Thừa nhận việc 12 hộ dân đã bị ngừng cấp nước sạch từ ngày 23/6, đại diện chủ đầu tư (Cty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt) lý giải, đây là biện pháp “cực chẳng đã” nhưng đúng quy định vì các hộ này đều đã nợ phí dịch vụ quản lý chung cư cả năm nay, dù đã được nhắc nợ và cảnh báo cắt nước nhiều lần.
Bị ngừng cấp nước do nợ phí dịch vụ
Theo tìm hiểu của phóng viên thì trước khi việc cắt nước xảy ra, giữa chủ đầu tư và một số hộ dân đã có nhiều mâu thuẫn liên quan đến việc tính diện tích căn hộ. Trong khi hai bên chưa thống nhất được cách tính diện tích để thanh lý hợp đồng, làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (CNQSDĐ, QSHNO) thì một số dân đã phản ứng và gây áp lực bằng cách không đóng phí dịch vụ.
Trước diễn biến này, Cty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt đã từng có báo cáo về những vướng mắc trong quá trình làm Sổ hồng và vận hành tòa nhà, gửi UBND phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), cho biết: Theo hợp đồng đã ký kết thì phí dịch vụ là 8.800đ/m2. Do thời gian đầu đang hoàn thiện về hạ tầng nên chủ đầu tư thu phí dịch vụ 6.600đ/m2.
Tuy nhiên, có một số hộ dân vẫn cố tình không chịu nộp phí, nhưng lại luôn yêu cầu phải phục vụ tốt nhất... Vì vậy, Ban Quản lý (BQL) tòa nhà đã ra thông báo, nếu hộ nào cố ý chây ì không đóng phí dịch vụ sẽ tiến hành biện pháp cắt nước sinh hoạt (vì tiền điện máy bơm nước được chi trả từ nguồn thu phí dịch vụ).
Lý giải rõ hơn về căn cứ pháp lý khi cắt nước, đại diện BQL tòa nhà cho biết, theo quy định tại Điều 3 Thông tư 37/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng thì trong các chi phí cấu thành giá dịch vụ nhà chung cư có chi phí sử dụng năng lượng cho máy bơm nước và chi phí nhân công điều khiển và duy trì hoạt động hệ thống máy bơm nước.
Điều 9 của Thông tư này cũng quy định rõ: “Trường hợp xảy ra tranh chấp về giá dịch vụ nhà chung cư thì doanh nghiệp quản lý vận hành được tạm thu theo mức giá trần hoặc giá trong khung giá dịch vụ nhà chung cư do UBND cấp tỉnh ban hành cho đến khi giải quyết xong tranh chấp.
Ngoài ra, tại Phụ lục của hợp đồng mua bán căn hộ (mà các hộ đã ký kết) có ghi rõ, người sử dụng nhà chung cư phải đóng đầy đủ, đúng thời hạn kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư và các chi phí khác theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận với nhà cung cấp dịch vụ.
Theo chủ đầu tư thì còn khoảng 100 hộ dân nợ tiền phí dịch vụ từ năm 2019 đến nay. |
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc BQL dự án cho biết: “Việc chủ đầu tư ngừng cấp nước không phải là việc làm “đột ngột” hay nhằm đúng ngày nắng nóng. Thực tế, chủ đầu tư và BQL tòa nhà đã nhiều lần thông báo cho cư dân về tình trạng nợ tiền dịch vụ và cảnh báo “việc chậm trả tiền dịch vụ không chỉ vi phạm nghĩa vụ thanh toán mà còn làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ tòa nhà”. Vì vậy, BQL tòa nhà sẽ ngừng cung cấp một số dịch vụ (trước hết là cấp nước sinh hoạt) đối với những hộ nợ tiền.
Gần nhất, vào ngày 20/6, BQL tòa nhà đã có Thông báo về lộ trình cắt nước cụ thể đối với từng nhóm hộ (theo tầng) và đến ngày 22/6 thì tiến hành cắt nước của 12 hộ đầu tiên.
