Chuyện ít biết về gian nhà hơn 1 thế kỷ của cụ Nguyễn Khuyến

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trải qua hơn 100 năm tuổi, khu nhà gỗ của cụ "Tam nguyên Yên Đổ", tức nhà thơ Nguyễn Khuyến ở Hà Nam vẫn giữ được vẹn nguyên những kỷ vật quý báu, lối kiến trúc độc đáo từ thời xa xưa. Ngôi nhà gỗ hơn 100 năm tuổi ở làng Vị Hạ, xã Trung Lương (Bình Lục, Hà Nam) là nơi thờ Nguyễn Khuyến. 

Nhà thơ của những áng văn thơ bất hủ

“Tam nguyên Yên Đổ” - Nguyễn Khuyến sinh năm 1835, mất năm 1909. Ban đầu có tên là Nguyễn Thắng, hiệu là Quế Sơn, tự Miễn Chi. Ông sinh ở quê mẹ, làng Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định nhưng lớn lên và sống chủ yếu ở quê cha, làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Xuất thân trong một gia đình nhà Nho nghèo (cha ông đỗ ba khóa tú tài, dạy học), bản thân Nguyễn Khuyến thông minh, chăm học và học giỏi.

Năm 1864, ông đỗ đầu thi Hương (Giải nguyên) ở trường Nam Ðịnh; năm 1871, ông đỗ Hội nguyên và tiếp tục thi Ðình đỗ Ðình nguyên. Từ đó, người ta gọi ông là “Tam nguyên Yên Ðổ” (tức người đỗ đầu ba kỳ thi làng Yên Đổ).

Nguyễn Khuyến làm quan ở nội các Huế, rồi làm Đốc học Thanh Hóa, Án sát Nghệ An, rồi Biện lý Bộ Hộ,... Thời gian ông ra làm quan, Pháp đánh chiếm sáu tỉnh Nam kỳ và tiến đánh ra miền Bắc. Sống giữa bối cảnh nước mất nhà tan, các phong trào đấu tranh yêu nước bị dập tắt, nhiều kẻ làm tay sai cho thực dân, Nguyễn Khuyến không thể làm được gì để thay đổi thời cuộc nên xin cáo quan về ở ẩn.

Nhà thơ không chỉ là một tâm hồn Việt Nam tiêu biểu. Ông còn được coi là một nhân cách Việt Nam tiêu biểu thời bấy giờ, cái thời đại mất nước, con người dân tộc Việt Nam bị chà đạp, đói rét, lầm than. Về ở ẩn nơi làng quê nhưng ông vẫn giữ được cái gọi là khí tiết, phẩm chất của một người yêu nước chân chính và hòa mình cùng với nhân dân.

Các sáng tác của Nguyễn Khuyến hầu hết được làm sau lúc từ quan, hiện còn khoảng hơn 400 bài, gồm thơ, văn, câu đối bằng chữ Hán và chữ Nôm; đáng kể hơn hết là “Quế Sơn thi tập” khoảng 200 bài thơ bằng chữ Hán.

Các tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Khuyến bao gồm: Yên Đổ thi tập, Quế Sơn thi tập, Cẩm Ngữ, Bách Liêu thi văn tập, cùng với đó là  những bài ca, văn tế, hát ả đào và nhiều câu đối truyền miệng. Sáng tác của ông chủ yếu xoay quanh ba nội dung: Bộc bạch tâm sự của mình; viết về con người, cảnh vật và cuộc sống ở quê hương - một vùng đồng chiêm nghèo ở Bắc Bộ; chế giễu, đả kích những kẻ tham lam, ích kỷ, cơ hội lúc bấy giờ...

“Tam nguyên Yên Đổ” - nhà thơ Nguyễn Khuyến.
 “Tam nguyên Yên Đổ” - nhà thơ Nguyễn Khuyến.

Trong những nhà thơ Nôm thời bấy giờ thì Nguyễn Khuyến vừa là nhà thơ trào phúng, vừa là một nhà thơ trữ tình nhuộm đậm tư tưởng Lão Trang và triết lý Đông Phương. Thơ chữ Hán của nhà thơ hầu hết được viết là thơ trữ tình. Có thể nói là cả 2 lĩnh vực trên thì nhà thơ Nguyễn Khuyến cũng đều rất thành công.

Những tác phẩm của nhà thơ đã khiến cho người đọc của bao nhiêu thế hệ xúc động và đang phải suy ngẫm. Những câu thơ là những băn khoăn day dứt, với nước mắt và nụ cười của nhà thơ. Thơ của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn của nhiều phẩm chất thơ ca dân gian và bác học, trữ tình và trào phúng.

Điều đó đã khiến cho giọng điệu trong thơ Nguyễn Khuyến trở nên đa dạng đan xen hoà trộn với nhiều sắc màu thẩm mỹ. Ông đã gửi nỗi niềm của mình vào trong thơ mong hậu thế hiểu được lòng mình và hy vọng thế hệ sau sẽ làm được những điều ông ấp ủ vì một xã hội tốt đẹp hơn. 

