Truyền thuyết về Bà chúa ca trù đất Thượng Mỗ

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam – người âm thầm “truyền lửa” ca trù ở Thượng Mỗ tại một lớp học ca trù.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam – người âm thầm “truyền lửa” ca trù ở Thượng Mỗ tại một lớp học ca trù.
(PLO) -  Vốn tư chất thông minh, tính tình hiền thục lại thuộc dòng dõi gia thế nên khi được cha mẹ cho theo học thầy đồ nổi tiếng họ Lưu, Nguyễn Thị Hồng đã bộc lộ được nhiều năng khiếu về thơ ca, đàn hát, đặc biệt là hát nhà trò rất hay. Nhờ vậy chỉ trong một thời gian ngắn bà đã nổi tiếng khắp vùng, được mời dạy hát cho 12 họ ở trong làng...

Trong một dịp được trò chuyện với nhà nghiên cứu Nguyễn Tọa, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội, tôi tình cờ biết rằng Hà Nội có một làng quê được coi là “đất tổ” của ca trù xứ Đoài. Vùng đất ấy nay là xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng (Hà Nội). Nơi đây, dù đã trải qua bao biến động thăng trầm lịch sử, nhưng vẫn lưu giữ trong mình những truyền thuyết lạ kỳ về Bà chúa ca trù, và đặc biệt hơn, trên vùng đất này ca trù vẫn giữ được vị thế của mình, từng nhịp gõ điệu đàn vẫn làm say đắm lòng người. 

Những huyền tích chưa kể

Theo lời giới thiệu của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Tọa, tôi tìm đến bà Nguyễn Thị Tam (SN 1950), một nghệ nhân đang âm thầm “truyền lửa” ca trù trên vùng đất này. Thời điểm tôi đến, trong ngôi nhà 3 tầng xây trát còn dở dang, hơn chục con người đang nghe bà Tam hướng dẫn kỹ thuật ca, cách cầm trống chầu, giữ nhịp phách. Bà Tam rành rọt hướng dẫn mọi người hát mưỡu đơn, mưỡu kép, mưỡu dựng, mưỡu hậu, hát nói...

Bà Tam cất tiếng hát mẫu nỉ non, đan xen với giảng giải những bài Đào hồng, đào tuyết; Cái tình là cái chi chi; Vịnh tỳ bà; Nợ tang bồng; Tự tình; Hương sơn phong cảnh…của các nhà thơ tài danh Dương Khuê, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh… rất có hồn, sinh động. Thấy có khách lạ ghé, bà Tam vui vẻ dừng lại tiếp chuyện, học viên của bà ai vẫn vào việc nấy. Bà bảo, chuyện “giữ lửa” ca trù ở Thượng Mỗ hiện đã khá thành công, một phần vì cái tâm của người dạy, phần khác vì tấm lòng mê hát, ham học ẩn tàng trong cốt cách, con người nơi đây.

Nghe kể, bà Tam năm nay đã ngoài 60 tuổi, là một người con của dòng họ Nguyễn Duy, một dòng họ mà mấy trăm năm nay đã dồn nhiều tình yêu và tâm huyết cho bộ môn nghệ thuật ca trù của quê hương. Theo những tài liệu cổ còn truyền lại thì vào thế kỉ thứ 17, dòng họ Nguyễn Duy ở đất Thượng Mỗ sinh được một người con gái kỳ tài tên là Nguyễn Thị Hồng. Vốn tư chất thông minh, tính tình hiền thục lại thuộc dòng dõi gia thế nên khi được cha mẹ cho theo học thầy đồ nổi tiếng họ Lưu, Nguyễn Thị Hồng đã bộc lộ được nhiều năng khiếu về thơ ca, đàn hát, đặc biệt là hát nhà trò (hát ca trù – hát ả đào) rất hay. Nhờ vậy chỉ trong một thời gian ngắn bà đã nổi tiếng khắp vùng, được mời dạy hát cho 12 họ ở trong làng.

Lúc bấy giờ, Vua Lê Chính Hòa ngự giá đi kinh lý thăm triền đê sông Hát, vừa tới đất Thượng Mỗ đã nghe tiếng hát: “Tay cầm bán nguyệt thênh thang/ Một trăm ngọn cỏ phải hàng ta đây”. Tiếng hát nỉ non trầm bổng khiến Nhà vua say sưa vội cho quân sĩ đi tìm. Nhà vua càng sửng sốt hơn khi thấy đó là một người phụ nữ chân lấm tay bùn nhưng sắc nước hương trời.

Ngài đến hỏi han, tức thì nàng ấy ứng đối trôi chảy, có tình có lý và tỏ ra thông hiểu cổ kim. Vua rất mừng cho rước nàng về cung phong làm Nội Điện, Thị Nội Cung Tần, sau lại phong làm Đệ Nhị Cung Phi Hoàng Hậu phụ trách dạy lễ nhạc trong Nội Điện, đặc biệt là dạy hát ca trù để phục vụ cho những ngày đại lễ. 

Một thời gian sau khi bà mất, thể theo nguyện vọng của bà, nhà vua đã tổ chức tang lễ đưa bà về yên nghỉ tại Thượng Mỗ. Cũng theo người dân Thượng Mỗ còn truyền tụng thì tại vùng đất này, bà đã được người dân tung hô là “Bà Chúa ca trù”. Từ khi “Bà Chúa ca trù” qua đời, những người con cháu còn lại của dòng họ Nguyễn Duy vẫn tiếp tục tiếp nối mạch chảy của loại hình hát quý tộc này. Trong số đó có thể kể đến như nghệ nhân Nguyễn Thị Chản, Nguyễn Duy Sách, Nguyễn Thị Tam… Nghệ nhân Nguyễn Thị Chản nay đã mất, trước khi mất bà đã kịp truyền nghề lại cho cô con gái của mình là Nguyễn Thị Tam, nay phụ trách Câu lạc bộ Ca trù Thượng Mỗ. Theo bước cha ông, bà Tam cũng dành tâm huyết của cả cuộc đời mình cho việc bảo tồn và phát triển ca trù.


