Từ bỏ những “trò chơi”… vô hạn
Thời gian qua, một bài diễn thuyết của nữ sinh viên sau 10 năm tốt nghiệp đã gây bão mạng xã hội khi nói về việc bản thân đi tìm chính bản thân mình? Sự nỗ lực để trở thành phiên bản hoàn thiện của chính mình, chứ không phải vì sự so đo, để trở thành một ai đó trong “trò chơi” ganh đua bất tận của đời người! Cô viết:
“Tôi là Chi, sinh viên K98 khoa Mỹ Thuật trường Đại học Đài Loan. Khi tôi 5 tuổi, tôi đã biết được đời này mình sẽ trở thành một nhà nghệ thuật. Năm 18 tuổi, khi đăng ký chuyên ngành đại học, tôi chỉ chọn một khoa, đó là khoa thiết kế của trường đại học Đài Loan, đó là ước nguyện duy nhất của tôi.
Xuất thân sẽ không quyết định việc bạn trở thành một người như thế nào. Chỉ có chính bạn mới có thể quyết định bạn là ai. Đừng oán trời trách người hay hận đời, dù là việc tốt hay điều xấu thì đều có ý nghĩa cả, bởi chúng sẽ khiến bạn trở thành một người tốt hơn. Sau 30 tuổi, tôi phát hiện ra rằng, thế giới này thực ra rất công bằng.
Những người bạn tài ba, những đứa trẻ con nhà giàu, những người bạn du học nước ngoài trước đây luôn là những người có điều kiện tốt hơn tôi rất rất nhiều. Nhưng sau 10 năm tốt nghiệp, có những người phải làm những công việc mà họ không thích, có những người thường xuyên kêu than oán trách cuộc sống.
24 tuổi một mình đơn độc đến Mỹ du học, 26 tuổi tốt nghiệp nghiên cứu sinh, 27 tuổi trả hết các khoản nợ học phí, 29 tuổi giảng dạy tại Trường Nghệ thuật Thị giác New York, 30 tuổi xuất bản tự truyện cá nhân.
Nếu cuộc đời cho bạn quả chanh, vậy thì bạn hãy làm nước chanh ép. Hành trình đường đi của mỗi người đều không giống nhau, mỗi người một vẻ, không cần ai phải ngưỡng mộ ai. Hãy trân trọng tất cả những gì mình có, là một người lương thiện vui vẻ hơn rất nhiều so với một người hay phẫn nộ oán thán.
Tôi đã từng khao khát thế giới này khẳng định mình, tôi hy vọng tất cả các bậc phụ huynh, bạn học đều yêu quý tôi. Vậy nên tôi bắt đầu tham gia đủ các cuộc thi, biến mình trở thành một sinh viên tốt trong trường đại học. Hết lòng theo đuổi thứ bậc, xếp hạng, cạnh tranh điểm số. Tôi rất muốn có thể nhanh chóng thành công, để thế giới này có thể nhìn thấy tôi. Tôi muốn lấy lòng tất cả mọi người, nhưng trớ trêu thay tôi lại lúc chìm lúc nổi trong mắt họ, khiến tôi đánh mất mình, trở thành một người mà ngay đến bản thân tôi cũng không thể yêu thương nổi. Stress, trầm cảm giày vò tôi suốt 6 năm liền mãi cho tới khi tôi đi làm, ra nước ngoài và tốt nghiệp nghiên cứu sinh.
“Tôi quyết định từ bỏ theo đuổi tất cả những trò chơi vô hạn, trẻ so thành tích, ra xã hội so thu nhập, so xe ai đắt hơn, nhà ai mua nhiều tiền hơn, so ai lấy chồng sớm hơn, ai sinh con nhanh hơn. Sinh con xong vẫn chưa đủ, lại bắt đầu so đo con ai học giỏi hơn. Ai nấy cũng đều cố gắng hết sức để trở thành một người tốt hơn người khác về mọi mặt. Dù bao nhiêu tuổi cũng không thể so đo hết được, đau khổ vẫn mãi tồn tại”...