Với một lòng yêu nước, thương dân mà không thể giúp được gì ngoài những ngòi bút đau vì dân, khóc vì dân đã giúp cho văn thơ của ông đã đi vào lịch sử và sẽ mãi mãi đi sâu vào lòng của biết bao nhiêu thế hệ.

Gian nhà độc đáo của bậc thầy phong thủy

Năm 1884, cụ Nguyễn Khuyến có viết: “Vườn Bùi chốn cũ/Bốn mươi năm lại lụ khụ về đây”. Câu thơ này được “Tam nguyên Yên Đổ” viết khi sắp bước sang tuổi “tri thiên mệnh”, cụ cáo bệnh, không nhận chức Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hoá, Tuyên Quang) để về với mảnh đất cha ông sống cuộc đời thanh bạch, vui thú điền viên ở vùng quê nghèo chiêm trũng.

Gian nhà của cụ Nguyễn Khuyến nằm ở làng Vị Hạ, xã Trung Lương (xưa là xã Yên Đổ), huyện Bình Lục, Hà Nam. Để đi tới gian nhà ấy, du khách phải đi qua “ngõ trúc quanh co” trong làng Vị Hạ. Cổng vào nhà cụ Nguyễn Khuyến rêu phong, cổ kính, ở trên ba chữ Nho “Môn Tử Môn”.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - hậu duệ đời thứ 5 của nhà thơ Nguyễn Khuyến (sinh năm 1941) phân tích: “Môn Tử Môn” có nghĩa là cửa ra vào của học trò. Đây là một lời răn dạy nghiêm khắc về đạo làm trò. Trước khi vào nhà thầy cho dù là quan lớn hay thứ dân đều phải đúng lễ nghĩa, xuống ngựa, xuống xe đi bộ vào viếng thầy.

“Tam nguyên Yên Đổ” - Nguyễn Khuyến còn là bậc thầy về tài bố trí phong thủy. Bước qua cổng vào cổ kính là ngôi nhà được xây theo phong cách truyền thống xưa kia. Bên ngoài là đại tế, trong là hậu cung. Giữa nhà tế lễ và hậu cung là một khoảng sân nhỏ hình chữ Nhị. Chỉ những người được được sắc phong thần thì mới được xây như thế này.

Trước cổng nhà có đề chữ: “Môn Tử Môn” có nghĩa là cửa ra vào của học trò.
 Trước cổng nhà có đề chữ: “Môn Tử Môn” có nghĩa là cửa ra vào của học trò.

Theo hậu duệ đời thứ 5 của nhà thơ, Nguyễn Khuyến mệnh hoả nên trấn trạch hai thủy một hỏa để cân bằng âm dương. Hai thủy gồm cái ao lớn có bờ cỏ thẳng ngăn ở giữa rồi đến cái lạch nước trong. Cái ao và lạch giống hình bút lông và nghiên mực của các nhà Nho.

Nhà đại tế có 7 gian, xây bằng gạch, lợp ngói, có bốn hàng cột. Hậu cung được làm bằng gỗ. Nhà của cụ đặc biệt ở chỗ, có lưỡng long chầu nguyệt, 9 bậc đặt ở dưới đất. Bình thường, hình lưỡng long chầu nguyệt hay được đặt ở trên nóc nhà, ông Tùng giới thiệu.

Lý giải về điều này, ông Tùng hồ hởi cho biết, ngày xưa, cụ giải thích với các chức sắc rằng làm vậy để tránh nắng hướng đông và hướng tây. Thế nhưng, lý do ban đầu của cụ lại hoàn toàn khác. "Cụ Nguyễn Khuyến để lưỡng long chầu nguyệt ở dưới đất nhằm ám chỉ vua nhà Nguyễn bán nước nên không cho cưỡi lên đầu rồng, chỉ chầu đằng trước nhà thôi", ông Tùng thâm thúy nói.

Đi sâu vào hậu cung, chúng tôi có thể dễ dàng nhìn thấy những nghiên bút, sắc phong, câu đối cổ. Đó là cuốn thư của cụ Dương Khuê tặng cụ Nguyễn Khuyến khi cụ đỗ Tam nguyên đầu khoa bảng, tấm biển "Ân tứ vinh quy", "Nhị giáp tiến sĩ" do Vua Tự Đức ban cho “Tam nguyên Yên Đổ”...

Trước sân của ngôi nhà cổ còn có con lạch nhỏ. Theo lời kể của ông Tùng, cụ Nguyễn Khuyến từ lâu đã tính toán cho đào một con lạch và một cái ao cạnh nhau, điều này giúp cân bằng âm dương, trấn trạch.

Trong khoảng sân vườn rộng, gia đình cụ trồng nhiều loại cây ăn quả như na, vú sữa, bưởi và các loại hoa thơm. Ngoài ra, từ xa xưa, cụ Nguyễn Khuyến đã cho trồng cây vối để lấy lá hãm nước uống.

