Thờ những người gặp tai nạn
Ngôi miếu nằm cạnh đường ngay ngã ba khối phố An Bàng (thuộc tuyến đường ven biển Đà Nẵng- Hội An), được “cất” theo kiểu mái ngói 1 gian có diện tích nhỏ, vỏn vẹn chừng 0,6m2. Thấy khách đứng nhìn, một cụ già bán nước giải khát gần đó bước ra nhắc nhở: “Đi qua đó phải chạy chậm, thật cẩn thận nghe mấy con”.
Hỏi nguyên nhân, cụ bà cho biết: “Khu vực này khá rộng rãi, nhưng khi thi công, không hiểu vì lý do gì con đường lại bị bẻ cong trở thành khúc cua ngoặt. Chính vì thế, tai nạn giao thông liên tục xảy ra, đa phần chết tại chỗ. Do phải chứng kiến những cái chết thảm khốc… cư dân dọc tuyến đường bị ám ảnh. Vì thế, bà con trong làng lập miếu thờ với mong muốn được bình an”.
Ngôi miếu xây cất theo kiểu mái ngói 3 gian |
Để rõ hơn, cụ già hàng nước hướng dẫn PV tìm gặp bà Lê Thị Thìn (50 tuổi, hộ dân sống đối diện ngôi miếu). Ở gần nên nhiều năm qua, bà Thìn chứng kiến không sót một vụ tai nạn nào và cũng nghe không ít câu chuyện ma mị liên quan đến con đường.
Bà Thìn kể, cái chết đầu tiên xảy ra nơi đây vào năm 2008, khi đó tuyến đường mới tráng nhựa, nhà cửa thưa thớt và chưa có điện thắp sáng. Vào tối một ngày mưa gió tháng 12/2008, bà Nguyễn Thị Hoàng (50 tuổi, người địa phương) đi xe đạp từ bên trong xóm ra ngoài đường lộ.
Nhưng xe bà chỉ mới vừa tới mép giao nhau thì một thanh niên lưu thông theo hướng Hội An- Đà Nẵng, chạy với tốc độ cao bất ngờ lao tới. Lúc phát hiện thấy sự xuất hiện của bà Hoàng, người này hãm phanh nhưng không còn kịp. Cú tông mạnh khiến bà Hoàng tử vong tại chỗ. Đáng nói, sau cái chết của bà Hoàng, có hàng loạt nạn nhân khác gặp nạn.
Theo lời Bà Thìn, điều lạ lùng ở chỗ, chỉ có riêng bà Hoàng bị người khác gây tai nạn, số còn lại đều tự gây tai nạn cho mình và chết oan uổng. Trong số này, câu chuyện về 3 thanh niên ở La Nghi (Điện Bàn, Quảng Nam) gặp nạn vào ngày đầu năm 2014 là một minh chứng.
3 thanh niên đi trên 2 chiếc xe máy từ hướng Đà Nẵng vào Hội An. Thời điểm trên tiết trời lạnh, mưa rả rích, mới 6 giờ đã tối đen. Có lẽ đang chạy ngon trớn nên không ai phát hiện có khúc cua trước mặt. Đến khi 2 thanh niên đi đầu nhận ra thì lạc tay lái phải phanh gấp, chiếc xe theo đó lộn 2 vòng ngã nhào. Thanh niên theo sau cũng chỉ nghe một tiếng rầm. Người dân dọc hai bên đường hốt hoảng chạy ra ứng cứu nhưng không kịp, 3 thanh niên tử vong tại chỗ.
Chuyện “ma mị” lan truyền bắt đầu từ việc gia đình của 1 trong số các nạn nhân cho mời thầy về cúng gọi hồn và lên đồng. Dù thực tế không hiểu chuyện lên đồng có thật hay không, nhưng những người cư ngụ gần nơi hay xảy ra tai nạn càng củng cố hơn những lời đồn đại.
Theo bà Thìn và những người dân sống gần ngôi miếu, người chết đa phần là thanh niên trai trẻ. Trong đó có trường hợp 1 nạn nhân ở Đà Nẵng, tự gây tai nạn và chết tại tuyến đường trên vào năm 2015. Trước khi tử nạn, người này làm việc ở Hội An nên hay đi sớm về muộn. Mặc dù khá quen thuộc với con đường nhưng không hiểu sao người này vẫn gặp nạn.
Cảnh tỉnh người tham gia giao thông
Bà Thìn cho biết, ngoài một số nạn nhân chết tại chỗ được người thân làm lễ, cánh tài xế lái xe cũng tiến hành việc này thường xuyên. Một bác tài chuyên đưa đón khách du lịch qua lại tuyến Hội An- Đà Nẵng tiết lộ, chuyện oan hồn xô đẩy, dẫn đến tai nạn giao thông chết người, nhiều người cho rằng hoang đường.
