Guốc mộc Việt
Những câu hỏi về việc guốc mộc xuất hiện ở nước Việt từ khi nào, ai là chủ nhân đã sáng tạo nên di sản văn hóa giản dị, mộc mạc này có lẽ khó ai có thể trả lời chính xác được. Tuy nhiên, ngay từ truyền thuyết dân gian “Chín chúa tranh ngôi” của Cao Bằng hay sách cổ Giao Châu ký của Trung Quốc (thế kỷ III) đã nhắc đến đôi guốc.
Đáng chú ý, hình ảnh đôi guốc cũng được ghi nhận đã xuất hiện ở Việt Nam từ khá sớm. Trong các sách cổ của Trung Quốc như Nam Việt Chí, Giao Châu Ký có ghi rằng, Bà Triệu ở thế kỷ thứ III có đi guốc bằng ngà voi. Cùng với đó, nhiều sử liệu cũng ghi lại rằng, phụ nữ và đàn ông Việt từ lâu đã đi guốc để bảo vệ đôi chân của mình. Nhưng do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên đa phần ở nông thôn, người Việt chỉ đi guốc vào những ngày rét hoặc ngày hội, ngày lễ quan trọng.
Guốc khi đó có nguyên liệu bằng tre hoặc gỗ, có mũi uốn cong cong để bảo vệ ngón chân, quai dọc thì tết bằng mây chứ không phải bằng quai da đóng ngang như kiểu guốc thời cận đại. Thủa ban sơ, guốc có đế bằng, thấp bằng gộc tre, quai mây cốt bảo vệ đôi chân trong mùa giá rét và tránh nóng. Sau đó, guốc mộc được chau chuốt hơn về hình dáng với loại gỗ có trong vườn nhà nông như mít, xoan, de, mỡ, dàng dàng, kiểu “tự cung tự cấp” …
Cũng bởi guốc đã gắn liền với đời sống người Việt mà tiếng guốc của mỗi người, mỗi độ tuổi thì từng loại guốc cũng mang một dáng vẻ, âm thanh guốc phát ra cũng khác nhau. Lốc cốc khắp làng trên xóm dưới, phố phường, thị tứ là tiếng guốc mộc. Lẹt quẹt là của các cụ già, đĩnh đạc là của cụ đồ, lách cách, nhẹ nhàng là của các cô các chị, rộn ràng là của lũ trẻ ranh, đến độ, thân quen như hơi thở cuộc sống.
Guốc mộc đã xuất hiện từ rất lâu trong đời sống của người Việt |
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, guốc mộc đích thị là một sản phẩm đáp ứng với điều kiện tự nhiên, nhu cầu của người Việt. Bởi vậy mà vào năm 1944, Hilda Arnhold, một tác giả nữ người Pháp, làm việc ở Hà Nội có viết cuốn ký sự nhan đề Bắc kỳ – phong cảnh và ấn tượng đã có hẳn một “bài ca guốc gỗ” với cảm nhận tinh tế như của một người con đất Việt.
Dù guốc mộc của Việt Nam là sản phẩm bản địa nhưng không phải là sản phẩm độc quyền bởi các dân tộc khác cũng sáng tạo ra guốc mộc của mình, là bộ phận cấu thành nên trang phục dân tộc như guốc Hà Lan, guốc gỗ geta Nhật Bản. So với các quốc gia khác thì guốc mộc Việt cấu tạo đơn giản, mũi tròn, dáng thon thả theo bàn chân làm cho bước chân của phái nữ đi lại nhẹ nhõm hơn. Cả quy trình tạo nên guốc mộc Việt cũng dễ dàng hơn, đơn giản hơn.
Đến từ cuối thế kỷ XIX, guốc mộc mới trở nên thịnh hành và bắt đầu có những thay đổi rõ dệt về kiểu dáng và chất liệu. Đôi guốc mộc đã được gọt đẽo thanh thoát hơn bởi những người thợ tài hoa. Quai guốc thay đổi từ dây mây sang vải rồi cao su, đế đệm miếng cao su mỏng nên bước chân của chị em êm ái, mơ màng hơn. Guốc không chỉ là vật dụng để bảo vệ đôi chân mà thở thành một thứ phục trang tôn thêm phong cách, biểu đạt gu thẩm mỹ của người sử dụng.