Bất kỳ du khách nào khi đến tham quan ngôi nhà cổ đều trầm trồ với 3 cây nhãn cổ thụ đã ngoài 100 tuổi, cả ba cây đều xanh tốt quanh năm và được các con cháu cụ Nguyễn Khuyến chăm sóc. Chỉ tay về một cây nhãn cổ ông Tùng cho biết: “Hiện nơi này có 3 cây nhãn cổ thụ. Con trai cụ Nguyễn Khuyến đã xin ba hạt nhãn về trồng sau khi mừng thọ Vua Tự Đức (1829- 1883)”.

Ông Tùng cho hay, các cụ xưa kể lại, trong một lần cụ Nguyễn Khuyến cùng con trai vào kinh mừng thọ Vua Tự Đức, Nhà Vua đã ban cho cụ Nguyễn Khuyến chùm nhãn. Con trai cụ xin Vua Tự Đức ba hạt giống về ươm trồng và được chấp thuận.

Nở nụ cười tươi, ông Tùng tâm sự, việc con trai cụ Nguyễn Khuyến xin ba hạt nhãn về trồng không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là vật quý Vua Tự Đức ban mà các cụ còn có ý nghĩa sâu xa khác. Trong hệ thống giáo dục Việt Nam thời phong kiến, danh hiệu học vị tiến sĩ được gọi là bảng nhãn.

Vì vậy con trai cụ Nguyễn Khuyến trồng ba cây nhãn là có ngụ ý muốn con cháu noi theo và tiếp bước truyền thống của dòng họ: "Con trai cụ Nguyễn Khuyến trồng cây nhãn là muốn nhắn nhủ thế hệ sau tiếp bước việc học hành của dòng họ, cố gắng đỗ đạt cao".

Trong khuôn viên ngôi nhà còn lưu giữ, trưng bày rất nhiều kỷ vật quý hiếm như: Một số bộ triều phục của cụ Nguyễn Khuyến, bức tượng đá tạc hình nhà thơ, câu đối, tấm bia khắc bài thơ “Thu điếu” bằng nhiều thứ tiếng khác nhau…

Gian nhà niên đại hơn thế kỷ ấy đã đón biết bao nhà nghiên cứu, người yêu văn chương, du khách và đặc biệt là những học sinh trên khắp mọi miền Tổ quốc. Họ tới cung kính thắp hương tri ân một nhà thơ có đức và có tài, với một lòng yêu nước, thương dân và chiêm ngưỡng gian nhà độc đáo của mảnh đất hình chữ S.

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh Hội nghị

Lai Châu đề xuất xây dựng cảng hàng không

(PLVN) -   Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, 6 tháng năm 2022 và triển khai các Nghị quyết của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải sớm đề xuất đầu tư cảng hàng không Lai Châu trình Thủ tướng Chính phủ.

Đọc thêm

Hà Giang: Khởi sắc trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội

Hà Giang: Khởi sắc trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội
(PLVN) - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, hiệu quả của UBND tỉnh Hà Giang. Kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc trên các lĩnh vực.

Lạng Giang (Bắc Giang): Điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang

Hệ thống cơ sở hạ tầng huyện Lạng Giang được đầu tư đồng bộ
(PLVN) -  Bằng sự quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo cùng với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, 6 tháng đầu năm 2022, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) đã đoàn kết, đồng lòng thực hiện tốt “mục tiêu kép”; vừa triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con nhân dân.

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra mắt Phòng họp không giấy E-cabinet

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra mắt Phòng họp không giấy E-cabinet
(PLVN) - Chuyển đổi số là một xu thế và yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay, tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, mở ra nhiều cơ hội, tạo điều kiện để các địa phương nắm bắt, bứt phá vươn lên.

Hoàn thành mô hình 3D Vườn Quốc gia Cúc Phương

Hoàn thành mô hình 3D Vườn Quốc gia Cúc Phương
(PLVN) - Ngày 5/7, tại Ninh Bình, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương tổ chức Hội thảo Báo cáo kết quả tham vấn "Xây dựng mô hình 3D có sự tham gia của cộng đồng tại VQG Cúc Phương".

Khảo sát, thống nhất phương án hướng tuyến giao thông kết nối huyện Ba Bể sang huyện Na Hang

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn tại tỉnh Tuyên Quang
(PLVN) -  Ngày 3/7, đoàn công tác của tỉnh Tuyên Quang do ông Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn để thống nhất phương án hướng tuyến giao thông kết nối huyện Na Hang (Tuyên Quang) sang huyện Ba Bể (Bắc Kạn).

Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu khen thưởng cho cá nhân đạt thành tích trong Hội thao PCCC

Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu khen thưởng cho cá nhân đạt thành tích trong Hội thao PCCC
(PLVN) -  Chiều ngày 4/7, Công an tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ công bố Quyết định khen thưởng đột xuất cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong Hội thi thể thao nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ toàn quốc lần thứ II, vòng loại năm 2022 tổ chức tại thành phố Cần Thơ. Đại tá Lê Thanh Hùng - Phó Giám đốc Công an tỉnh dự và chủ trì lễ trao thưởng.