“Thử hỏi, nếu đa số các hộ dân đều chây ỳ trả tiền phí dịch vụ thì chúng tôi lấy đâu ra kinh phí để duy trì hệ thống thang máy, điện chiếu sáng, thu gom rác, vệ sinh môi trường khu vực?” - bà An nói.
Nợ tiền nhằm gây sức ép có hợp lý?
Cùng quan điểm với bà An, bà N.T.D (ở toà B chung cư Thống Nhất Complex) cho hay: “Những người cố tình không đóng phí dịch vụ mà cũng được hưởng đầy đủ các dịch vụ như chúng tôi là không công bằng.
Nếu các hộ không đồng ý về diện tích thì có thể khiếu nại, khởi kiện hoặc cứ đóng trước rồi thừa thiếu tính sau, chứ không thể để nhà đóng tiền đầy đủ mà bị ảnh hưởng được, nhất là vừa rồi xuất hiện cả cảnh tắm táp nơi công cộng, mất mỹ quan. Hiện, chúng tôi đang đề nghị lắp điều hòa ở sảnh chung cư và thang máy mà cứ xuất hiện tình trạng nợ phí dịch vụ như thế này thì biết đến bao giờ mới thực hiện được?”.
Nói về việc tính toán diện tích căn hộ, ông Nguyễn Công Hải, Phòng Kinh doanh Cty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt cho biết, hiện đã có khoảng hơn 50% số hộ đã thống nhất cách tính diện tích với chủ đầu tư và thanh toán đầy đủ nên đã được cấp Giấy CNQSDĐ và QSHNO.
Đối với những hộ còn thắc mắc, chúng tôi đã nêu rõ việc tính diện tích căn hộ được ghi trong hợp đồng mua bán (hợp đồng được Cục Cạnh tranh Bộ Công Thương thẩm định). Nếu các hộ không đồng ý thì có thể khởi kiện để tòa án ra phán quyết. Tuy nhiên, trong lúc này, khi đã nhận bàn giao căn hộ thì các gia đình đương nhiên vẫn phải đóng phí dịch vụ để BQL tòa nhà có kinh phí vận hành tòa nhà.
Cũng theo ông Hải thì chủ đầu tư cũng đã đề ra nhiều phương án trước khi thực hiện cắt nước như: Đề nghị các hộ tạm thời đóng phí dịch vụ theo thông báo đối với diện tích đã ký trong hợp đồng. Khi các bên thống nhất về diện tích nhà thì sẽ tính toán thừa thiếu để bù trừ sau.
Hoặc nếu hộ nào có khó khăn về tài chính thì có thể viết đơn trình bày hoàn cảnh để xin chậm nộp trong một thời hạn nhất định. Tuy nhiên, các hộ dân vẫn không chấp nhận đề nghị này mà lấy lý do không đồng ý về diện tích nên không đóng tiền.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Anh Vũ - Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung cho biết, quận và phường cũng đã làm việc với các hộ dân. Không thể có câu chuyện không đóng phí vì BQL cũng phải vận hành tòa nhà. Cách đấu tranh như vậy sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ khu chung cư và giá trị căn hộ cũng sẽ giảm xuống.
Không nên căng băng rôn gây ảnh hưởng đến người dân khác. Đấu tranh cũng theo hình thái văn minh, không thể gây bất ổn cho khu chung cư cũng như địa bàn quận. Quan điểm của phường là người dân cần hết sức kiềm chế vì cần có lộ trình, thống nhất thời gian tiếp xúc để tìm cách tháo gỡ.
Thời gian tới, UBND quận sẽ mời hai bên lên để tổ chức đối thoại và hướng dẫn bằng các quy định trong nghị định, thông tư cụ thể để hai bên hiểu rõ hơn về cách tính diện tích căn hộ. Nếu tiếp tục tranh chấp nữa thì phải ra tòa vì liên quan đến tranh chấp dân sự.
Cũng theo ông Vũ, UBND phường cũng đã khuyến cáo BQL nên mở lại nước vì đang trong thời điểm nắng nóng và có hộ dân có con nhỏ. Đối với người dân thì không lôi kéo, kích động, căng băng rôn nữa.