Tuy nhiên, do tham gia giao thông nhiều, đến đoạn đường từng xảy ra nhiều tai nạn, cánh lái xe vẫn có thói quen thắp hương, cúng bái. Thậm chí, có người còn bóp 1 hồi còi xin phép kẻ “khuất mặt” để vững tay lái đi tiếp.
“Cẩn tắc vô áy náy”, thực tế, chúng tôi tin vào tâm linh cũng đồng nghĩa tin rằng, nếu nơi đã từng nhiều xảy ra tai nạn, chắc chắn đoạn đường đó có vấn đề về độ an toàn như: tán cây che khuất tầm nhìn, mặt đường có ổ gà, chiều ngang đường bị hẹp, mặt đường trơn…”, bác tài này nói
Tại vị trí trên, người dân dọc tuyến đường Lạc Long Quân đưa ra con số tự thống kê, năm 2009 xảy ra 6 vụ tai nạn nhưng không một ai sống sót, cụ thể 5 nạn nhân chết tại chỗ, 4 nạn nhân chết trên đường đưa đi cấp cứu. Năm 2010, 2011, 2012 con số thương vong cũng tương tự.
Đáng nói, thời điểm sau này, điện đường đã trang bị đầy đủ nhưng các vụ tai nạn vẫn không giảm. Năm 2013, xảy ra tới 10 vụ. Từ đầu năm 2014 đến thời điểm hiện tại, cũng có hơn 10 vụ, đặc biệt, chỉ trong vòng 3 ngày trước khi xây miếu (8/12/2015) đã có 5 vụ nghiêm trọng làm 5 người chết tại chỗ.
Trước thực trạng đó, người dân địa phương đã tự nguyện quyên góp tiền xây dựng miếu đặt ngay ở mặt đường, để thờ cúng những người đã mất. Ngày khánh thành và lễ cũng hàng tháng, người dân tổ 3, tổ 4 khối An Bàng tự đứng ra tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Đi (ngụ khối phố An Bàng) một trong những người góp tiền xây miếu lý giải thêm, về mặt tâm linh, bà con tâm niệm, ngôi miếu sẽ giúp vong hồn người chết được siêu thoát, không quấy rầy người sống. Về mặt xã hội, miếu cũng xem như “biển báo” cho những người điều khiển xe trên đường biết rằng “nơi đây thường xảy ra tai nạn chết người”.
Ngoài ra, theo ông Đi, ngày chưa có miếu, nhiều người đến thắp hương, bày hoa quả cứ trải dài dọc đường làm mất mỹ quan, nay nhờ có miếu mọi thứ được “quy về một mối” gọn gàng. Bên cạnh đó, người dân địa phương còn rất mong muốn chính quyền lắp đặt thêm nhiều biển cảnh báo hoặc cải tạo lại hạ tầng giao thông tại khu vực để không xảy ra thêm những tai nạn đáng tiếc.
Trao đổi về điều này, đại diện địa phương cho biết, khi phát hiện người dân đang tiến hành xây dựng ngôi miếu trái phép, chính quyền có cử người nhắc nhở. Tuy nhiên, xét thấy việc làm này người dân xuất phát từ cái tâm, không gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương nên không đưa ra biện pháp xử lý.
Bỏ qua những tin đồn thiếu căn cứ có thể thấy những trường hợp trên chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Đứng quan sát tại đây có thể thấy, sở dĩ có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra là do, đoạn đường này khá thông thường, đường đẹp, nhiều người dân địa phương khi qua lại lợi dụng lúc không có các lực lượng chức năng thường không chịu đội mũ bảo hiểm, đi với tốc độ nhanh.
Rất nhiều người tham gia giao thông không đội nón bảo hiểm |
Ngoài ra, khu vực này nằm ngay đoạn dốc, khi mở đường bị bẻ cong khiến một số người không quen sẽ lạc tay lái. Lý do này đã đẩy các vụ nạn nhân tự té ngã, gây tai nạn cho mình lên cao.
“Đa số các vụ tai nạn rơi vào số thanh niên trẻ. Một phần do họ đi với tốc độ cao, không chú ý quan sát. Nhiều người có hơi men nên không làm chủ được tốc độ. Bên cạnh lỗi chủ quan của người tham gia giao thông, các ngành chức năng cũng cần tăng cường biển báo, thậm chí nếu cần có thể chỉnh sửa lại đường để tránh những vụ tai nạn đáng tiếc”, một người dân chia sẻ.