Nhắm mắt thấy mùa hè
Em Trần Nguyễn Gia Hân (học lớp 8, sống tại Cầu Giấy, Hà Nội), tâm sự, gần hai tuần qua, hôm nào tâm trạng em cũng như “trên mây, trên gió”. Gia Hân không thể tập trung làm bài tập, nghe giảng ở trường. Mỗi buổi tối về, em lại nhớ kỳ nghỉ hè được về quê, đi biển, vui chơi, bơi lội với bạn bè, gia đình. Nhiều lúc, Hân liên tục giở cuốn lịch để bàn để tính toán các ngày lễ như Trung Thu, Giáng Sinh, Tết Dương lịch,... Em mong muốn được tiếp tục vui chơi, không cần lo học hành.
Gia Hân cho biết: “Mặc dù, trước ngày khai giảng, em và các bạn đều đã đến trường được gần một tháng để chuẩn bị năm học mới. Tuy nhiên, việc học tập khi đó khá đơn giản, bài tập về nhà ít, chủ yếu ôn lại kiến thức cũ. Vì vậy, áp lực học tập không nhiều”. Đối diện năm học mới dầy đặc lịch học thêm, học chính, khiến cho Hân suy sụp, mệt mỏi.
Tình trạng uể oải đầu năm học mới của học sinh, còn khiến nhiều phụ huynh lo lắng, liên tục đốc thúc con cái. Chị Nguyễn Thùy Linh (45 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội), có con đang học lớp 9 chia sẻ tâm lý “hậu nghỉ hè” của con mình. Được biết do năm nay là cuối cấp, nên mùa hè, gia đình chị đã cho con đi nghỉ mát, vui chơi thoải mái. Đến tháng 8, khi sắp nhập học, con chị Linh mới quay lại trường và bắt đầu các lớp học thêm. Tuy nhiên, lịch học rất nhẹ nhàng, một tuần con chị chỉ có khoảng 4 buổi đi học, chủ yếu học vào sáng. Chiều về là thời gian con chị đi học thêm, tham gia thể dục thể thao và vui chơi với bạn bè.
Chị Linh nặng nề than thở: “Cả tuần nay, tinh thần của con tôi rất uể oải. Cháu thường xuyên không làm bài tập và bị các thầy cô trên lớp nhắc nhở. Cháu cũng hay trốn các buổi học thêm để tham gia hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao. Năm nay là cuối cấp, nên tôi rất lo lắng, thường nhắc nhở cháu, nhưng chỉ nhận về những cái gật đầu thờ ơ”. Chị Linh từng dùng biện pháp mạnh như mắng mỏ, đe dọa, tuy nhiên, tình trạng càng trở nên tiêu cực hơn, con chị thậm chí còn bỏ ăn uống, trốn bố mẹ ra ngoài tham gia các hoạt động.
Tình trạng này không chỉ diễn ra ở các cấp học phổ thông, mà còn trở nên nặng nề hơn đối với những sinh viên. Nguyễn Nhật Linh (18 tuổi, Nam Định) vừa đỗ vào ngôi trường Đại học Kinh tế Quốc dân theo đúng nguyện vọng 1. Ngày đỗ, em và gia đình vui mừng, háo hức vô cùng, thậm chí Linh còn mất ngủ chờ đợi ngày nhập học. Thế nhưng, niềm vui chóng lụi tàn trong trái tim Linh, em bắt đầu bước vào những ngày đầu làm sinh viên. Cuộc sống xa nhà, tự lập, làm quen hàng loạt kiến thức mới mẻ, cách học khác xa cấp phổ thông khiến Linh choáng ngợp. Linh chỉ đợi đến cuối tuần để về nhà một hôm lại gặp đúng lúc mưa bão, khiến cô gái vô cùng hụt hẫng.
Nhật Linh tâm sự: “Cả đêm mưa bão em chỉ dám trùm chăn khóc. Tự nhiên nhớ về năm tháng học cấp III, ở trong vòng tay gia đình, bạn bè. Em đã cố gắng chấn chỉnh tinh thần, nhưng vẫn chưa có kết quả khả quan. Mỗi ngày, nghĩ đến đi học, em cảm thấy nặng nề, không quen”.
Mặc dù, chưa có tên gọi cho hội chứng “hậu nghỉ hè” của các em học sinh, sinh viên. Nhưng có một hội chứng gần giống với trường hợp này mang tên Holiday blues - hội chứng kỳ nghỉ mùa lễ hội. Triệu chứng phổ biến nhất của “căn bệnh” này là cảm giác buồn bã kéo dài hoặc lặp đi lặp lại với các cường độ khác nhau. Một số người có thể cảm thấy u sầu và lạc quan thay đổi liên tục trong ngày. Sau những kỳ nghỉ lễ dài ngày như Tết Nguyên Đán ở phương Đông, Giáng Sinh ở phương Tây, nhiều người mắc hội chứng này và phải cố gắng vượt qua, để quay trở lại với công việc, học tập.
Gần ba tháng nghỉ hè là một khoảng thời gian tương đối dài với học sinh, sinh viên. Trong khoảng thời gian này, các em tạm rời xa áp lực từ việc học tập, thi cử căng thẳng, dành thời gian vui chơi, nghỉ ngơi bên gia đình. Mặc dù, hiện nay, các trường tập trung nhập học từ cuối tháng 7, đầu tháng 8. Tuy nhiên, đây vẫn là thời gian lịch học các em tương đối nhẹ nhàng, ít bài tập, thời gian trên lớp ngắn. Vì vậy, sau khi khai giảng, học sinh đối mặt với cường độ học tập, học thêm, thi cử căng thẳng hơn dễ dẫn đến tâm lý “nhớ hè”.
