Sự thịnh suy của khí và vận khi gặp nhau
Khi vận dụng ngũ vận và lục khí, ta kết hợp can chi để ghi lại từng năm, chữ thứ nhất của thiên can là Giáp, chữ thứ nhất của địa chi là Tý, thiên can đặt trên, địa chi đặt dưới, kết hợp can chi rồi bắt đầu từ Giáp Tý mà tính đi. Một vòng tuần hoàn của Giáp và Tý là 60 năm, vì 10 thiên can chuyển hết 6 vòng, 12 địa chi chuyển hết 5 vòng.
Đem can chi kết hợp lại ta có quan hệ sinh khắc của vận và khí, để suy tính tình hình thịnh suy của việc gặp nhau ấy, từ đó có thể luận ra được sự biến hóa phức tạp của khí hậu. Sự thịnh suy của vận và khí gặp nhau là lấy quan hệ sinh khắc theo thuộc tính ngũ hành của ngũ vận và lục khí để thuyết minh. Có 5 tên gọi cho sự kết hợp đó, gồm: Thuận hóa (sinh khí vận); Thiên hình (khí khắc vận); Tiểu nghịch (vận sinh khí); Bất hòa (vận khắc khí); Thiên Phù (vận khí đồng nhau).
Năm tên gọi ở trên cũng là căn cứ tình hình vận và khí gặp nhau để chia ra năm loại lớn, trong 60 năm thì mỗi loại đều có 12 năm. Lý do phải phân chia ra 5 thứ thiên phận như trên là để tính khí hậu mỗi năm, phải tính ra được chỗ thịnh và suy để vận dụng vào cuộc sống.
Như năm Thuận hóa và năm Thiên hình, vì khí sinh vận và khí khắc vận là thuộc về khí thịnh vận suy, cho nên khi tính vận khí của năm ấy thì lấy lục khí làm chủ yếu, còn ngũ vận chỉ để tham khảo. Năm Tiểu nghịch và năm Bất hòa thì vận sinh khí và vận khắc khi là thuộc về vận thịnh khí suy, cho nên khi tính thì lấy ngũ vận làm chủ yếu và lục khí chỉ để tham khảo. Vào năm Thiên phù, đó là năm khí vận đồng nhau, lúc đó cần phải kết hợp cả hai mà vận dụng.
Ví như năm Mậu Tuất, thiên can Mậu thuộc Hỏa vận, địa chi Tuất là Thái dương hàn Thủy tư thiên khí, Thủy có thể khắc được hỏa, tức là khí khắc vận, cho nên năm ấy gọi là năm Thiên hình, năm đó lấy lục khí làm chủ của khí hậu. Hay như năm Ất Hợi, thiên can Ất thuộc Kim vận, địa chi Hợi là Quyết âm phong Mộc tư thiên khí, Kim có thể khắc được Mộc, như vận là vận khắc được khí, cho nên năm ấy gọi là năm Bất hòa, năm đó lấy ngũ vận làm chủ khí hậu…
Bình khí và cách vận dụng khí trong y học
Căn cứ vào tình hình khác nhau, khi kết hợp giữa vận và khí ta lại chia ra năm thứ niên phận khác nhau gọi là Thiên phù tuế hội, gồm: Thiên phù; Tuế hội; Thái ất Thiên phù; Đồng Thiên phù; Đồng Tuế hội. Người xưa dùng Thiên phù tuế hội để phân tích rõ tình hình chung mạnh hay yếu của khí hậy trong những năm ấy. Theo đó, năm Thiên phù và Đồng Thiên phù là những năm khí hậu biến hóa nhanh và mạnh, khí hậu trong năm Tuế hội, Đồng Tuế hội thì trì hoãn mà không mãnh liệt. Năm Thái ất Thiên phù thì khí hậu biến hóa rất khác thường.