Nhà giàu sang thì dùng guốc sơn son thếp vàng, khảm trai, bịt quai gấm, nhà nghèo dùng guốc đẽo từ xoan, quai da trâu. Khoảng những năm 40 của thế kỷ XX, bắt đầu xuất hiện những đôi guốc sơn màu sắc sặc sỡ, nhất là dành cho phụ nữ và phải đến sau năm 1975, guốc mộc thực sự bước vào một cuộc cách mạng về kiểu dáng về chất liệu, khẳng định là thời trang ưu ái cho phái đẹp, cùng với váy áo. Guốc mộc đã vượt qua khuôn khổ của “mộc” và sự đơn điệu về kiểu dáng với sự xuất hiện của chất liệu nhựa…
Từ sản phẩm “tự cung tự cấp” đến sản phẩm hàng hóa, đôi guốc mộc đã đi một bước dài trong lịch sử, kéo theo sự ra đời của nghề làm guốc, nổi tiếng trong số đó có làng nghề Bình Nhâm.
Thăng trầm làng nghề Bình Nhâm
Không rõ nghề guốc mộc đến Bình Dương từ khi nào, nhưng cách đây hơn trăm năm các nhà làm guốc nổi tiếng đã tề tựu đông đảo ở 2 phường Phú Thọ (thành phố Thủ Dầu Một) và Bình Nhâm (thị xã Thuận An). Năm 1901, tại làng Phú Văn (ngày nay là Phú Thọ) có trên 80 hộ gia đình hết thế hệ này sang thế hệ khác đều sống bằng nghề guốc, nhờ đó nơi đây cũng hình thành con đường mang tên Xóm Guốc.
Đến năm 1999, địa phương chính thức công nhận tên đường và ghi chép vào hệ thống các đơn vị hành chính thuộc thành phố Thủ Dầu Một. Ra đời nhằm phục vụ nhu cầu làm đẹp của con người, mỗi năm, làng nghề sản xuất hàng ngàn đôi guốc thô, nuôi sống gần 1.000 người thợ với mức sinh hoạt khá giả và sung túc. Cùng thời, làng guốc mộc ở Bình Nhâm cũng vang danh xa gần với 100 hộ gia đình theo nghề truyền thống.
Những nghệ nhân cao niên trong làng cho biết, thời kỳ hưng thịnh nhất của nghề guốc ở Bình Nhâm là sau năm 1975. Lý giải cho điều này, nhiều người chỉ ra rằng, lúc đó Việt Nam đang rơi vào tình trạng khó khăn, đóng cửa với thế giới nên không có nguyên liệu sản xuất những loại giày dép bằng da, bằng nhựa… Do vậy những đôi guốc truyền thống nhanh chóng được ưu chuộng hơn bao giờ hết.
Ở làng nghề Bình Nhâm, trong gia đình một người làm guốc rồi dạy nghề cho vợ chồng, con cái, anh chị em. Những cơ sở tại gia như vậy thường có từ 3 đến 4 thợ thuê ngoài, nửa còn lại là người có máu mủ ruột thịt làm chung với nhau. Mỗi xóm có đến hơn chục nhà đóng guốc, tiếng lộc cộc của dùi đục gơ vào những thớ gỗ vang từ đầu đến cuối ngõ. Bình Nhâm lúc bấy giờ có hơn cả trăm nhà làm guốc mộc, mỗi ngày một xóm cho ra thành phẩm hơn 700 đôi là chuyện bình thường. Và cũng từ đó mà nơi này được biết đến như một làng nghề nổi tiếng cung cấp guốc mộc cho nhiều vùng miền ở Nam Bộ.