Giả dụ, tâm lý này chỉ xuất hiện một thời gian đầu trong năm học thì không đáng lo lắng. Nhưng, nếu hội chứng “hậu nghỉ hè” kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy cho các em học sinh, sinh viên như chán học, “hổng” kiến thức, mất tập trung trên lớp, kết quả học tập không tốt.
Giúp học sinh, sinh viên dần dần vào guồng học tập
Có một số nguyên do khiến các em học sinh chán học “hậu nghỉ hè”. Đầu tiên, đó có thể do môi trường sinh hoạt, học tập thay đổi. Nhiều em mới chuyển trường, chuyển lớp, chuyển cấp, chưa kịp hòa nhập với bạn bè mới. Tâm lý cô đơn dễ khiến các em nhớ về kỳ nghỉ hè ấm áp, vui tươi. Thứ hai, có thể do học sinh phải xa bố mẹ, ông bà. Trong kỳ nghỉ hè và cả thời gian học hè, phần lớn các em đều có nhiều thời gian ở bên bố mẹ, ông bà. Vào năm học mới, các em phải bán trú cả ngày, dành 8 tiếng ở trên trường, khoảng thời gian đầu, nhiều học sinh cấp Trung học, Tiểu học, Mầm non có xu hướng nhớ gia đình. Ngoài ra áp lực học tập, thi cử liên miên, khiến học sinh mệt mỏi, không muốn đi học chỉ mong trở về ngày hè được vui chơi thỏa sức.
Để học sinh bắt nhịp học tập, đuổi kịp tiến độ trên lớp, cần có sự hỗ trợ của phụ huynh và giáo viên. Mỗi gia đình, thầy cô trên trường cần theo dõi sát sao các em học sinh để nhận ra được sự mất tập trung của học sinh, kịp thời dùng những biện pháp khéo léo, can thiệp và hỗ trợ các em.
Tâm lý hậu nghỉ hè khiến nhiều em chểnh mảng, không tập trung học tập. (Ảnh minh họa, nguồn: Vietnamnet) |
Cô Hoàng Thị Loan (THPT Bình Minh, Hà Nội), chia sẻ, trong những tuần đầu của năm học mới, cô thường tạo không gian thoải mái trong lớp học. Cô Loan sẽ cho các em học sinh trong lớp khởi động bằng các trò chơi lấy cảm hứng từ môn học. Thay vì giao nhiều bài tập về nhà, cô sẽ cho học sinh vừa học, ôn tập, nhớ bài ngay trên lớp. Đồng thời, với những học sinh có tâm lý chểnh mảng, uể oải đầu niên học, cô thường gọi các em phát biểu và động viên bằng lời khen ngợi. Cô Loan cho biết: “Thay vì tạo áp lực học tập ngay từ đầu năm cho các em học sinh, tôi dành khoảng hai tuần đầu khởi động giúp các em học sinh “lấy đà” chuẩn bị một năm học dài sắp tới. Đây là một cách giúp học sinh không ác cảm việc học tập và nuôi dưỡng trí tò mò, khám phá mỗi bài học cho các em”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thủy Tiên (phụ trách khối Tiểu học, Trung tâm Ngôn ngữ và EQ) cho biết, học sinh đang trong độ tuổi nhạy cảm về tâm sinh lý. Vì vậy, nếu như các em xuất hiện tình trạng uể oải, chán chường vào đầu năm học mới, phụ huynh không nên mắng mỏ, đe dọa, dùng roi vọt để ép các em vào khuôn khổ. Điều này tạo nên phản ứng tiêu cực, khiến học sinh sợ hãi và ác cảm với học tập. Thay vì sử dụng biện pháp nặng, phụ huynh nên dành thời gian để tâm sự, chia sẻ, tháo gỡ những “nút thắt” trong lòng của các em. Các bậc cha mẹ có thể cùng con lập bảng kế hoạch học tập, nghỉ ngơi, vui chơi cho học sinh. Thay vì cố ép học sinh chỉ chú tâm vào mỗi việc học tập, các gia đình nên cho con cái tham gia hoạt động thể thao, ngoại khóa thư giãn tinh thần.
Đối với sinh viên, Nguyễn Hải Linh (26 tuổi), hiện đang học Thạc sĩ ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ về cách luôn giữ “lửa” trong học tập. Cô cho biết, sau kỳ nghỉ dài ngày như nghỉ hè, nghỉ Tết Âm lịch, sinh viên có xu hướng chán học. Nhiều người thường xuyên trốn tiết, bỏ học vào khoảng thời gian đầu năm, gây ra hậu quả hổng kiến thức các môn chuyên ngành. Vì vậy, ngày từ đầu năm học mới, Hải Linh đã lên thời gian biểu học tập, đi làm, vui chơi. Cô nói: “Khi đã học ở bậc Đại học, Thạc sĩ, sẽ không ai nhắc nhở, thúc ép tôi học tập. Cho nên, tôi luôn giữ kỷ luật. Mỗi tuần thực hiện theo đúng kế hoạch, tôi sẽ tự thưởng cho mình một buổi đi chơi, xem phim, gặp gỡ bạn bè, ăn các món ngon lành. Đối với những tuần do lười biếng học tập, làm việc, tôi sẽ dùng ngày cuối tuần mượn tài liệu từ bạn bè ôn lại kiến thức và xử lý các công việc tồn đọng ở công ty”. Nhờ xây dựng nếp sống “ngăn nắp, gọn gàng” mà Hải Linh vẫn học lên những bậc cao hơn, với thành tích xuất sắc.