Nỗ lực truyền lửa

Ở vùng đất Thượng Mỗ này, có thể dễ dàng cảm nhận được ca trù như ngấm vào máu, vào thịt mỗi người dân. Từ những đứa trẻ mới lớn, cho đến người trưởng thành và cả những cụ già vẫn có lòng đam mê, yêu những làn điệu “ứ hự” mượt mà, những câu ca sâu lắng mà triết lý của ca trù. Chẳng thế mà, theo tìm hiểu, hiện lớp học ca trù của bà Tam đã dần đông lên với khoảng 50 - 70 học viên.

Câu lạc bộ hoạt động đều đặn mỗi tuần 2 buổi vào tối thứ 7 và chủ nhật tại nhà bà Tam. Không chỉ có học miễn phí, bà Tam còn sắm quần áo cho các cháu đi biểu diễn. Đặc biệt nhất, có nhiều học viên đã ngoại ngũ tuần, ngoại lục tuần vẫn mê nhịp trầu, hàng tuần chăm chỉ tối tối rủ nhau đến nhà bà Tam học hát. Học viên ít tuổi nhất là những cháu bé mới 10 tuổi, đang học tiểu học. Lớp học diễn ra đông đủ, chính thời điểm ấy, khắp làng Đại Phú lại văng vẳng tiếng hát, tiếng phách, tiếng trống, tiếng đàn ngân nga, trầm bổng. 

Theo lời bà Tam, đã từng có một khoảng thời gian dài hát ca trù tưởng như thất truyền trên quê hương Thượng Mỗ. Khoảng năm 2000 câu lạc bộ được thành lập nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng nghị lực, kết hợp với những người có chung tâm huyết trên địa bàn, việc khôi phục hát ca trù đã dần thu được những hiệu quả nhất định. Tay mân mê chiếc đàn đáy hằn bóng vệt thời gian, bà bộc bạch: “Chiếc đàn này tính đến đời tôi cũng phải sáu, bảy đời rồi. Trước trong dòng họ có hai chiếc đàn cổ như thế, nhưng một chiếc đã đem tặng cho Bảo tàng huyện Đan Phượng. Bộ phách cổ của dòng họ cũng được đem tặng cho Bảo tàng. Ngày trước anh trai tôi, Nguyễn Duy Sách là cây đàn cự phách số một của vùng, tiếc là anh ấy đã mất, tiếng đàn xưa đã không được nghe lại nữa rồi”.

Kép đàn không còn nhưng việc truyền dạy cho các thế hệ sau cũng không thể dừng lại. Nhớ lại những bí quyết mà mẹ và anh truyền dạy cho lúc trước, bà Tam lại cố gắng một mình vừa làm ca nương, vừa làm kép đàn để dạy cho các cháu. Bởi thế mà một tay bà vừa gõ phách, vừa hát, nhiều bài bà còn kiêm luôn cả tay đàn, tay trống.

Thấy được sự nhiệt huyết của bà, các học viên càng khâm phục và thêm yêu về loại hình hát ca trù của quê hương. Nhờ vậy mà các giải thưởng, phần thưởng cao quý liên tục được bà và các học viên giành về cho quê hương. Mới đây trong Hội Diễn Văn nghệ Dân gian toàn quốc, cháu Nguyễn Thị Huyền (15 tuổi) đã giành được huy chương vàng, cháu Nguyễn Duy Trung (11 tuổi) cũng đạt giải A đánh trống trầu… 

… Nay tuổi đã xế chiều, trong 120 làn điệu cổ của ca trù Thượng Mỗ, bà Tam mới truyền dạy được cho học viên của mình chưa đến 10 làn điệu. Bà bảo, mong muốn lớn nhất của bà Tam là môn nghệ thuật ca trù trường tồn mãi mãi với quê hương Thượng Mỗ. Vì thế nên trong thời gian tới, cá nhân bà sẽ vẫn tiếp tục công việc của mình, không quản tuổi già sức yếu, tốn kém tiền bạc, sớm tối ngược xuôi đi truyền dạy ca trù.

Theo thần phả và dân gian truyền lại, đời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17) ở Thượng Mỗ có người con gái là Nguyễn Thị Hồng, vốn là con nhà gia thế, lại giỏi thơ ca, hay nghề đàn hát, nhất ca trù, một lối hát cung đình thanh tao, quý phái. Bà vừa đẹp người, đẹp nết, giỏi cầm ca nên nổi tiếng khắp vùng, được nhân dân tôn vinh là “Bà chúa ca trù”. Hàng năm, cứ đến ngày mồng 3 tháng 2 âm lịch, ngày giỗ của bà, nhân dân tổ chức lễ trọng. Bài văn tế “Đệ nhị cung phi hoàng hậu” được lưu trữ cẩn thận cùng với cuốn ngọc phả ghi công đức của bà. Sau phần lễ, đều có hát ca trù. Có thời điểm, nhiều giáo phường ca trù nổi tiếng ở Hà Tây (cũ) đều về đây hát “Hầu Bà chúa của ca trù”. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.