Công đoạn vẽ đế guốc của người thợ Bình Nhâm |
Thời kỳ đầu, để ra được những chiếc guốc phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của người thợ chuyên biệt ở từng khâu. Đầu tiên, người ta phải phân chia những cây gỗ (cao su, xoan, mít…) nguyên liệu ra thành từng khúc – dân trong nghề gọi là “dứt cây”. Tiếp đó, các chị em phụ nữ chăm chút từng đường bút chì để tạo những nét phác họa thân guốc và đế guốc. Do làm thủ công, chẳng có thước đo đạc, nên họ ước lượng và dựa vào kinh nghiệm để nhắm chiều dài và chiều rộng của chiếc trái, chiếc phải tương xứng với nhau. Vì vậy nên kiểu dáng khá khiêm tốn, chỉ chia ra làm hai loại cao 5 phân và thấp 3 phân. Công đoạn này tuy nhẹ nhàng, nhưng đòi hỏi sự chính xác khá cao vì chỉ lệch đi vài milimét thì sẽ ra chiếc cao chiếc thấp.
Những nghệ nhân nữ vẽ xong thì đến cánh đàn ông dùng cưa gọt theo đường đã kẻ sẵn để cho ra hình thù của từng chiếc guốc. Guốc của phụ nữ có thắt eo ở chính giữa, còn đàn ông thì không nên dân gian gọi là guốc xuồng. Chị Tám, một thợ vẽ guốc kể: “Ngày xưa, để cất giấu vàng bạc khi đi xa, người ta còn khoét một phần rỗng ở gót để mang theo làm lộ phí đi đường”.
Để cho ra được hình hài của từng chiếc guốc, từng cái gót, người Bình Nhâm mang chúng đi nung hút bớt nước trong thân gỗ để lúc ra thành phẩm đôi guốc sẽ nhẹ, người mang không cảm thấy nặng chân. Những chiếc lò sấy ở từng gia đình Bình Nhâm được đốt bằng củi khô và mạt cưa. Đợi thân guốc nguội, thợ chà láng sẽ giúp cho những dằm gỗ trên thân mất đi và công đoạn cuối cùng là sơn phết, đóng quai rồi ra thành phẩm hoàn chỉnh.
Dần dà, khi có máy móc, những khâu cưa thân guốc, chà láng nhanh hơn, thợ không phải dùng sức nhiều nhưng thay vào đó, tai nạn lao động cũng tiềm ẩn. Bình Nhâm từng có một thời người làng làm quên ăn, quên ngủ để kịp đám ứng các đơn đặt hàng của khách.
Guốc mộc Bình Nhâm được tạo nên từ những đôi bàn tay khéo léo |
Đáng buồn rằng, Bình Nhâm ngày nay không còn rộn ràng nhịp búa, nhịp gỗ của nghề guốc xưa bởi sự xuất hiện của giày da hiện đại. Hiện tại ở Bình Nhâm chỉ còn khoảng 10 gia đình sản xuất guốc mộc theo cách thủ công. Cả trăm gia đình khác đã bỏ nghề từ hơn chục năm nay. Guốc mộc hiện nay chỉ còn bán được cho những người già ở quê, khách du lịch sang Việt Nam muốn mua làm quà lưu niệm mang về nước, hoặc thi thoảng là những đạo cụ cho một buổi văn nghệ ca múa nhạc dân tộc.
Vì khó khăn trăm bề nên họ cũng không làm toàn bộ quy trình mà chỉ dừng lại ở khâu gia công phôi guốc, sau đó, đem đi bỏ cho các tiệm sơn khu chợ ở Thạnh Lộc – quận 12, thành phố Hồ Chí Minh. Rồi thương lái ở đây đến lấy hàng, đem về đóng quai và mang đi bán, khi thì ra chợ Bến Thành – khu trung tâm Sài Gòn cho khách du lịch, lúc lại đưa về làng quê hay vùng ngoại ô cho các bà các chị mua mang đi chợ.
Người đưa guốc mộc xuất ngoại
Tại Bình Nhâm giờ đây có lẽ chỉ có cơ sở guốc Ba Thân của ông Thái Văn Siêm, nay được người con trai của ông Siêm là anh Thái Văn Anh Hùng tiếp quản là phát triển nhất làng nghề. Câu chuyện của anh Thái Văn Anh Hùng mang đến một tia hy vọng cho guốc mộc Bình Nhâm khi đã có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, hành trình đó không hề đơn giản nếu như người nghệ nhân không có một trái tim thực sự yêu tiếng guốc mộc.
