Theo ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, theo thống kê, đến năm 2018, trong các khu vực I di tích Kinh thành Huế có khoảng 4.200 hộ dân sinh sống, trong đó có gần 50% là hộ phụ. Trong khu vực Kinh thành có hơn 40 hồ nay đã bị lấp mất gần 1/5, số còn lại đang bị lấn chiếm, hoặc trở thành nơi xả rác, chất thải của người dân. Các loại động thực vật thủy sinh đặc trưng cho hệ thống ao hồ này gần như không còn hoặc còn rất ít, diện tích mặt nước hoang phế, cây cỏ dại, rong bèo mọc tràn lan.
Hiện tại xung quanh di tích Kinh thành Huế ngay trên khu vực Thượng Thành và các Vọng lâu tại các cổng thành vẫn còn hiện hữu 13 lô cốt quân sự bằng bê tông, được xây dựng lắp đặt trong giai đoạn trước năm 1975, gây phản cảm và còn là nơi tập trung tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến cảnh quan và giá trị di tích vì vậy cần có giải pháp tháo gỡ hoặc di chuyển.
Hiện tỉnh đã có đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng của khu vực I di tích Kinh thành, đang được chuẩn bị lấy ý kiến của các bộ, ngành và sau đó sẽ được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội . Sau khi thực hiện việc di dời, địa phương cũng sẽ bố trí kinh phí để cải tạo mặt bằng, trả lại nguyên trạng cho di tích, đồng thời triển khai trùng tu, tôn tạo và bảo tồn di tích ở khu vực Kinh thành Huế.