Bà Phạm Chi Lan vừa có chuyến khảo sát lắng nghe ý kiến của khối doanh nghiệp tư nhân tại TP HCM, Bình Dương, Cần Thơ và An Giang cùng đoàn nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
- Bà nhìn nhận thế nào về tình hình của các doanh nghiệp tư nhân hiện nay?
Động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam hiện nay bao gồm ba khối chính: doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân. Trong khi các doanh nghiệp khối quốc doanh và FDI được những chính sách ưu ái từ phía Nhà nước, về thuế, phí, đất đai... thì cộng đồng doanh nghiệp tư nhân dường như đang bị bỏ rơi. Họ đang phải tự gồng mình chống chọi với những khó khăn.
Sau khi đi một vòng khảo sát, tôi mới giật mình và phát hiện rằng khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay chẳng có gì và gần như cần phải phát triển lại từ đầu.
Điều này có nghĩa sau 30 năm đổi mới, thời gian cứ trôi nhưng nền tảng hoạt động của khối doanh nghiệp tư nhân gần như bằng không. Họ vẫn hoạt động một cách tự phát, quản lý theo kiểu gia đình, manh mún và cứ âm thầm trôi theo xu hướng "tự sinh, tự diệt". Vấn đề này đã làm tôi lo lắng từ năm 2012, đặc biệt là sau nghiên cứu của VCCI về doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong10 năm kể từ 2002 đến 2012.
Con số đưa ra trong kết quả nghiên cứu ấy thực sự đáng giật mình. Số lượng doanh nghiệp tư nhân thì nhiều lên, nhưng quy mô doanh nghiệp nhỏ lại. Riêng quy mô vốn nếu tính theo dòng tiền thì vào năm 2012 tăng một chút, nhưng nếu tính theo lạm phát lại nhỏ đi một nửa so với 2002.
Ngoài ra, niềm tin của doanh nghiệp cũng ngày càng sụt giảm mạnh. Cụ thể, năm 2013, thông qua nhiều khảo sát cho thấy, chỉ còn chưa tới 30% doanh nghiệp nói sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng hoạt động. Đến nay tỷ lệ này còn sụt nhanh hơn, chứng tỏ niềm tin doanh nghiệp giảm rất mạnh.
- Vậy theo bà, khó khăn nhất của khối doanh nghiệp tư nhân hiện nay là gì?
Vẫn là luật pháp. Tôi đi tới đâu cũng thấy doanh nghiệp kêu ca tình trạng luật pháp rối rắm và đặc biệt là tình trạng các cơ quan Nhà nước không hiểu luật hoặc là hiểu khác so với tinh thần của luật, gây khó cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, cái này có thể được luật khuyến khích, nhưng theo quy định khác lại ngăn cản... khiến doanh nghiệp rơi vào trạng thái mơ hồ về hành lang pháp lý, vừa làm vừa lo.
Thứ hai là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay rất thiếu tính thực tế, khiến không đi vào cuộc sống. Chẳng hạn như ở vùng sản xuất lúa gạo Đồng bằng Sông Cửu Long, ai cũng biết trữ gạo thì tối đa khoảng 4 tháng, trong khi trữ lúa được 6 tháng. Nhưng trên thực tế không có chính sách nào được đưa ra một cách cụ thể như hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp trữ lúa nhiều hơn trữ gạo, tránh tình trạng được mùa thì thu hoạch và đưa ra thị trường ồ ạt khiến giá cả bị sụt giảm mạnh...
Hay như công nghiệp phụ trợ, đã có nhiều chính sách được ban hành nhưng chẳng có một giải pháp triển khai nào cụ thể, khiến cho tiến trình thực hiện vẫn giậm chân tại chỗ. Doanh nghiệp muốn bắt tay vào làm thì sợ rủi ro vì để đầu tư vào lĩnh vực này phải mất vài ba năm và cần có nhiều chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, thuế, phí... nhưng thực tế thì chỉ có hô hào chung.
Thứ ba là vấn đề liên kết doanh nghiệp. Ở Việt Nam, khối doanh nghiệp Nhà nước và FDI có xu hướng hoạt động khép kín. Với doanh nghiệp Nhà nước, họ sẽ lập ra các công ty con, công ty sân sau, khi cần thì họ huy động nguồn lực từ các đơn vị này nên không cần phải liên kết với các doanh nghiệp tư nhân.
Còn với doanh nghiệp FDI khi vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ có tác động lan toả đến các doanh nghiệp tư nhân trong nước, biến các doanh nghiệp nội thành vệ tinh xung quanh họ. Tuy nhiên, đến nay mô hình ấy gần như không có vì nguồn cung đầu vào của các doanh nghiệp FDI hiện vẫn dựa chủ yếu vào các doanh nghiệp của họ trong khu vực chứ không phải ở Việt Nam (70-80% nguyên liệu đầu vào là ở các nước khác).
Thành ra, việc doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi hoạt động này rất ít. Điển hình như Samsung vào Việt Nam, với quy mô ngành xuất khẩu đạt 23 tỷ USD, nhưng chỉ có khoảng 5 doanh nghiệp trong nước tham gia cung cấp bao bì, nhãn hàng... còn về kỹ thuật gần như không có.
Đứng giữa hai khu vực lớn (doanh nghiệp Nhà nước và FDI) được ưu đãi quá nhiều, doanh nghiệp tư nhân dù chiếm số lượng lớn vẫn bị lạc lõng, gần như phải tự thân vận động và không thể liên kết được với ai nên càng trở nên khó khăn hơn.
- Bà đánh giá thế nào về vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân trong nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế?
Nếu tính chung với cả nông nghiệp thì khối doanh nghiệp tư nhân đóng góp xấp xỉ 38% vào GDP. Tuy nhiên, vốn đầu tư ở khối này trong mấy năm gần đây giảm đáng kể và cho thấy doanh nghiệp tư nhân hiện nay không thiết tha với đầu tư.
- Vậy trong thời gian tới, giải pháp nào cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển?
Tôi cho rằng một nền kinh tế muốn phát triển mạnh và bền vững phải dựa vào nội lực, không thể dựa vào bên ngoài. Còn việc Việt Nam vẫn đang dựa vào doanh nghiệp FDI để có con số tăng trưởng GDP, xuất khẩu đẹp chỉ mang tính nhất thời.
Điều quan trọng hiện giờ là cần nỗ lực khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện cho họ gia nhập các ngành cung ứng toàn cầu, nhất là thông qua việc tăng cường cải cách chính sách, tiếp cận về tài chính và đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Ngoài ra, chính sách Nhà nước phải điều chỉnh được việc phân bổ nguồn lực làm sao cho đồng đều giữa các thành phần kinh tế và tạo ra sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp tư nhân.