Cuộc gặp định mệnh khi đang chờ xe bus
Bà Winnie Mandela có tên khai sinh là Nomzamo Winifred Zanyiwe Madikizela, là con thứ năm trong tổng số chín người con của một cặp vợ chồng giáo viên ở Transkei, Nam Phi. Từ khi sinh con, cha mẹ Winnie đã luôn mong bà là một bé trai. Chính vì thế nên trong suốt những năm tháng thơ ấu và cả khi lớn lên, bà luôn tìm mọi cách để đóng cho tròn vai một cậu bé, bao gồm từ việc hay chơi với những đứa con trai hay chơi những trò dành cho con trai.
Năm lên chín tuổi, Winnie lần đầu chứng kiến sự bất công và khắc nghiệt của nạn phân biệt chủng tộc. Lần đó, chính quyền tỉnh Bizana nơi gia đình bà sinh sống thông báo sẽ tổ chức ăn mừng Chiến tranh thế giới II kết thúc. Vốn là một đứa trẻ hiếu động nên khi nghe tin sẽ có lễ hội, Winnie và các em năn nỉ cha cho đi chơi.
Nằn nỉ mãi, cuối cùng cha của bà cũng đồng ý. Tuy nhiên, khi đến tòa thị chính, Winnie mới phát hiện ra rằng những hoạt động hội hè đó chỉ dành cho người da trắng còn bà và các em phải đứng ở bên ngoài nhìn vào đầy thèm thuồng.
Sau lần đó, Winnie còn chứng kiến thêm nhiều những vụ việc khác, khiến bà dần cảm nhận rõ nét sự bất công của thế giới xung quanh. Ví dụ, tại Bizana, vốn là nơi có rất nhiều da đen sinh sống, nhưng tất cả các cửa hàng, cửa hiệu và dịch vụ đều thuộc sở hữu của người da trắng. Một ngày nọ, khi cùng cha đi ngang qua một cửa hàng, Winnie nhìn thấy một người đàn ông da đen vừa ngồi xổm vừa xé bánh mì đút cho vợ đang cho con bú ăn.
Bất chợt, một đứa trẻ da trắng, là con của chủ cửa hàng, ở đâu chạy tới, hét lên rằng “không muốn những kẻ rác rưởi lởn vởn xung quanh cửa hàng”. Vừa hét, đứa trẻ vừa đá vào cặp vợ chồng da đen, đạp rơi bánh mỳ của họ và đuổi họ ra ngoài.
Lúc bấy giờ, Winnie không hiểu tại sao người đàn ông da đen lại cho phép đứa trẻ đối xử với mình như vậy. Bà cũng thắc mắc về việc cha bà, vốn là một người đàn ông nghĩa hiệp, không ra tay can thiệp. Dần dần, theo thời gian, Winnie nhận ra rằng sự can dự của cha bà trong tình huống đó chắc chắn sẽ chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Thêm vào đó, bà cũng nhận thấy chế độ phân biệt chủng tộc đã khiến những đứa trẻ da đen ngay từ khi còn nhỏ đã quen với việc cha mẹ chúng bị nhục mạ mà không có bất cứ phản ứng nào để phản đối.
Dù vậy nhưng Winnie vẫn may mắn vì chính sách giáo dục phân biệt chủng tộc Bantu đến đầu những năm 1950 mới bị áp dụng ở Nam Phi. Vì thế bà vẫn được thừa hưởng nền giáo dục ngang bằng với người da trắng.
Tốt nghiệp trung học, theo lời khuyên của cha, Winnie ghi danh theo học Trường công tác xã hội Jan Hofmeyr ở Johannesburg. Năm 1955, tốt nghiệp với vị trí đứng đầu lớp, bà được trao học bổng theo học ở Mỹ. Cùng lúc, bà cũng được nhận vào làm việc tại Bệnh viện Baragwanath ở Johannesburg. Đứng trước lựa chọn tới Mỹ để theo học lên cao hay ở lại theo đuổi giấc mơ trở thành một nhân viên xã hội ở Nam Phi, cuối cùng, Winnie quyết định ở lại.
Bà trở thành nhân viên da màu có đủ bằng cấp đầu tiên được nhận vào một bệnh viện ở Nam Phi. Trong thời gian làm việc tại bệnh viện, Winnie ngày càng tỏ ra quan tâm đến chính trị. Danh tiếng của bà cũng bắt đầu gia tăng. Những bài viết hay hình ảnh về bà xuất hiện khá dày đặc trên báo chí lúc bấy giờ.
Bà Winnie Mandela (người đội khăn) đi bên cạnh người chồng Nelson Mandela |
Năm 1957, khi đang chờ xe bus, Winnie tình cờ gặp một người đàn ông có cùng màu da. Cuộc gặp định mệnh đã thay đổi cuộc đời bà mãi mãi. Người đàn ông này là Nelson Mandela, một luật sư kiêm nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc nổi tiếng ở Nam Phi. Nelson về sau kể lại rằng ông không thể nói chắc chắn có thứ gọi là tình yêu từ cái nhìn đầu tiên, nhưng ông chắc chắn rằng ngay từ khoảnh khắc ông lần đầu tiên nhìn thấy bà Winnie ông đã muốn cưới bà làm vợ.
