Chuyện cây cầu mang tên cô giáo cắm bản ở Buộc Mú

Cây cầu bắc qua con suối trước kia cô giáo Oanh từng cõng đàn học trò bản Buộc Mú đến lớp
Cây cầu bắc qua con suối trước kia cô giáo Oanh từng cõng đàn học trò bản Buộc Mú đến lớp
(PLO) - Sáu năm công tác ở vùng sâu, vùng xa, hơn hai năm “cắm bản”, sau hai năm được về dạy gần nhà, cây cầu bắc qua con suối nơi cô Oanh cõng đàn em nhỏ qua suối lại được đặt tên cô.

Tự hào cô giáo trẻ - người con của bản làng

Năm 1997, sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cô giáo Đặng Thị Oanh (SN 1976, trú tại xã Phúc Sơn, Anh Sơn, Nghệ An) được phân công lên công tác tại xã Na Ngoi, xã nghèo của huyện miền núi Kỳ Sơn.

Thời gian này do cuộc sống quá khó khăn, bà con chưa chú trọng đến việc học hành của con em mình nên việc vận động được học sinh đi học là một thành công lớn. Năm 2001 cô Oanh được phân công “cắm bản” tại điểm trường bản Buộc Mú, phụ trách lớp 2. 

Ngay ở trường tiểu học nơi trung tâm xã đã khó khăn rồi, rời trung tâm xã vào điểm trường thì càng vất vả hơn. “Thời điểm đó, có tiền cũng không biết tiêu gì vì đường sá khó khăn, có khi đi bộ cả ngày mới ra được đến trung tâm xã, ở đó mới có chợ.

Dân bản bao đời nay sinh sống ở đất này đi lại còn khổ huống chi mấy cô giáo người Kinh ở miền xuôi lên thì khổ lắm. Mấy năm trở lại đây, đường sá, xe máy cũng nhiều nên đi lại đỡ vất vả hơn… ”, ông Già Tồng Thù, Phó Công an xã Na Ngoi cho biết.

Vào “cắm bản” nhưng không có chỗ ở, các thầy cô được dân bản tạo điều kiện bằng cách cho góp gạo ăn hàng ngày, còn ông Già Tồng Thù cho cô giáo Oanh ở trong nhà như con cái. Sau những ngày bỡ ngỡ với cuộc sống mới, được sự quan tâm và gần gũi của bà con nên các thầy cô cũng đã quen dần với cuộc sống và bắt đầu dạy chữ. 

Tại Buộc Mú, nơi sinh sống của đồng bào Mông, đồng bào Khơ Mú, mùa đông cũng như mùa hè “giữa trưa chưa nắng, nửa ngày còn sương”, vì thế sáng sớm đến gần trưa và thời điểm bốn, năm giờ chiều sương giăng kín, đứng từ xa khó trông thấy rõ mặt nhau.

Mùa đông, tại mảnh đất cao hơn mặt nước biển 1.751m thì nhiệt độ từ 6-10 độ C, có thời điểm xuất hiện tuyết rơi. Vì thế, những cái lạnh thấu da, thấu thịt là “đặc sản” của mùa đông nơi đây. 

Thế nhưng, khó khăn nhất chưa phải là những thiếu thốn và khắc nghiệt của thời tiết mà là việc vận động được các em đến lớp, động viên các em không bỏ học giữa chừng. Vậy nên tại bản nghèo heo hút này, cô giáo Oanh cứ cặm cụi đến từng nhà vận động học trò đến lớp.

Đường đến điểm trường phải đi qua con suối rộng, mùa đông nước lạnh như dao cắt vào da thịt.

“Trời rét quá, nước buốt như cắn vào da, học trò không muốn đi học vì rét thì cô Oanh xắn quần, cõng từng đứa qua suối đó. Cô Oanh gầy, bé tí mà đứa học trò mô cũng cõng qua suối đến lớp học”, già Tồng Thù kể lại. 

Lấy tên cô giáo đặt tên cầu

Sau hai năm cắm bản, đến năm 2003 cô giáo Đặng Thị Oanh được chuyển về gần nhà, công tác tại Trường Tiểu học Phúc Sơn (Anh Sơn). Rời bản Buộc Mú, cô Oanh mang theo nỗi lo lắng khi con suối vẫn đang chảy xiết và lạnh căm mỗi mùa đông.

Năm 2003 cũng là năm Nhà nước quan tâm và khảo sát để xây dựng con đường vào bản Buộc Mú, một cây cầu mới đã được xây dựng bắc qua con suối ngày trước cô Oanh vẫn cõng các học trò đến trường. 

Điều đặc biệt là cây cầu này không giống những cây cầu khác trên địa bàn khi nó được dân bản thống nhất đặt tên là “Cầu cô Oanh”. Ông Giàng Xá Pia, một người dân bản chia sẻ: “Cầu cô Oanh là tên cô giáo Oanh đó, ngày trước cô dạy ở bản, sinh sống, ăn ở với bà con dân bản, hàng ngày xắn quần cõng học trò đi học.

Nhờ có cô giáo mà lớp trẻ có cái chữ trong đầu, biết vận dụng khoa học vào sản xuất, đời sống để dân bản đỡ nghèo, đỡ khổ hơn. Vậy nên bà con trong bản đều mong muốn lấy tên cô đặt cho cây cầu, nguyện vọng này được chính quyền địa phương đồng ý…”. 

Trong trí nhớ của cậu học trò Già Bá Mùa (SN 1997) - học sinh cũ của cô giáo Oanh, vẫn còn nhớ như in ngày cô giáo cõng mình qua suối đến lớp. “Nếu ngày đó cô Oanh không đến dẫn đi học, không cõng qua suối thì chắc em đã bỏ học ở nhà đi rẫy rồi. Giờ em đã tốt nghiệp lớp 12, em đi nghĩa vụ quân sự để được góp sức bảo vệ Tổ quốc…”, Mùa nói. 

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, cô giáo Đặng Thị Oanh xúc động cho biết: “Mình cũng chỉ mới biết bà con đặt tên cầu bằng tên mình, từ ngày về do điều kiện đường sá xa xôi cách trở, thông tin liên lạc cũng chưa thông dụng nên cũng ít có thông tin gì về bà con trên đó. Việc đặt tên cầu khiến mình rất cảm động.

Thật lòng việc mình cõng các em qua suối là việc làm hết sức tự nhiên. Xuất phát từ tình yêu nghề, yêu học trò, các thầy cô giáo khác cũng đều cõng các em qua suối như vậy. Không hề nghĩ được dân bản nhớ và quý mến mình, lấy tên đặt cho cầu như thế...”. 

Giờ đây, cô Oanh vẫn miệt mài ngày ngày đến lớp dạy chữ cho các em nhỏ tại xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn), cũng là một vùng miền núi nhưng điều kiện đỡ vất vả hơn. Có một điều không thay đổi ở cô giáo Oanh là cô vẫn yêu nghề, tận tụy, tận tâm với lớp lớp bao thế hệ học trò và vẫn luôn nhớ về lũ học trò ở bản Buộc Mú, nơi cô đã từng gắn bó những tháng ngày tuổi trẻ gian khổ mà tràn đầy nhiệt huyết, mê say với sự nghiệp “trồng người”.  

Khi cô giáo “cắm bản” trở thành “bà đỡ”

Chỉ vào bức ảnh gia đình ông Thù cho biết thêm, nhà có 4 đứa thì ba đứa đều ngồi trên lưng cô Oanh đến lớp cả. Ông nhớ lại kỷ niệm không thể nào quên là là ngày đứa con út của ông ra đời. Từ bao đời nay, người Mông thường tự sinh ở nhà, hôm đó vợ ông Thù chuyển dạ sinh thì ông tự đỡ đẻ cho vợ. Nhưng vợ sinh khó nên mãi vẫn không sinh được.

Khi đó cô giáo trẻ chưa một lần sinh nở đã vận dụng những kiến thức đọc được trong sách để tiến hành đỡ đẻ cho vợ ông. Con gái ông Thù bị ngạt thở, trong cuốn sách có ghi trẻ sơ sinh bị ngạt phải dốc ngược lên, phát mạnh vào mông, cô Oanh làm theo sách. Thật may mắn và kỳ diệu, cháu bé đã khóc rồi thở bình thường.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.