Anh Thái Văn Anh Hùng kể: “Từ nhỏ tôi đã học nghề làm guốc, nối nghiệp nhà. Từng chứng kiến cảnh nhộn nhịp thời cực thịnh của làng nghề Bình Nhâm, nên đến khi nghề guốc tàn lụi tôi rất xót xa. Hàng làm ra chẳng có thương lái đến mua, nhìn cảnh dân làng lấy dao chẻ hàng ngàn đôi guốc mộc ra làm củi, lòng tôi quặn thắt!”.
Trong cuộc sống năng động, hiện đại và đòi hỏi tính tiện dụng cao hơn, guốc mộc đã không thích nghi được. Với sự phát triển mạnh của ngành nhựa, các sản phẩm dép nhựa bền, đẹp, giá rẻ, đa dạng về kiểu dáng và màu sắc đã nhanh chóng thay thế, chiếm lĩnh thị trường của guốc mộc. Cũng có những người nuối tiếc, gắng vùng vẫy để cứu làng nghề, Hợp tác xã sản xuất guốc mộc Bình Nhâm được lập ra để tìm lối thoát, song cũng làm ăn trầy trật, không hiệu quả, cuối cùng đã tan đàn sẻ nghé.
Ông Thái Văn Siêm - cha anh Thái Văn Anh Hùng - đã học nghề làm guốc từ năm 1950 và lập Cơ sở sản xuất guốc Ba Thân từ năm 1960. Do vậy từ khi mới 10 tuổi, Thái Văn Anh Hùng đã rành nghề đóng guốc. Nhưng vì thấy trước nguy cơ mai một của nghề này, ông Thái Văn Siêm quyết không cho con theo nghiệp.
Nghe lời cha, anh Hùng theo học ngành y, đến khi ra trường có công việc ổn định tại một cơ sở y tế ở tỉnh Bình Dương. Nhưng từ sau năm 1980, làng guốc Bình Nhâm mai một, hơn một nửa hộ dân làm guốc phải bỏ nghề. Trước tình cảnh ấy, anh Hùng quyết định thôi việc, trở về thay cha quản lý cơ sở Ba Thân.
Anh tâm sự: “Dân làng Bình Nhâm đã bao thế hệ gắn bó với nghề làm guốc mộc. Là người con của làng, lớn lên ở Cơ sở sản xuất guốc Ba Thân, tôi thấy mình có trách nhiệm giữ cho làng nghề không bị lụi tàn rồi biến mất”. Năm 1995, anh Hùng được cha giao điều hành Cơ sở sản xuất guốc Ba Thân.
Nói về những vấn đề khiến nghề guốc mộc bị mai một, anh Hùng phân tích, trước đây các hộ làm guốc mạnh ai nấy làm, không ai chịu trách nhiệm liên đới khi sản phẩm bị lỗi, hơn nữa giá thành cao không ai kiểm soát, mỹ thuật và kỹ thuật lại hạn chế. Đó là chưa kể mọi công đoạn đều làm thủ công, năng suất thấp, mẫu mã ít nên guốc mộc cứ loay hoay trong nước.
Từ ý thức nghề guốc mộc phải đổi mới để tồn tại và phát triển, anh Hùng dành thời gian lân la khắp các chợ để tham khảo ý kiến người tiêu dùng và tìm đọc các tạp chí thời trang trong nước và thế giới. Qua tìm hiểu anh nhận thấy nhu cầu sử dụng guốc mộc trên thị trường thời trang vẫn rất lớn, sản phẩm này có giá trị cao. Bởi vậy, anh Hùng đã mạnh dạn gom vốn đầu tư công nghệ, máy móc thay cho cách làm thủ công, chuyển hướng thiết kế mẫu mã phù hợp với thị hiếu, trào lưu thời trang từng giai đoạn.
