Lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến I vừa diễn ra ở Paris, nơi ông Trump cùng gần 70 lãnh đạo các nước đến dự. Lễ kỷ niệm quan trọng này được cho là một cơ hội lớn để nguyên thủ các nước tăng cường hợp tác quốc tế và tái khẳng định mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương được hình thành từ khói lửa chiến tranh.
Thế nhưng chuyến đi tới châu Âu lần này của ông Trump lại biến thành một thảm họa, khi ông không ngừng hứng chịu những lời chỉ trích về cách hành xử của mình và trở nên đơn độc trước làn sóng phê phán chủ nghĩa dân tộc, theo chuyên gia David A. Andelman.
“Trở ngại” cơn mưa
Ông Trump bắt đầu châm ngòi cho tranh cãi ngay từ đầu chuyến đi, khi đăng những lời chỉ trích Tổng thống Pháp trên Twitter ngay trên chuyến bay tới Paris. Tổng thống Mỹ cho rằng đề xuất thành lập đội quân châu Âu để tự bảo vệ an ninh của Macron là "rất xúc phạm" và cho rằng châu Âu lẽ ra nên trả đủ khoản đóng góp tài chính cho NATO mà hiện Mỹ phải bao cấp rất nhiều.
Mọi việc bắt đầu đi xuống từ đó. Đặt chân xuống Paris hôm 10/11 với tâm trạng dường như không vui, Trump bất ngờ quyết định hủy kế hoạch tới viếng nghĩa trang binh sĩ Mỹ ở rừng Belleau Wood, ngoại ô thủ đô Pháp, nơi từng chứng kiến những trận đánh ác liệt trong Thế chiến I, cướp đi sinh mạng của khoảng 1.800 lính Mỹ.
Nhà Trắng ban đầu giải thích rằng kế hoạch viếng nghĩa trang của Trump bị hủy do "khó khăn về hậu cần và lịch trình vì thời tiết xấu", khẳng định việc tổ chức đoàn xe hộ tống Tổng thống với hàng chục phương tiện vào phút chót là vô cùng khó khăn khi trời mưa gió. Thế nhưng hôm đó ở Paris chỉ có mưa phùn và lãnh đạo các nước khác, kể cả nữ Thủ tướng Đức 64 tuổi Angela Merkel, vẫn đến viếng nghĩa trang theo lịch trình.
Quyết định này của ông chủ Nhà Trắng vấp phải làn sóng chỉ trích và chế giễu của dư luận, nhiều người dùng Twitter còn đăng ảnh cựu tổng thống Obama đội mưa tới viếng nghĩa trang lính Mỹ để chỉ trích Trump. Nhà Trắng sau đó vội đưa ra lời giải thích tiếp theo rằng trời mưa ở Paris khiến trực thăng Marine One của Tổng thống không thể cất cánh để tới nghĩa trang được.
"Tình hình thời tiết ở Paris được cho là khiến Donald Trump không thể tới bày tỏ lòng tôn trọng với những lính Mỹ ngã xuống vì tự do tại nghĩa trang Aisne-Marne chiều nay", Francois Heisbourg, một cố vấn thân tín của Tổng thống Macron, viết trên Twitter.
Quyết định hủy chuyến thăm đài tưởng niệm Aisne-Marne do trời mưa của ông Trump đã gây ra phản ứng dữ dội trên mạng xã hội bởi nhiều người cho rằng ông thiếu tôn trọng các binh sĩ Mỹ tử trận. Thủ tướng Canada Jusstin Trudeau dường như ngầm chỉ trích Trump khi phát biểu tại lễ tưởng niệm rằng: "Khi chúng ta ngồi đây giữa trời mưa, cảm thấy khó chịu vì quần áo và tóc ướt đẫm, hãy nhớ rằng ngày hôm ấy ở Dieppe đó không phải là cơn mưa, mà là những làn đạn".
Trong bữa trưa và bữa tối do Macron chiêu đãi lãnh đạo các nước tới dự sự kiện hôm đó, ông Trump luôn tỏ vẻ cau có, không vui khi ông không phải là tâm điểm chú ý, cũng không phải là người được trọng vọng nhất tại bữa tiệc.
Ông Trump trong chuyến thăm vội vã tới nghĩa trang Suresnes hôm 11/11 |
Hình ảnh biểu tượng cho sự đơn độc của ông Trump giữa Paris là khi lễ tưởng niệm được tổ chức tại Khải Hoàn Môn vào hôm 11/11. Trong khi hàng chục lãnh đạo các nước đến sớm và vai kề vai sánh bước trên đại lộ Champs Elysees để thể hiện mối quan hệ đồng minh gắn kết, ông Trump cùng đoàn xe hộ tống của mình đến muộn và ông tiến vào nơi tổ chức buổi lễ khi các nguyên thủ khác đã yên vị.
Nhà Trắng sau đó cho biết lý do ông Trump đến muộn là vì "mối quan ngại về an ninh", dù họ không nói rõ lực lượng mật vụ Mỹ lo lắng về điều gì tại sự kiện tề tựu hàng chục lãnh đạo thế giới như vậy.
Dành cả ngày trong dinh thự đại sứ Mỹ
Hai ngày cuối tuần ở Paris của ông Trump đã thể hiện rõ sự đối lập giữa ông với Macron và các lãnh đạo châu Âu khác. Trong khi ông dành cả ngày thứ bảy trong dinh thự của đại sứ Mỹ ở Pháp, Macron và Merkel cùng tới rừng Compiegne để tưởng niệm những người đã ngã xuống trong cuộc chiến cách đây 100 năm.
Macron sau đó đăng trên Twitter bức ảnh ông và bà Merkel bước đi cùng nhau, cùng chú thích "Đoàn kết". Truyền hình Pháp phát sóng cảnh hai lãnh đạo sánh bước dọc nghĩa trang, bà Merkel có lúc còn nắm lấy tay Macron, trong khi Tổng thống Pháp vòng tay ôm bà.
Ông Trump tìm cách bù đắp cho sự nhạt nhòa của mình tại sự kiện bằng chuyến thăm vội vã tới nghĩa trang Suresnes hôm 11/11, nhưng hành động này bị giới quan sát đánh giá là quá ít ỏi và quá muộn màng. Trong khi các lãnh đạo khác tề tựu vào chiều hôm đó để tham dự Diễn đàn Hòa bình Paris (PPF) kéo dài ba ngày, ông Trump đã lên chuyên cơ trở về Mỹ.
Ngay trước khi chuyên cơ Air Force One của ông Trump cất cánh trở về Mỹ, Macron một lần nữa thể hiện sự xa cách khi tuyên bố ông tin rằng sự hợp tác tốt cho mọi người và "những người theo chủ nghĩa dân tộc đôi khi dựa nhiều hơn vào cách tiếp cận đơn phương".
Andelman cho rằng ông Trump bỏ qua Diễn đàn Hòa bình Paris bởi sự kiện này đại diện cho tất cả những giá trị mà Tổng thống Mỹ không tin tưởng. PPF coi hợp tác quốc tế là chìa khóa để giải quyết những thách thức toàn cầu và đảm bảo hòa bình lâu dài, với chủ đề chính là chủ nghĩa toàn cầu, điều mà ông Trump luôn chống lại bằng khẩu hiệu "nước Mỹ trên hết" của mình.
Điều trớ trêu là trong hội nghị hòa bình 1919 sau khi kết thúc Thế chiến I, tổng thống Mỹ khi đó là Woodrow Wilson đã nêu lên khái niệm về chủ nghĩa toàn cầu và khẳng định Mỹ luôn phải là một phần của thế giới.
Một thế kỷ sau, Tổng thống thứ 45 của Mỹ đã biến cơ hội san lấp bất đồng và trân trọng những hy sinh của các đồng minh thành một chuyến đi "thảm họa" và "đáng xấu hổ", nơi ông chỉ khoét sâu hơn hố ngăn cách giữa Mỹ và các đối tác ở châu Âu, theo nhận định bình luận viên Ishaan Tharoor.
Chuyên gia Andelman cũng nhận định rằng đã đến lúc ông Trump ngừng "trốn trong vỏ ốc" với các đồng minh truyền thống, bởi Mỹ sẽ không thể tự mình giải quyết được các vấn đề toàn cầu như phi hạt nhân hóa Triều Tiên, chạy đua vũ trang với Nga hay xung đột ở Trung Đông và chiến tranh thương mại với Trung Quốc nếu không có sự kề vai sát cánh của các đồng minh và đối tác trên khắp thế giới.
Phía sau hàng loạt dòng tweet nhằm vào người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, giới quan sát cũng cho thấy thiếu sót nguy hiểm trong việc "ghìm cương" Tổng thống của đội ngũ cố vấn Nhà Trắng.
Giới quan sát cho rằng sự khác biệt trong quan điểm về chủ nghĩa dân tộc có thể giải thích cho nỗi tức giận của ôn Trump khi bị Macron "nói xéo" giữa nhiều lãnh đạo quốc gia khác. Tuy nhiên, cách Tổng thống Mỹ "xả giận" bằng một loạt bài đăng trên Twitter lại không phải là phản ứng khôn ngoan cần có của một nguyên thủ, nhất là khi những lời cáo buộc của Trump lại dựa trên thông tin không đúng sự thật.
Điều này cũng hé lộ một thực tế rằng ở Nhà Trắng hiện nay dường như không có một cố vấn nào đủ tầm để có thể kìm hãm cơn tức giận của ông Trump.
Tờ Le Monde của Pháp hôm 9/11 đăng câu chuyện về việc ông Trump trong cuộc gặp hồi tháng 4/2017 đã chỉ trích tổng thống ba nước vùng Baltic vì những cuộc chiến xảy ra ở vùng Balkan trong thập niên 1990, dù hai khu vực không liên quan đến nhau. Bershidsky cho rằng nếu có một "người chín chắn" ở Nhà Trắng tóm tắt trước cho ông Trump những kiến thức địa lý cần thiết trước cuộc gặp, những sự cố đáng xấu hổ như vậy sẽ không xảy ra.
Việc nhầm lẫn về địa lý có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu ông Trump cần phải ra những quyết sách lớn, chẳng hạn như việc Macedonia ở Balkan xin gia nhập NATO hay triển khai luân phiên lính Mỹ ở Estonia, một quốc gia vùng Baltic.
Những gì ông Trump đã làm trong hai năm đầu tiên của nhiệm kỳ cho thấy ông đặt ưu tiên với những vấn đề nội tại của nước Mỹ như nhập cư, thương mại và việc làm hơn là các chính sách đối ngoại trên toàn cầu và quan hệ với đồng minh.
Điều này làm dấy lên những hoài nghi ở châu Âu về việc liệu Trump có sẵn sàng trợ giúp khi các đồng minh của Mỹ bên kia bờ Đại Tây Dương gặp phải một cuộc khủng hoảng lớn về an ninh hay không.