Chia tay giữa dọc đường). Sau đó chị Miên đã gửi bài thơ lên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Cao Bằng. Bài thơ đó đã được phát sóng toàn tỉnh, anh Hữu cũng nghe được nên sau đó đã viết thư về nói lời cảm ơn.
Sau một thời gian ngắn, anh Hữu đã mò mẫm tìm đến với chị. Không lâu sau, hai người yêu rồi cưới nhau. Một đám cưới giữa hai người mù đã làm lay động cả vùng huyện sơn cước. Đám cưới của họ đơn giản nhưng vô cùng ấm cúng và hạnh phúc.
Mới đó mà đã bốn năm, giờ đây hai mảnh đời mù giữa thung lũng im lìm tự chăm sóc nhau, cùng vượt qua những tháng ngày gian khó. Chị Miên tâm sự:
“Từ ngày lấy nhau về, mặc dù cuộc sống nghèo khổ, vất vả nhưng hai vợ chồng vẫn rất lạc quan, yêu đời. Hàng ngày, hai vợ chồng dắt nhau cùng với cây gậy dẫn đường đi phát nương, trồng ngô, chặt củi trong rừng về bán. Trước đây có xe ô tô qua nhiều còn xin đi nhờ xe đến thị trấn bán củi nhưng hiện giờ xe không qua đường cũ nữa nên đi bộ mất thời gian lắm, mệt mỏi nữa. Bán được một gánh củi đã mất một ngày tính từ lúc đi và về nhà rồi. Anh ấy cũng thương chị lắm. Số kiếp đã như thế thì đành chấp nhận và dựa vào nhau để sống thôi chứ không biết làm gì hơn nữa đâu”.
Ngồi nói chuyện với chị Miên được một hồi thì anh Hữu cũng mò mẫm về nhà và cùng góp chuyện: “Trước khi lấy nhau chúng tôi đã thống nhất sẽ không sinh con, bởi bản thân còn chưa lo được, mình sinh con ra thì chỉ có khổ thêm thôi. Mỗi lần đến cuối mùa nhà lại hết ngô, hết thóc, đi bán củi cũng không đủ để mua gạo.
Trợ cấp của Nhà nước cũng chỉ đỡ phần nào chứ không thể nuôi sống được hai vợ chồng. Đêm lạnh không đủ chăn ấm, hai người co ro run cầm cập, lúc trời mưa to nhà bị dột nữa, lúc xê dịch chỗ này, lúc lại chuyển qua góc khác để ở, khổ lắm”.
Chiều xuống, khi tia nắng cuối cùng còn chiếu rọi trên đỉnh đèo Ngườm Kim, những mái nhà dưới thung lũng cũng đã bắt đầu tỏa khói nghi ngút. Rời xa mái nhà xập xệ, nơi có hai vợ chồng mù nương tựa vào nhau sinh sống, chúng tôi cứ thầm khâm phục cái nghị lực phi thường của họ. Vượt lên định mệnh khắc nghiệt, họ đến với bên nhau bằng tình yêu thương chân thành để sưởi ấm đời nhau bằng niềm tin và hạnh phúc./.