Anh Hùng nhớ lại: “Ngày trước nhà tôi làm khâu đầu, tức mua gỗ về cưa xẻ thành phôi và đóng quai guốc, sau đó bán cho những cơ sở khác chuyên thực hiện đánh bóng, sơn vẽ. Nhưng thời bây giờ, phải sản xuất lớn, làm ăn bài bản hơn”.
Anh Thái Văn Anh Hùng người giúp đưa guốc mộc Bình Nhâm xuất khẩu ra nước ngoài. |
Thế là anh thực hiện ý tưởng đó bằng cách cho sản xuất tập trung nhằm giảm giá thành, kiểm soát chặt chẽ đồng loạt về mặt kỹ thuật, mỹ thuật. Qua mấy năm đầu thể nghiệm, cũng có lúc anh cảm thấy nản chí vì sức tiêu thụ sản phẩm chậm, giá trị không cao.
Nhưng duyên may cũng đến khi một khách hàng Nhật Bản thấy sản phẩm của Cơ sở sản xuất guốc Ba Thân đạt chất lượng cao, nên tìm đến tham quan và đặt mua hàng với số lượng lớn bất ngờ: 30.000 đôi. Cũng từ đó, anh liên tục nhận được nhiều đơn hàng, không chỉ đến từ châu Á mà còn tận các nước châu Âu như Đức, Pháp, Italia, Hà Lan…
Năm 2002, Cơ sở sản xuất guốc Ba Thân phát triển thành Công ty TNHH Hùng Thái, chuyên sản xuất các sản phẩm guốc gỗ xuất khẩu và trực tiếp mở kênh giao dịch với các đối tác nước ngoài. Không dừng lại ở các loại guốc thông thường, công ty làm những loại guốc sơn mài, chạm trổ tinh vi.
Anh Hùng nhập khẩu quai, đế guốc mẫu mã mới, kết kim tuyến, đính cườm để tạo dáng, làm mỹ thuật cho guốc. Sự khác biệt và những cải tiến mới giúp sản phẩm của anh được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài ưa thích.
Trước kia, người làm guốc ít quan tâm đến yếu tố thời trang nên không chú trọng việc cách tân sản phẩm. Một mẫu sản phẩm được sử dụng lặp lại qua các năm. Như vậy làm sao có thể đáp ứng được sự thay đổi chóng mặt của thị hiếu người tiêu dùng. Hiện nay Công ty TNHH Hùng Thái có hàng ngàn mẫu mã, thường xuyên được thay đổi để đáp ứng thị hiếu thời trang ở các nước. Vận hành theo guồng quay khắc nghiệt, nếu không chịu cải tiến chúng tôi sẽõ bị đào thải. Một mẫu hàng xài không quá 4-5 đợt hàng cho 2-3 lượt khách, sau đó phải bắt tay ngay vào việc sáng chế những mẫu mã độc đáo, mới lạ hơn.
Hàng năm, Công ty TNHH Hùng Thái xuất khẩu khoảng 300.000 đôi guốc mộc sang thị trường châu Âu (Đức, Hà Lan, Pháp, Đan Mạch), châu Á (Nhật Bản, Thái Lan…). Vào giai đoạn cao điểm từ tháng 10 đến tháng 4, hơn 300 công nhân làm việc hết công suất. Bên cạnh đó công ty còn liên kết với các cơ sở sản xuất khác trong làng nghề để đảm bảo việc giao hàng cho đối tác đúng hẹn. Trong cơn bão của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng anh Hùng vẫn liên tiếp nhận được những đơn hàng lớn, số lượng ổn định từ nhiều nước.
Công việc làm ăn đã khá ổn định, tuy vậy anh luôn trăn trở: Làm sao để sản phẩm guốc mộc có thể góp phần đánh bật các sản phẩm giày dép kém chất lượng của Trung Quốc đang làm mưa làm gió ở thị trường trong nước? Và lời giải của anh là phải tạo dựng thương hiệu để nâng cao giá trị cho sản phẩm guốc mộc Bình Nhâm.