Bình khí: Là chỉ vào khí không thái quá và không bất cập. Đem Ngũ hành phối hợp với thập can, chia ra hai loại Âm - Dương thì sẽ có 5 năm thái quá và 5 năm bất cập. Cụ thể như năm Mậu Thìn thì Mậu thuộc Hỏa vận thái quá, năm Thìn là Thái dương hàn Thủy tư thiên. Mậu Hỏa thái quá sẽ bị khí tư thiên hàn Thủy ức chế mà trở nên bình khí. Hay như năm Tân Hợi thì Tân là Thủy vận bất cập, niên chi Hợi thuộc Thủy ở phương Bắc, Thủy vận tuy bất cập nhưng được sự phù trợ của niên chi là phương Bắc nên cũng trở thành bình khí…
Học thuyết vận khí là phương pháp luận của đời xưa dùng để giải thích và suy tính sự biến hóa của khí hậu. Vận dụng học thuyết này vào y học, trước tiên là nói rõ sự ảnh hưởng của khí hậu biến hóa ảnh hưởng tới thân thể con người, trong đó chủ yếu là đề ra nhân tố gây bệnh của lục dâm. Căn cứ vào tính chất khác nhau của nguyên nhân gây bệnh rồi vận dụng và học thuyết Âm Dương, Ngũ hành để phân tích về tình hình phát bệnh trong thân thể mỗi người. Bên cạnh đó, thầy thuốc còn căn cứ vào chứng trạng khác nhau sau khi thân thể phát bệnh mà tổng hợp quy nạp, rút ra quy luật cơ bản của lục dâm gây nên bệnh, để giúp việc chẩn đoán, để xác định phương pháp chữa bệnh.
Trong sách Nội kinh có ghi, bất luận ngũ vận biến hóa hay lục khí biến hóa đều có thể gây bệnh cho con người, nhưng đem quan hệ giữa khí hậu biến hóa với bệnh tật mà xét thì quy luật cơ bản là thống nhất. Bệnh tật sinh ra chủ yếu là do khí hậu khắc với tạng khí mà gây nên, tiếp đó là bệnh và khí hậu gây ảnh hưởng đến tạng thuộc với khí ấy mà phát ra, cùng với đó là do ảnh hưởng của kinh mạch và quan hệ giữa biểu lý, tạng phủ mà phát bệnh.
Tựu chung lại, vì thuộc tính của nguyên nhân gây bệnh không giống nhau, do thể chất con người cũng khác nhau nên tạng phủ bị bệnh, chứng trạng của mỗi người cũng khác nhau. Nay đem sự bất cấp thái quá của ngũ vận và khí hậu biến hóa để xác định tình trạng bệnh tật cho mỗi người.
Như năm Đinh – Nhâm đều thuộc Mộc vận, Đinh là Mộc vận bất cập, Nhâm là Mộc vận thái quá. Mộc bất cập thì táo khí lưu hành (vượng thịnh), Mộc thái quá thì phong khí lưu hành (vượng thịnh), do đó tính chất ảnh hưởng đến con người khi khác bệnh đều có sự khác nhau. Những năm vượng thịnh thì mọi người phần nhiều bị chứng trung khí hư hàn, sườn vàn sườn cụt đau nhức, bụng dưới đau, bung trong sôi, đại tiện nhão, cơ thể nóng rét, ho mà tịt mũi…
Những năm Mộc thái quá, phong khí vượng thịnh, mọi người dễ bị bệnh tiêu hóa, ăn không tốt, chân tay mình đầy nặng nề yếu đuối, phiền muộn uất ức, bụng sôi, đầy trướng, nặng thì hay giận dữ, sinh các bệnh ở đầu, gây đau đầu, chóng mặt, hoa mắt… Trong đó các chứng tiết tả, ăn kém, mình nặng, phiền muộn, sôi ruột, bụng đầy thì thuộc Tỳ vị; chứng nóng nảy hay giận giữ, chóng mặt, chóng mặt, choáng đầu, đau cạnh sườn là bệnh thuộc Can.
Năm Tý – Ngọ là năm Thiếu âm quân Hỏa tư thiên, Dương minh táo Kim tại tuyền, khí tư thiên chủ về thượng bán niên, khí tại tuyền chủ về hạ bán niên, Khí hậu khác nhau cho nên tình hình phát bệnh trong một năm cũng khác nhau. