Vài lời trước khi kể chuyện: “Chuyện cũ cầu Thăng Long” đến đây cũng đã được hơn 15 kỳ. Không biết đã dài “quá” chưa? Người đời thường nói: Cái gì “quá” cũng không hay. Vì thế tôi thấy cũng nên tạm dừng ở đây, mong được các bạn đọc gần xa tiếp tục đón đọc và ủng hộ những loạt bài đặc sắc và độc đáo khác trong các số báo tiếp theo!
Cầu Thăng Long có lạc hậu không?
Khi mặt cầu ô tô của cầu Thăng Long xuống cấp vì chủ yếu do xe quá tải trọng chạy như phá cầu và những lần sửa từ năm 2010 và 2016 càng sửa càng hỏng do làm không đúng cách đã có ý kiến cho rằng cầu Thăng Long đã lạc hậu! (thậm chí có ý kiến cực đoan cho rằng bỏ đi, làm cầu khác).
Để xem cầu Thăng Long có lạc hậu không chúng ta cùng điểm qua mấy điểm sau:
Thứ nhất, cầu Thăng Long là cây cầu cứng, dùng cho cả đường sắt và đường ô tô. So với cầu Nhật Tân là cây cầu hiện đại, mới nhất của Hà Nội thì có thể kiến trúc của cầu Thăng Long không đẹp bằng (lý do đã nói ở số báo trước). Nhưng cầu Nhật Tân chỉ đơn thuần là cầu bê tông cho ô tô. Tàu hoả không đi được (làm sao tầu hoả leo được dốc cầu cao vổng như vậy!).
Hơn nữa, cầu Nhật Tân là cầu treo dây văng, không phải là cầu cứng. Nếu trời gió bão to (đến cấp mấy thì để các nhà chuyên môn trả lời), cầu Nhật Tân có thể phải ngừng hoạt động, đóng cầu để đảm bảo an toàn. Bởi cầu treo dây văng khi gió bão to sẽ rung, lắc rất mạnh. (Các bạn có thể đã thấy hoặc nghe báo đài đưa tin khi trời gió bão to, cầu treo Bãi Cháy, Hạ Long phải đóng cầu đấy thôi.) Cầu Thăng Long không như vậy bởi nó là cầu cứng.
Mặt khác, nếu sau này Đông Anh, Sóc Sơn thành quận, cần phải có metro, có tầu điện chạy trên đường ray để ra sân bay, sang các quận mới… muốn qua sông Hồng thì đi cầu nào nếu không phải Thăng Long?
Thứ hai, có người nói cầu Thăng Long có phần cầu chính vượt sông làm từ kết cấu thép có lạc hậu?
Xin thưa tất cả các cầu có chiều dài và khẩu độ lớn mà tàu hoả có thể chạy được từ xưa đến nay, từ Tây sang Đông, từ Âu Mỹ đến Nhật Bản… đều phải là cầu thép.
Cầu Long Biên người Pháp làm cho tầu hoả chạy từ đầu thế kỷ XX bằng thép. Gần 100 năm sau cầu Thăng Long làm cho tầu hoả chạy cũng vẫn phải bằng thép. Và cả trăm năm nữa chắc vẫn vậy. Thế thì chắc chắn nó không lạc hậu!
Cơ sở vật chất để lại sau khi xây xong cầu
Cơ sở vật chất, sau khi xây dựng xong cầu Thăng Long để lại khá lớn, có thể nói là “khổng lồ” và vẫn phát huy tác dụng:
Các xưởng chế tạo dầm cầu thép, kết cấu bê tông (đặc biệt là bê tông dự ứng lực cho các kết cấu cầu) sau khi làm xong cầu Thăng Long đã phục vụ và phát huy tác dụng cho nhiều công trình cầu khác như cầu Chương Dương (Hà Nội), cầu Bến Thuỷ (Nghệ An), cầu Phong Châu (Phú Thọ), cầu Trung Hà (Hà Nội- Phú Thọ), cầu sông Gianh (Quảng Bình)... và kể cả trong việc xây dựng một số cầu vượt nội đô ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
Công trình cầu Thăng Long để lại không những chỉ cơ sở vật chất cho làm cầu mà cho cả ngành khác. Ví dụ: Khách sạn Hoàng Long tại Xuân Đỉnh (chân cầu bờ Nam, phía Từ Liêm) hiện nay chính là khu nhà ở của chuyên gia Liên Xô xây dựng cầu Thăng Long khi xưa.
Về tên gọi của cây cầu
Trong suốt quá trình từ ý tưởng đến khi xây dựng, cây cầu không phải đã mang tên “Thăng Long” ngay từ đầu mà nó đã từng có các tên gọi sau:
Thuở khởi đầu: ngày 16/11/1971 Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua phương án xây dựng cầu qua sông Hồng tại khu vực Chèm. Lúc ấy tên gọi của nó được ghi trong văn bản là “CẦU CHÈM”.
Khi đặt vấn đề Trung Quốc viện trợ để xây cầu này, tháng 10/1972, phía Việt Nam đồng ý với tên gọi do Trung Quốc đề nghị để ghi trong Hợp đồng và các bản vẽ là “HỒNG HÀ ĐẠI KIỀU” (cầu lớn sông Hồng Hà).
Với tên gọi “Hồng Hà đại kiều” tương tự như tên “Vũ Hán Trường Giang đại kiều” (Cầu lớn sông Trường Giang ở Vũ Hán) là cây cầu của Trung Quốc bắc qua sông Trường Giang ở thành phố Vũ Hán, (nơi khởi đầu bùng phát đại dịch Covid ngày nay). Tên gọi đó thực tế tồn tại không lâu. Tuy nhiên trong suốt cả quá trình Trung Quốc viện trợ thì tên gọi này luôn hiện hữu trong các bản vẽ, tài liệu do Trung Quốc soạn.
Ngày 03/3/1973 một “hội nghị tối cao” để thống nhất xây dựng cây cầu này tổ chức tại Phòng họp số 4 Nguyễn Cảnh Chân, Ba Đình, Hà Nội. Hội nghị có mặt đầy đủ các vị lãnh đạo cao nhất: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cùng các lãnh đạo cấp cao khác. Cuộc họp này thảo luận nhiều vấn đề để xây dựng cây cầu. Về tên gọi cho cây cầu tương lai, tại cuộc họp này Chủ tịch Trường Chinh đề nghị tên gọi cho cây cầu là “CẦU THĂNG LONG”.
Và cây cầu này chính thức mang tên gọi như thế cho đến bây giờ.
***
Đến đây loạt bài “Chuyện cũ cầu Thăng Long” xin phép tạm khép lại. Chuyện về cây cầu này chưa phải đã hết. Thời gian tới có dịp tôi sẽ kể thêm về nó dưới dạng các chuyện riêng lẻ và nhất là các chuyện về Hà Nội.
Hy vọng sẽ không để các bạn phải thất vọng. Hẹn gặp trong các bài tới trên số báo Câu chuyện Pháp luật đầu tiên của năm 2022.