Hàng ngày, cứ 6 giờ chiều chiếc điện thoại của Trần Thị Hương Lan, 23 tuổi, lại đổ chuông. Từ Nhật Bản, chồng cô, anh Lư Tiến Thắng gọi về để hỏi thăm sức khỏe của vợ, tình hình căn bệnh ung thư mà cô đang mang trong người và đặc biệt là để "trò chuyện" với đứa con đầu lòng sắp chào đời. Cuộc nói chuyện thường kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ nhưng cứ chốc chốc, anh chồng lại hỏi vợ: "Biết thế này anh đã không đi Nhật. Không biết con nặng bao nhiêu gram rồi nhỉ?".
Trong căn nhà nhỏ ở xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn những lúc như thế lại vang lên tiếng cười hạnh phúc. Qua màn hình điện thoại, Tiến Thắng nhận ra mái tóc của vợ đang dần mọc lại bởi từ ngày biết có thai, Lan đã ngưng truyền hóa chất để giữ con.
"Bảy tháng trước, khi anh ấy vừa đi Nhật, cũng là lúc mình kết thúc đợt truyền hóa chất. Mình thấy trong người khó chịu, buồn nôn và cảm giác 'khang khác'. Đi khám, bác sĩ thông báo thai đã 7 tuần, tim đập tốt bọn mình mới tin là đã có con", Lan bắt đầu kể về câu chuyện tình đặc biệt của mình.
Hai vợ chồng họ bắt đầu quen nhau từ đầu năm 2019, khi cùng ra Hà Nội để khám sức khỏe, chuẩn bị hồ sơ đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Hôm Lan gặp Tiến Thắng, chàng trai quê Hạ Long điển trai. 30 tuổi, cô chỉ có ấn tượng đó là chàng trai nhìn chín chắn nhất trong số những người ở buổi khám sức khỏe.
Với Thắng thì khác, anh để ý đến Lan ngay từ cái nhìn đầu tiên. "Tôi thích dáng người nhỏ nhắn của cô ấy và đặc biệt Lan có mái tóc rất đen và dài đến quá lưng. Con gái bây giờ ít ai có mái tóc dài đẹp như thế", Thắng nhớ lại.
Chiều hôm đó, sau khi thấy mọi người đều đã cầm trên tay kết quả khám sức khỏe của mình nhưng Lan thì chưa. Cô lóng ngóng chờ đến cuối buổi, bác sĩ gọi cô vào phòng khám nói chuyện riêng. Dù hai người mới chỉ mới trò chuyện vài câu xã giao nhưng cảm giác có chuyện không ổn, Thắng đợi cô ở cửa. Trong phòng, Lan được bác sĩ thông báo sức khỏe của cô hiện tại không thể sang Nhật, khuyên cô nên đi khám chuyên sâu bởi ngực có khối u. Nhìn vào tấm phim X-quang thấy rõ khối u lớn chèn phổi, Lan nhớ lại những lúc tức ngực, khó thở của mình trước đây.
Cô gái trẻ không khỏi thất vọng vì ước mơ đi Nhật phải tạm gác, càng tệ hơn nếu cô mắc bệnh ung thư. "Anh ấy khuyên mình nên giữ bình tĩnh chờ đi khám chuyên sâu bởi cũng có thể khối u lành tính, rồi dẫn mình đi kiếm nhà trọ, đồng hành cùng mình và mẹ những ngày đến viện làm xét nghiệm, dẫn mình đi chơi cho khuây khỏa". Lần đầu ra Hà Nội, lại đang đối mặt với bệnh tật, sự quan tâm của Thắng khiến cô gái trẻ xúc động.
Cuối tháng 4/2019, Lan bắt đầu điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Biết thế nào tóc cũng rụng sau khi "vào thuốc", cô nhờ Thắng chở đến tiệm cắt tóc nhưng chần chừ một hồi lâu mới dám bước vào. Thắng động viên: "Còn một tuần nữa mới bắt đầu hóa trị, em đừng cạo, chỉ cắt ngắn thôi. Tóc ngắn hay tóc dài thì em vẫn đẹp. Cắt xong mình giữ phần tóc đó lại làm kỷ niệm".
Thắng đang trong thời gian chờ thi tay nghề để sang Nhật nên có nhiều thời gian ở cạnh Lan. Suốt nửa năm đầu điều trị, Thắng là người đồng hành cùng Lan và mẹ cô trong bệnh viện. Có những lúc chỉ ba ngày nhưng Lan phải truyền 17 chai nước, đến nỗi thân hình căng như quả bóng, tưởng chừng chỉ cần dùng cây kim đâm vào là người vỡ ra. "Giai đoạn đó mình không thể tự làm gì", Lan hồi tưởng.
Dù Lan có mẹ ở cạnh nhưng Thắng giành làm hết mọi việc, từ đút cho cô ăn cho đến lau mặt, lau người, thậm chí là đi đổ bô vệ sinh. Hà Nội mùa nắng nóng, những chiếc quạt hoạt động hết công suất nhưng vẫn khiến người Lan ướt đẫm, anh lại đẩy xe dẫn cô đi dạo.
