Có mẹ nào biết nấu cháo vảy tê tê để lợi sữa không?
Không hiếm để thấy những câu hỏi như thế này của các bà mẹ bỉm sữa trên một loạt các diễn đàn webtretho, lamchame… Và phần lớn những câu trả lời đều bày vẽ cho nhau cách làm sao kiếm bằng được một vảy tê tê để sử dụng. Một bà mẹ bỉm sữa để chia sẻ “bí quyết” dùng vảy tê tê của mình: “Cứ mỗi lần ít sữa, tắc sữa em lại ăn cháo vảy tê tê và thấy hiệu quả vô cùng.Vảy tê tê mọi người ra hiệu thuốc đông y mua, mỗi lần dùng 5 – 10 gam là đủ...”. Cứ thế một đồn mười, mười đồn trăm, vảy tê tê trở thành “cứu cánh” của các bà mẹ bỉm sữa Việt.
Nhưng sự thực có đúng như vậy không? Vảy tê tê có giúp các bà mẹ thông, lợi sữa được không? Trả lời câu hỏi này, PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức - ĐH Y Dược TPHCM trong bài viết của mình cho biết, tê tê (hay còn gọi là con trút, xuyên sơn giáp) được cho là vị thuốc dùng theo kinh nghiệm dân gian, tức người dùng chẳng biết có tác dụng thật sự hay không mà cứ thế truyền miệng nhau. Trong tài liệu “Những bài thuốc và vị thuốc Việt Nam” (Đỗ Tất Lợi, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội,1968) có nói theo “tài liệu cổ”, xuyên sơn giáp vị mặn, tính hơi hàn, có độc, vào 2 kinh can và vị, có tác dụng tán huyết thông lạc, tan ung nhọt, làm thuốc chữa đậu, trẩn, tắc tia sữa.
Cũng theo tài trên, có một số đơn thuốc phối hợp xuyên sơn giáp và các vị thuốc đông y khác dùng chữa tắc tia sữa, tràng nhạc lở loét, chữa mụn nhọt.
Cho tới nay, tác dụng chữa bệnh của vảy tê tê, sừng tê giác, cao hổ cốt… vẫn dựa theo lời đồn đại, truyền miệng chứ chưa có công trình khoa học nào xác định tính hiệu quả của tác dụng này. Và nếu chưa chứng minh được bằng nghiên cứu khoa học đúng quy cách thì các tác dụng đó chỉ là thêu dệt, huyền thoại. “Thử hỏi nếu bỏ ra tới 15 triệu đồng để mua 1kg vảy tê tê để trị “tắc tia sữa, tràng nhạc lở loét, chữa mụn nhọt” gọi là có ghi theo “tài liệu cổ” mà chưa được kiểm chứng khoa học thì có đáng hay không?” - PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức đặt câu hỏi.
Những đứa trẻ bú “sữa tê tê” không đặc biệt gì hơn
Chính vì những lời đồn đại trong đông y là các sản phẩm từ tê tê bao gồm vảy, bào thai, máu chữa được các bệnh về da, ung thư, lưu thông máu, kích thích tuyến sữa; thịt tê tê là món ăn sang trọng tượng trưng cho quyền lực, mà tê tê là động vật hoang dã có vú bị săn bắn và buôn bán trái phép nhiều nhất trên thế giới.
Ước tính mỗi năm có khoảng một triệu con tê tê bị giết trong thập kỷ qua, tương đương khoảng 100.000 con mỗi năm, khiến số lượng tê tê châu Á đã giảm 80% trong vòng 21 năm qua. Ở Việt Nam trong 10 năm qua, 54,8 tấn cá thể và 14,7 tấn vảy tê tê đã bị tịch thu. Mỗi năm trên thế giới có trên 20 tấn vảy tê tê được phân phối ra để làm thuốc, nhưng vì cho đến nay con người chưa hề đạt được thành công trong việc nuôi và nhân giống tê tê, nên nguồn gốc của những vảy têt tê “hợp pháp” vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Theo ông Nguyễn Văn Thái – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã cho biết, đã có kinh nghiệm hơn chục năm trong hoạt động bảo tồn tê tê ông nhận thấy rằng ở Việt Nam doanh nhân và cán bộ nhà nước là nhóm đứng đầu sử dụng sản phẩm tê tê.
“Tại Việt Nam, tuy chỉ có 8% người dân tin rằng tê tê có tác dụng chữa bệnh, nhưng hơn 64% vẫn còn phân vân vì thường nghe nói về tác dụng ấy nhưng không biết có thật hay không, chỉ có hơn 20% người dân khẳng định tê tê không có tác dụng chữa bệnh” – ông Thái cho biết. Con số này thực sự là đáng lo ngại bởi từ chỗ phân vân không rõ đúng sai đến chỗ tặc lưỡi làm theo số đông là con đường không xa.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Hoàng Thị Minh Hồng – Giám đốc Change (Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển) cho biết, thành phần chủ yếu của vảy tê tê là keratin, giống như móng tay và tóc người, không có nghiên cứu khoa học nào chứng minh chúng có thể chữa bệnh".
Thế nên, một chuyên gia nước ngoài đã rất ngạc nhiên hỏi tôi rằng, con của các bà mẹ Việt bú sữa mẹ có sự trợ giúp của vảy tê tê đâu có cao lớn hơn con của những bà mẹ khác trên thế giới không dùng vảy tê tê, mà tại sao nhiều phụ nữ Việt Nam lại khoái dùng tê tê đến vậy?” – bà Minh Hồng cho biết. Cũng theo các chuyên gia bảo tồn tới đây sẽ có sự phối hợp với cơ quan chuyên môn để xóa bỏ những từ khóa liên quan đến chữa bệnh bằng sản phẩm tê tê trên internet, trong đó có cụm từ khóa “vảy tê tê lợi sữa”; “vảy tê tê chữa tắc sữa”…
Cũng theo bà Minh Hồng để giải quyết vấn nạn tàn sát tê tê này, chỉ có con đường duy nhất là cải thiện các nỗ lực thực thi pháp luật và gia tăng hình phạt đối với các kẻ buôn lậu tê tê. “Chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa việc thực thi pháp luật và hy vọng rằng đề xuất đưa các loài tê tê lên Phụ lục I (bao gồm những loài nguy cấp bị đe doạt tuyệt chủng, việc buôn bán trao đổi những loài trong phụ lục này cần có giấy phép xuất, nhập khẩu cấp bởi Cơ quan quản lý Cites của nước xuất, nhập khẩu) sẽ sớm được các bên của Công ước Cites (Công ước về buôn bán các loài động thực vật hoang dã, nguy cấp) thông qua. Chỉ như vậy tê tê mới có hy vọng sống sót” – bà Minh Hồng nhấn mạnh.