Để đấu tranh với các hành vi xâm hại động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm…, Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999 (sửa đổi 2009) quy định các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán… trái phép cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên thực tế điều luật này ít khi được áp dụng.
BLHS 2015 (đang được sửa đổi) cũng tiếp tục thể hiện quyết tâm đấu tranh với loại tội phạm này khi tăng mức hình phạt và sửa đổi cấu thành tội sang định lượng rõ ràng tại điều 244.
Không thể định giá?!
Ngay từ BLHS 1999, Việt Nam đã đưa các hành vi vận chuyển, buôn bán động vật nguy cấp, quý hiếm (nhóm IB) có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên sẽ xử lý hình sự theo quy định tại điều 190.
Tuy nhiên, để có thể định tội, các cơ quan tố tụng buộc phải làm thủ tục định giá mới có căn cứ. Nhưng trong thực tế, ngà voi, sừng tê giác không thể định giá và thiếu “thước đo” bao nhiêu là chuẩn nên dẫn đến không thể áp dụng luật.
Luật quy định hàng cấm có giá trị, nhưng khi trưng cầu giám định thì cơ quan giám định không thực hiện được vì hàng cấm không lưu hành trên thị trường nên không có cơ sở để so sánh, giám định. Từ đó không xác định được trị giá bao nhiêu tiền nên không xử lý hình sự được. Thế nên, trở ngại là không thể định giá đồng nghĩa với không thể định tội.
Thậm chí, cơ quan tố tụng còn loay hoay bởi, thông tư liên ngành số 19/2007/TTLT/BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC, ngày 08/03/2007) phụ lục kèm theo chỉ có loài tê giác một sừng (tê giác châu Á) thuộc diện nguy cấp, quý hiếm.
Trong khi đó, nhiều vụ buôn bán, vận chuyển chủ yếu là tê giác 2 sừng, có nguồn gốc Châu Phi. Đây chính là lý do khiến rất nhiều vụ án hình sự liên quan đến tội danh này khởi tố rồi lại đình chỉ, hoặc tạm đình chỉ chờ… hướng dẫn.
Gỡ nút thắt
Do điều 190 BLHS năm 1999 “bất khả thi” nên để xử lý các vụ án nói trên, các cơ quan tố tụng đã đề nghị khởi tố điều tra theo điều 155 BLHS về tội “Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm”.
Tuy nhiên, ở điều luật này cũng gặp vướng do chỉ quy định định tính là “số lượng lớn, rất lớn…” mà không định lượng là “bao nhiêu là lớn”. Do đó, dẫn đến việc không thể xác định được truy tố, xét xử ở khung nào nên lại phải… tạm đình chỉ chờ hướng dẫn.
Khắc phục bất cập nói trên, BLHS năm 2015 sửa đổi, quy định tại điều 244, chuyển sang định lượng như buôn bán từ 0,05 - 1kg sừng tê giác bị truy tố theo khoản 1.
Trước khi đợi BLHS 2015 có hiệu lực, VKSNDTC đã có công văn số 2140/VKSTC-V3 ngày 06/6/2016, xin ý kiến Tòa án Tối cao, Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an và được thống nhất phục hồi điều tra, xét xử tất cả các vụ án đã khởi tố, tạm đình chỉ trước ngày 1/7/2016, theo khoản 1, điều 155 BLHS năm 1999.
Theo tinh thần nói trên, các cơ quan tố tụng dường như phần nào đã gỡ được nút thắt tồn đọng của các vụ án.
Mới đây nhất, sau 1 lần đổi tội danh (từ buôn lậu sang vận chuyển hàng cấm), tạm đình chỉ vụ án, Công an TP. Hà Nội đã hoàn tất điều tra 1 vụ án tiêu biểu, đưa đối tượng Phạm Văn Luật (SN 1987, ngụ TP. Hải Phòng) ra truy tố, xét xử 12 tháng tù giam theo khoản 1, điều 155 BLHS về tội “vận chuyển hàng cấm”, khi đối tượng này vận chuyển hơn 50kg ngà voi.
Một vụ án khác, ngày 17/11/2016, Công tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố mới vụ án Trần Thị Tú có hành vi mua bán hơn 4kg sừng tê giác theo khoản 1 điều 155 mặc dù việc khởi tố này “có phần” ngược với tinh thần công văn của VKSTC khi chỉ áp dụng với các vụ án trước ngày 1/7/2016.
Liệu có bị “cào bằng”
Từ 2 vụ án nói trên cho thấy 2 điều:
Thứ nhất, với quy định công nhận án lệ hiện nay thì “mặc định” các vụ án liên quan đến loại tội phạm này sẽ có tiền lệ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1, điều 155, không phải theo điều 190 BLHS 1999, hay điều 244, BLHS 2015 khi có hiệu lực.
Như vậy, khi BLHS 2015 còn chưa được đưa vào thực tế thì đã có nguy cơ bị “ế”, giống như điều 190 trong BLHS tiền nhiệm.
Thứ hai, chưa biết khi nào BLHS 2015 sẽ được áp dụng vào thực tiễn. Chứ chưa nói tới hình thức công văn của VKSTC có đủ hiệu lực theo luật định làm căn cứ pháp lý xử lý các vụ án không? Dư luận rất băn khoăn cho rằng, việc áp dụng luật kiểu “cào bằng” như hiện nay là bất hợp lý.
Điều luật này quy định “Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn… Nhưng ngà voi, sừng tê giác thì hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định số lượng, khối lượng bao nhiêu thì là lớn như đã phân tích ở trên.
Vì vậy, theo công văn hướng dẫn của VKSTC thì dù mua bán 100g hay 1000kg đều được “cào bằng” theo khoản 1 điều 155. Từ đó, dẫn tới tính nghiêm minh của pháp luật không đủ sức răn đe và thiếu công bằng?
“Chúng tôi thấy rằng cần đấu tranh quyết liệt với các hành vi xâm hại động thực vật quý hiếm. Song tiếc là do bất cập của chính luật pháp nên đã xảy ra tình trạng lúng túng, không chuẩn trong việc xử lý. Đã đến lúc cần nhìn nhận thẳng thắn các vấn đề và có giải pháp giải quyết căn cơ đúng luật, tránh tình trạng “cái sảy nảy cái ung” tạo ra các án lệ gây vô hiệu, rối loạn việc thực thi luật pháp lâu dài”, luật sư Trần Hoàng Anh, Văn phòng luật sư Hoàng Anh& Các cộng sự bày tỏ.