3 vấn đề của nông nghiệp Việt
Trong quá trình triển khai tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác nông nghiệp Việt –Nhật, ông Watanabe Kazuhiro, đại diện Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản cho rằng, việc xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm gồm các khâu từ sản xuất nông nghiệp đến chế biến, lưu thông, tiêu thụ là giải pháp hết sức quan trọng để nông nghiệp Việt Nam phát triển toàn diện, phát huy hết tiềm năng sẵn có.
Khảo sát của phía Nhật Bản cho thấy, ở Việt Nam, quy mô vườn ruộng sản xuất nhỏ, phân tán, bình quân một hộ gia đình chỉ có 0,62ha. Quá trình sản xuất sử dụng không đúng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, có xu hướng coi trọng số lượng hơn chất lượng. Và tỷ lệ phổ biến rau quả an toàn thấp, tỷ lệ phổ biến rau VietGAP chỉ là 0,24%.
Ở khâu chế biến thực phẩm và phát triển sản phẩm, ý thức về việc nâng cao giá trị gia tăng thông qua việc lựa chọn và phân loại sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Địa điểm sản xuất cách xa cơ sở chế biến thực phẩm, dẫn đến làm giảm chất lượng của rau tươi và bị tổn thất. Trong khi đó, ở khâu lưu thông, thị trường bán lẻ chưa phát triển, hình thức thông ở nhiệt độ thường là chủ yếu, tỷ lệ hủy bỏ do sản phẩm giảm độ tươi ngon cao. Thiếu kho lạnh, xe lạnh, quản lý vệ sinh thực phẩm đang trong quá trình phát triển.
3 vấn đề của nông nghiệp Việt cần cải thiện gồm: nâng cao năng suất, giá trị gia tăng; chế biến thực phẩm, phát triển sản phẩm; và cải thiện lưu thông, dây chuyền lạnh được phía Nhật Bản xác định là những trọng tâm sẽ cùng Việt Nam cùng giải quyết trong giai đoạn 2015-2019.
Người Nhật nói là làm. 4 địa phương mà người phía bạn đã “bắt tay” để đầu tư, hợp tác cùng Việt Nam là: Nghệ An, Lâm Đồng, Hà Nội và TP HCM. Nếu như Nghệ An được phía Nhật chọn là nơi xây dựng thí điểm cho việc nâng cao năng suất, giá trị gia tăng, Lâm Đồng được chọn là điểm chế biến thực phẩm, phát triển sản phẩm đỉnh cao thì Hà Nội và TP HCM, 2 trung tâm kinh tế này được lựa để cải thiện năng lực lưu thông hàng hóa, phát triển dây chuyền lạnh.
Ông Watanabe Kazuhiro cho hay, ở Nghệ An việc nâng cao năng suất, giá trị gia tăng thông qua việc nâng cấp hệ thống thủy lợi, xây dựng cơ chế sản xuất, canh tác hoa màu an toàn, nâng cao năng suất trồng trọt, thức ăn chăn nuôi, cơ giới hóa nông nghiệp.
Tại Lâm Đồng, sẽ sản xuất nông sản có giá trị cao thích ứng với nhu cầu trong và ngoài nước, xây dựng cơ sở chế biến thực phẩm, cơ sở lựa chọn, đầu mối thu gom. Ngoài ra, kết hợp tốt giữa du lịch và nông nghiệp, xem xét và tiến tới xây dựng cụm sản xuất nông nghiệp, xây dựng cơ chế lưu thông để đảm bảo chất lượng hàng nông sản.
Theo vị này, nguồn lực đầu tư của Nhật Bản vào Hà Nội, TP HCM là để thúc đẩy đầu tư của khối tư nhân vào xây dựng kho đông lạnh và các hệ thống lưu thông ở nhiệt độ thấp. Đồng thời có cơ chế quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm dựa trên Luật An toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo tính minh bạch khi áp dụng.
Kêu gọi doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam
Cơ hội hợp tác và đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng, bởi thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt bậc, từ 8,6 tỷ USD trong năm 2005 lên trên 30 tỷ USD năm 2014, bình quân trên 20%/năm.
Thế nhưng tính đến năm 2015, vốn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Nhật Bản mới chỉ đạt hơn 230 triệu đô la, với hơn 30 dự án đã và đang được triển khai. Theo ông Trần Kim Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT Việt Nam), cơ hội hợp tác và đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng và chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao nếu có cách đi đúng hướng, tìm hiểu kỹ thị trường, kinh doanh chắc chắn và làm ăn có hiệu quả của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Ông Atsusuke Kawada từ Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội cập nhật, hiện nay trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam tăng lên 41 dự án tại các tỉnh như Lâm Đồng, Đà Nẵng, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Ninh… vào một số ngành như trồng thảo dược, sản xuất nấm, trồng dâu tây, nuôi bò, nuôi tôm.
Nhiều chuyên gia nhận định, đầu tư FDI vào nông nghiệp, bao gồm cả đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản, còn rất khiêm tốn, chiếm khoảng 1,1% tổng đầu tư FDI vào Việt Nam. Đây là con số rất nhỏ so với đóng góp của ngành nông nghiệp trong GDP cả nước, khoảng hơn 30%.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn (Ipsard), gợi ý một số lĩnh vực tiềm năng mà các doanh nghiệp Nhật Bản nên đầu tư vào nông nghiệp như đầu tư trực tiếp vào các ngành công nghiệp sản xuất vật tư đầu vào, công nghiệp phụ trợ, chế biến tinh, chế biến phụ phẩm cho nông nghiệp; đầu tư phát triển khoa học công nghệ nông nghiệp (công nghệ sinh học, công nghệ cơ khí, công nghệ bảo quản và chế biến…).
Cũng theo ông Tuấn, các doanh nghiệp Nhật Bản còn có thể liên kết với doanh nghiệp Việt Nam xây dựng cánh đồng lớn, liên kết với nông dân, hợp tác xã, xây dựng chuỗi giá trị hoàn chỉnh và thương hiệu cho thị trường trong và ngoài nước.