Thay sổ hộ khẩu bằng CMND?
Theo Tờ trình của Chính phủ, tới đây sẽ có một số thay đổi quan trọng trong việc cấp CMND cho công dân. Để bảo đảm đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, số CMND được quy định là số định danh cá nhân được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, là dãy số tự nhiên gồm 12 số, được cấp cho mỗi công dân Việt Nam và không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu về căn cước và dữ liệu khác về công dân. Đây chính là chìa khóa giúp khai thác các thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân cũng như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà không phải yêu cầu công dân xuất trình nhiều giấy tờ không cần thiết.
Mặt khác, nếu như trước đây số CMND sẽ thay đổi khi công dân thay đổi nơi thường trú từ tỉnh này sang tỉnh khác nên rất khó quản lý vì có thể lặp lại ở người khác thì nay Dự thảo Luật quy định số CMND là số định danh cá nhân và gắn với riêng công dân đó, không lặp lại ở người khác. Trường hợp đổi, cấp lại CMND thì số CMND vẫn giữ đúng theo số ghi trên CMND đã cấp lần đầu.
Cũng theo Chính phủ, về lâu dài, có thể nghiên cứu tiến tới dùng CMND thay cho sổ hộ khẩu. CMND cũng còn có thể dùng để thay thế một số giấy tờ liên quan khác mà khi cần giao dịch, đi lại công dân có thể chỉ sử dụng CMND.
Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đặt câu hỏi: CMND thay sổ hộ khẩu có bảo đảm thuận lợi hơn cho dân không, vì trên CMND thể hiện được rất ít dữ liệu. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đặt vấn đề: có nên thay CMND bằng Thẻ căn cước vì CMND thì chỉ có số định danh, ngày sinh, quê quán?. Ông Lý cũng lưu ý Dự luật phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp nhưng cũng không được “chạm” đến những bí mật về đời tư cá nhân.
Không hạn chế làm thủ tục cấp CMND cho người tâm thần
Pháp luật về căn cước công dân hiện hành quy định thời hạn sử dụng của CMND là 15 năm, kể từ ngày cấp. Tuy nhiên theo Chính phủ, quy định này chưa phù hợp. Do đó, Dự thảo Luật quy định theo hướng thời hạn sử dụng của CMND tương thích với từng độ tuổi nhất định; trong đó, thời hạn sử dụng CMND kể từ ngày cấp là 10 năm đối với người từ 15 tuổi đến dưới 25 tuổi, 15 năm đối với người từ đủ 25 tuổi đến dưới 55 tuổi. Người từ đủ 55 tuổi trở lên thì không xác định thời hạn.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đề nghị làm rõ cơ sở của việc phân chia thời hạn sử dụng này, đồng thời đánh giá rõ tác động của việc này đến xã hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nếu không xác định thời hạn sử dụng đối với người 55 tuổi trở lên thì cũng chưa hợp lý vì giai đoạn này, con người cũng có nhiều thay đổi. Phó Chủ tịch cũng lưu ý Luật này bên cạnh mục tiêu quản lý nhà nước thì phải thực sự thuận lợi cho dân, đặc biệt phải đơn giản về thủ tục hành chính.
Một điểm đáng chú ý của Dự thảo Luật được nhiều ý kiến tán thành là việc không hạn chế người làm thủ tục cấp CMND, kể cả người đang bị tạm giữ, tạm giam; đang chấp hành án phạt tù; đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình. Quy định này nhằm bảo đảm quyền được cấp CMND của công dân để phục vụ giao dịch, đi lại.