Hãy làm phiên bản tuyệt vời nhất của chính mình, thế giới có thể không tốt đẹp hơn, nhưng bạn nhất định phải dũng cảm, kiên cường và bất khuất hơn.
Chúng ta nợ bản thân một lời xin lỗi?
“Con gái yêu quý!
Tối qua, bố vừa nhận được tin nhắn của con. Con nói, con ly hôn rồi. Con còn nói xin lỗi bố, vì con ly hôn nên bố phải mất mặt với người ta. Nói gì ngốc vậy không biết, con chẳng làm gì có lỗi với bố, càng không làm xấu mặt cả nhà mình. Bố rất buồn, vì bố luôn nghĩ con gái bố đang có một cuộc sống rất hạnh phúc, không ngờ con lại phải chịu đựng nhiều như thế. Bố cũng rất hối hận, tự trách mình vì khi trước không giúp con gái mình kiểm tra kỹ càng, cũng không chịu để tâm cẩn thận đến tình trạng hôn nhân của con khiến con gái rượu của bố phải nhìn thấy những u tối của cuộc đời chỉ trong vài năm ngắn ngủi và phải nếm trải những cay đắng mà hơn 20 năm qua con chưa từng phải trải qua.
Nhưng đối với bố, một người đã kết hôn hơn 30 năm, cảm nhận lớn nhất của bố chính là: Ý nghĩa cốt yếu nhất của một cuộc hôn nhân nên là khi hai người ở bên nhau, họ có cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn so với khi chỉ có một mình. Nếu nửa kia của con không thể che chở cho con trước giông tố cuộc đời, mà chính anh ta lại trở thành giông tố, thì tại sao lại phải kết hôn?
Giá trị đích thực của hôn nhân đôi khi không nằm ở sự đúng sai chính yếu mà nằm ở những chi tiết hết sức nhỏ nhặt. Đó là khi trời lạnh, có người nhắc con mặc thêm áo ấm; Đó là khi con tăng ca về khuya, trong nhà vẫn có ánh đèn đợi con về; Đó là khi con gặp chuyện buồn hay khó chịu, luôn có người sẵn sàng lắng nghe con; Mọi khoảng sáng tối của cuộc đời con đều có một người đồng hành, vui vì niềm vui của con, buồn vì nỗi buồn của con. Nếu không có những thứ này, hai người sẽ không thể bên nhau dài lâu được.
Hôn nhân là để hạnh phúc, vậy thì ly hôn cũng là để hạnh phúc. Tất cả những gì đến rồi đi, đều là vì nhân danh tình yêu. Bố có rất nhiều bạn bè, hồi con cái còn đi học thì nhất quyết không cho yêu đương, đến khi con cái vừa tốt nghiệp thì lập tức giục giã kết hôn, sinh con như thể đó là nhiệm vụ vậy. Điều này đã khiến nhiều thanh niên có mối quan hệ hết sức căng thẳng với phụ huynh, hoặc không chúng cố lấy cho bố mẹ vừa lòng nhưng cuối cùng không hạnh phúc, vậy mà vẫn phải cắn răng chịu đựng.
Với bố mẹ, con không cần phải đóng vai một người vợ, không cần phải đóng vai một cô con dâu, càng không cần phải đóng vai một cô con gái tốt. Bố mẹ chỉ muốn con là chính mình và sống tốt cuộc đời của con thôi: tự do, tự chủ, tự lập, tự yêu bản thân. Đừng quên rằng, bố mẹ mãi mãi là chỗ dựa của con, bố mẹ lúc nào cũng mong con hạnh phúc. Nơi nào có bố mẹ, nơi đó sẽ là nhà của con”...