Khoảng cách chênh lệch 18 tuổi đã không ngăn được họ đến với nhau. Sau khi Nelson ly hôn người vợ đầu, năm 1958, hai người tổ chức đính hôn. Đám cưới của họ được tổ chức vào tháng 6/1958, thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận.
38 năm chồng vợ, 27 năm xa cách
Chỉ ít lâu sau đám cưới, bà Winnie đã thấm thía được rằng cuộc hôn nhân với một trong những người phản đối chế độ phân biệt chủng tộc nổi nhất thực sự là một cuộc hôn nhân đơn độc. Chồng bà thường xuyên bận rộn với những cuộc họp hành với đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC), những vụ kiện pháp lý và cả Phiên tòa phản quốc mà bản thân ông là một bị cáo.
Căn nhà của vợ chồng họ cũng là địa điểm thường xuyên bị cảnh sát đột kích. Thi thoảng, vào buổi sáng, cả gia đình lại bị dựng dậy bởi những tiếng đập cửa của cảnh sát và bị xua hết vào một chỗ để kiểm tra.
Thời gian này, dù là chồng vợ hợp pháp nhưng để gặp được chồng, Winnie thường xuyên phải lén lút tới những nơi bí mật. Người chồng của bà cũng chỉ đến sau lớp ngụy trang dày đặc. Hai người chỉ gặp nhau được một lúc rồi lại nhanh chóng phải chia tay để tránh bị phát hiện. Trong giai đoạn khó khăn này, Winnie không có cách nào ngoài việc phải thích ứng.
Tháng 8/1961, cảnh sát bắt được Nelson, khởi đầu cho quãng thời gian 27 năm bị giam giữ của ông, cũng là sự kiện đánh dấu sự thay đổi không thể đảo ngược trong cuộc đời bà Winnie. Năm 1962, bà bị cấm tiếp cận các cơ sở giáo dục, tham gia hay phát biểu tại các sự kiện có trên hai người tham gia.
Thêm vào đó, chính quyền Nam Phi cũng cấm các phương tiện truyền thông dẫn lời bà nhằm trấn áp tiếng nói của bà. Về sau, bà tiếp tục bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Ngoài sự sách nhiễu của cảnh sát, bà còn phải đối mặt với những người được “cài cắm”, giả làm đồng minh nhưng thực chất là những kẻ cung cấp tin cho cảnh sát.
Không vì thế mà Winnie im lặng. Bản thân bà cũng là một nhà hoạt động tích cực chống phân biệt chủng tộc. Tháng 10/1958, khi đang mang thai con đầu lòng, bà vẫn tham gia một cuộc biểu tình quy mô lớn của phụ nữ để phản đối các luật lệ hà khắc của chính quyền Apartheid. Bị bắt giữ và bị tống giam, bà càng thấy được rõ hơn điều kiện tồi tàn trong những nhà tù ở Nam Phi và càng quyết tâm hoạt động mạnh mẽ hơn.
Sau sự kiện này, Winne bắt đầu trở nên nổi tiếng hơn, thoát ra khỏi cái bóng của chồng. Đi kèm với đó, bà cũng bị lọt vào tầm ngắm của lực lượng công an vì có tiềm năng trở thành một nhà bất đồng chính trị độc lập so với người chồng nổi tiếng. Vì thế nên ít lâu sau khi được thả ra, bà đã bị sa thải khỏi bệnh viện.
Cuộc hôn nhân của bà Winnie và ông Mandela kéo dài 38 năm nhưng trong đó có đến 27 năm ông Mandela bị giam giữ. 27 năm đó cũng là 27 năm mà bà Winnie phải chật vật đối phó với những khó khăn. Khi chồng đã bị giam giữ, bà vẫn tích cực hoạt động chống lại chế độ Apartheid và vận động ủng hộ các tù nhân chính trị, bao gồm việc kêu gọi thả ông Mandela cả trong lẫn ngoài nước.
Bà tham gia ANC và trở thành một nhân vật cốt cán. Vì các hoạt động này mà bản thân bà cũng đã vài lần bị bắt giam, lần dài nhất là 18 tháng ngồi tù. Những đóng góp của bà cho công cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc được ghi nhận bằng việc bà được đặt biệt danh “Người mẹ quốc dân”.
Tháng 2/1990, Nelson được thả ra, cặp vợ chồng đoàn tụ sau gần 30 năm chia cách. Sau hai năm, hai người quyết định ly thân rồi sau đó ly hôn. Mặc dù vậy nhưng Winnie vẫn quyết định giữ họ chồng cho đến khi qua đời.