Cứ ba ngày ở viện hóa trị, Lan lại được về nhà khoảng 20 ngày. Có những đợt "vào thuốc" sức khỏe Lan không tốt, anh đưa cô về nhà mình ở Hạ Long để tiện chăm sóc chứ nhất định không cho cô về nhà ở Quảng Bình. "Mình lo lắng, sợ gia đình anh phản đối nhưng lần đầu về mẹ anh lại nấu nhiều món ngon, bảo mình không cần làm gì chỉ nghỉ ngơi thôi", Lan kể.
Tình cảm của hai người cứ thế lớn dần, nhưng mặc cảm bệnh tật, sợ mình không thể sinh con vì Thắng là đứa con duy nhất của gia đình, Lan nhiều lần từ chối lời tỏ tình của anh. Những lần truyền thuốc đau đớn, Lan lại dao động. Cô gạt Thắng ra khi anh cố làm điều gì đó để chăm sóc cô. Nhiều lần, Lan nói nặng lời với ý muốn anh từ bỏ mình.
Những lần như thế anh lại tâm sự với mẹ Lan và khóc. "Thắng nói với tôi nó chỉ yêu mỗi mình cái Lan, chờ bao lâu cũng được. Ở bệnh viện, nó chăm con gái tôi như thể chồng chăm vợ. Tôi thấy như đang mơ vậy, con gái mình bệnh tật, xấu xí mà bạn trai chăm sóc không nề hà lại còn yêu thương", bà Bùi Thị Tình, 47 tuổi xúc động kể.
Có lần cả hai đang ở Quảng Bình thì Lan sốt cao đến gần 40 độ, bác sĩ điều trị khuyên gia đình nên đưa cô ra Hà Nội ngay trong đêm. Trong con sốt li bì, Lan buồn khi thấy anh đau khổ, nhưng cô không khóc. Nhưng Thắng thì khác, người luôn lạc quan hôm ấy lại khóc nhiều nhất. Ngả người để Lan tựa vào, anh cầm tay cô suốt quãng đường 8 tiếng xuyên đêm ra Hà Nội, thi thoảng ôm cô rồi khóc ngất lên. "Hôm đó là lần duy nhất mình có cảm giác sợ mất cô ấy", Thắng kể.
Sau khi nhập viện, Lan dần khỏe lại. Sau nhiều lần ngỏ lời yêu đều bị từ chối, lần này Thắng nói giọng chắc nịch: "Em đừng sợ việc không thể sinh con cho anh, chỉ cần em khỏe lại, mình có thể xin con nuôi hay làm thụ tinh nhân tạo. Chỉ cần em khỏe mình sẽ có cách".
Nghe Thắng nói hai người "có thể xin con nuôi", lòng Lan như trút được gánh nặng bấy lâu. Hôm đó, cô đồng ý làm người yêu của Thắng.
Ở lại Việt Nam điều trị với niềm tin mà Thắng gửi lại, rằng khi anh về Lan sẽ khỏe, một đám cưới sẽ được tổ chức. Nhưng đứa con đến quá bất ngờ khi đang Lan điều trị và đáp ứng thuốc tốt. Nếu ngưng vào thuốc để giữ con, tính mạng của cô sẽ có thể bị đe dọa.
"Điều mình lo nhất là đứa bé, bởi ngoài việc truyền hóa chất cả năm, tháng đầu mang thai mình còn chụp PET CT để theo dõi khối u", cô mất ngủ, không biết mình có nên giữ con hay không. Chờ thai được 12 tuần tuổi, xét nghiệm gene cho biết em bé hoàn toàn khỏe mạnh, Lan quyết định ngưng điều trị ung thư để sinh con.
"Ban đầu mình còn sợ, nhưng khi quyết định rồi thì không còn sợ nữa. Con đến với mình là một điều kỳ diệu, mình hy vọng sẽ nhìn thấy con được sinh ra khỏe mạnh, đó là điều còn hạnh phúc nhất với mình lúc này", Lan nói.
Sợ bạn gái tủi thân, ở Nhật, Thắng gọi điện về quê báo tin và nhờ gia đình mang trầu cau sang nhà Lan làm lễ ăn hỏi. Hai tháng sau, xã Quảng Thủy có một lễ đám hỏi không có chú rể mà chỉ có bố mẹ chồng và nhà gái. Đúng 12h trưa hôm ấy, Thắng chỉ kịp cởi chiếc nón bảo hộ, bộ đồ công trình còn lấm lem cát bụi, anh vào một góc gọi điện cùng Lan làm lễ đính hôn.
Hết giờ nghỉ trưa, anh đội nón trở lại công trình, trước khi tắt máy, Thắng nói với vợ mình: "Em và con giữ gìn sức khỏe, hai năm nữa anh về".