Bất kể thời điểm nào, từ khuya đến rạng sáng, hễ có khách gọi điện thoại yêu cầu là những người giao hàng đêm lại lên đường làm việc. Nhập vai trải nghiệm, mới hiểu hết được mưu sinh từ công việc này là không dễ dàng.
Có xe máy, rành đường là được tuyển dụng
Để trở thành người giao hàng đêm không khó, khi giờ đây khá nhiều quán ăn có dịch vụ này. Chỉ cần tìm kiếm trên các trang rao vặt, đăng ký là có thể nhận được công việc ngay sau đó.
Đáp ứng đầy đủ các tiêu chí “xét tuyển”: có xe máy, rành đường, sức khỏe tốt, chịu được áp lực công việc…, chúng tôi được nhận vào làm từ 20 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau tại cửa hàng cơm tấm đêm khá nổi tiếng trên đường Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng, được hỗ trợ thêm tùy doanh thu mỗi đêm.
Những tưởng công việc nhẹ nhàng, cả chúng tôi và người đồng nghiệp mới, Lê Tuấn Vũ, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, tỏ vẻ háo hức. Thế nhưng thực tế không hề đơn giản như tôi nghĩ.
23 giờ, quán nhận điện thoại của khách quen, là cơ sở may mặc trên đường Thống Nhất (Q.Gò Vấp) yêu cầu giao 15 phần cơm. Tôi được chỉ định giao hàng. Đưa tờ giấy ghi địa chỉ, bà chủ bảo: “Nơi này cũng gần thôi, đi khoảng 12 phút là tới” khiến tôi khá an tâm. Ấy vậy mà, khi tìm đến được P.11 nhưng loay hoay hơn cả hai tiếng đồng hồ vẫn chẳng thể tìm ra đúng địa chỉ vì số nhà trên đoạn đường này rối tung rối mù, không theo một thứ tự nào cả. Khắp con phố chẳng một bóng người để hỏi đường, mỗi mình tôi lạc lõng giữa đêm khuya. Hết gọi điện về quán, rồi gọi điện đến khách, cuối cùng nhờ khách ra tận đường đón tôi mới thở phào nhẹ nhõm hoàn thành công việc. Nhìn đồng hồ, lúc này đã 1 giờ 30.
Tôi nghĩ bụng sự cố không tìm được địa chỉ ngay lần đầu tiên vào làm có lẽ là điều xui nhất mà những người giao hàng đêm gặp phải. Thế nhưng còn rất nhiều tình huống “bi kịch” khác.
“Muốn ăn đòn không” !
3 giờ sáng, tôi tiếp tục nhận lệnh giao cơm. Lần này khách hàng là người nuôi bệnh ở Bệnh viện 175. Khách gọi bảo đang đợi đứng trước cổng. Vậy mà chạy vòng khắp cổng chính đường Nguyễn Kiệm đến cổng sau đường Nguyễn Thái Sơn, tôi cũng chẳng thể tìm ra. Gọi điện thoại lại, bất ngờ nhận tín hiệu không liên lạc được. Thất thểu trở về với 5 hộp cơm, vừa về đến nơi chưa kịp giãi bày, đã bị bà chủ mắng té tát.
Vũ Bình An, sinh viên Trường CĐ Bách Việt, làm ở quán xôi ngon trên đường Võ Văn Ngân, Q.Thủ Đức, TP.HCM, kể có lúc chạy khắp các con hẻm để tìm địa chỉ giao cho khách, thay vì nhận lời cảm ơn và xứng đáng nhận được thêm tiền công, đã phải hứng chịu bao lời trách mắng thậm tệ.
“Có lần mình giao đồ ăn, nước uống và thuốc lá. Nhưng bị cho là mua không đúng yêu cầu. Họ trách tại sao mua thuốc con mèo mới mà không phải là thuốc con mèo cũ, nên họ tự ý bớt tiền công của mình luôn”, Bình An kể.
Còn Hoàng Phú Bình, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin, làm ở quán bánh bao đêm trên đường Vĩnh Hội, Q.4, nhớ lại có lần 1 giờ sáng phải giao đồ ăn trên đường Âu Dương Lân (Q.8). Đến nơi thấy cả nhóm đang ngồi đánh bài, gọi mãi chẳng ai thèm ra, rồi một thanh niên xăm trổ đầy mình bước ra với tiếng chửi thề và nói năng bặm trợn: “Để đánh hết ván chứ có gì mà kêu réo hoài vậy, muốn ăn đòn không?”. Bình chỉ biết xin lỗi và yêu cầu đưa tiền, nhưng tên này tiếp tục hung hăng: “Giờ đếch thích đưa tiền thì sao”. Thế rồi Bình đành ngậm ngùi lủi thủi ra về và lấy tiền túi đền cho chủ quán…
Hàng trăm ký cá, mực đổ ập lên đầu
Nếu như làm việc ở những dịch vụ ăn uống như: xôi ngon, cơm tấm ngon, bánh mì đêm..., không quá mệt mỏi, vì giao những hộp cơm, hộp xôi khá gọn nhẹ, thì ngược lại, việc vận chuyển những thùng hàng trăm ký là vô cùng vất vả.
Cổng chợ An Đông (Q.5, TP.HCM) lúc 20 giờ khá sôi động. Bởi đây là thời điểm những người giao hàng bắt đầu làm việc. Sở dĩ như vậy vì các chủ cơ sở kinh doanh giày dép, quần áo lo sợ việc vận chuyển hàng hóa cồng kềnh lúc ban ngày sẽ bị thổi phạt.
“Chở đến tiệm giày D.P. trên đường Nguyễn Thái Sơn, đi qua công viên Gia Định một đoạn sẽ thấy quán bên tay phải. Có gì thì gọi lại cho tao hoặc gọi đến số điện thoại của tiệm. Đêm nay chở nhiều đấy, cả 8.000 đôi, lo chạy rồi về tiếp tục”, ông chủ căn dặn.
Khệ nệ khuân vác từng bao tải giày nặng cả 60 kg chất lên xe, tôi vã mồ hôi như tắm. Cơ thể 50 kg mà chở đống hàng trên dưới 180 kg trên chiếc xe cũ, tôi chỉ biết “lạy trời phù hộ cho chuyến đi an toàn”. Vậy mà điều… không ước đã thấy. Lượt chở thứ ba, đến đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), dây bọc bị tuột, ba bao tải to nặng nghiêng ngả rồi cả người lẫn xe và hàng hóa ngã sóng xoài xuống đường. Cái cảnh vừa tự dựng xe rồi tự mình chất lại hàng trăm ký hàng ấy chẳng biết có người đi đường nào cảm thấy xót xa không, chứ bản thân tôi vô cùng ngao ngán.
Thế nhưng, tình huống nói trên của tôi không là gì so với hàng trăm ký cá, mực đổ ập lên đầu anh chàng Nguyễn Hoài Nhơn (22 tuổi, quê An Giang), người làm ở cơ sở kinh doanh hải sản trên đường Hoàng Diệu (Q.4, TP.HCM). Nhơn kể: Có lần, lúc 2 giờ sáng, chở hàng đến chợ Võ Thành Trang (đường Trường Chinh, Q.Tân Bình), do thắng gấp tránh người chạy xe ẩu, đã bị cả hàng trăm ký cá, mực đổ ập trên đầu, cả người từ trên xuống dưới bốc mùi hôi tanh không chịu nổi. “Thời điểm này thì ít người đi đường lắm, chỉ tự mình hốt từng con cá, con mực vào lại thôi”, Hoài Nhơn nhớ lại…
Mưu sinh kiếm tiền quả là chẳng dễ chút nào.