Có thể nói, theo lẽ thường, như ông bố nói trong thư, rằng nhiều cha mẹ nhất định phải nhìn thấy con bước vào hôn nhân mới yên tâm. Và nếu có đổ vỡ thì xem như con mình đã thất bại… Vì lẽ đó, nhiều người đã chấp nhận sống một đời với người mà mình thậm chí “ hận và ghét”. Tất cả như một liều thuốc độc trong cuộc đời họ. Khi con cái phải sống vì người khác, vì giữ thể diện hay để cha mẹ tự hào, họ thường phải giấu đi nước mắt, đau buồn của chính họ…
Trong khi đó, như nhà văn Nguyễn Phong Việt trong cuốn sách: “Chúng ta sống có vui không?”, đã đưa nhiều trăn trở. Rằng cuộc đời của một con người, càng đi nhiều, càng làm nhiều thì lời xin lỗi sẽ càng được nói ra nhiều. Nhưng, thực tế trong một ngàn, một trăm ngàn hay có khi cả triệu lời xin lỗi ấy, có lúc nào đó chúng ta dành một lời xin lỗi cho chính bản thân mình! Xin lỗi vì đã để bản thân mình trải qua tất cả những điều tệ hại ấy mà không một lời hỏi han! Xin lỗi, vì đã để chúng ta đi qua quá nhiều cơn đau mới có thể trưởng thành!
Bạn sẽ không bao giờ biết những thành quả mà người khác có được ngày hôm nay đã phải đánh đổi bao nhiêu tâm sức và thời gian, bao nhiêu mồ hôi lẫn nước mắt.
Chúng ta sống có vui không? Thật sự là phần lớn chúng ta không vui. Chúng ta học cách nép mình ở đâu đó bên cạnh cuộc đời, kiểu có những ngày yêu điên cuồng nhưng cũng có những ngày hận đến tận xương tủy. Chúng ta học cách tặc lưỡi từ bé nhưng trong thâm tâm vẫn giữ lại mọi thứ như một mũi kim đâm, không rỉ máu nhưng cứ ngấm ngầm đau. Nhất là chúng ta đang cố gắng cười rất nhiều trong lúc chúng ta đang bước đi…
Bởi thường thì, khi còn là một đứa trẻ, người ta hay hỏi chúng ta, con có ngoan không, học có giỏi không? Lớn lên chút thì học đứng thứ mấy. Lớn hơn nữa thì học trường gì, nghề gì. Ra trường thì hỏi đi làm chưa, lương được bao nhiêu tiền. Có tiền rồi thì người ta hỏi tài sản như thế nào, nhiều hay ít…
Người ta thường hỏi nhau về danh vọng, tham vọng, người ta ít hỏi nhau về hạnh phúc. Người ta ít khi hỏi nhau sống có vui không, có thấy cuộc sống hạnh phúc không? Không chỉ đối với người khác, thậm chí chúng ta cũng quên luôn việc hỏi chính mình câu hỏi đó… Để yêu thương bản thân mình hơn một chút! Đó là khi đã đi qua nhiều nỗi đau để trưởng thành, chúng ta biết đủ, và biết chạm tới trái tim người khác. Bằng những nỗi vui, sự trân trọng, và biết ơn cuộc sống nhiều hơn mỗi ngày!...
Trong lá thư gửi người trẻ Việt, giáo sư John Vũ - Nguyên Phong, nhà khoa học nổi tiếng Mỹ, đưa ra quan niệm về thành công và hạnh phúc. Theo ông, yếu tố quyết định nằm ở việc chủ động chăm lo sức khỏe. Đây là tài sản quý giá nhất của con người, không có điều này, thành công và hạnh phúc đều vô nghĩa.
Thực tế, với chất lượng không khí ở mức ô nhiễm nặng, thực phẩm bẩn, thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh, Việt Nam có tỷ lệ tử vong do ung thư cao hàng đầu châu Á. Trong khi đó, tỷ lệ đột quỵ não tăng ở người trẻ độ tuổi 25-40, chiếm 25-35% trên tổng ca tai biến mạch máu não. Và đó còn là sự trầm cảm ngày càng gia tăng trong giới trẻ. Dù thành công hay thất bại, họ đều phải vượt qua những “ vấn đề” của bản thân như áp lực “con người ta” để cha mẹ tự hào; áp lực thành đạt về công việc, hôn nhân, con cái… Và người ta tới một lúc nào đó, thật sự quay cuồng trong vòng xoáy đó, nếu không tự mình thoát ra…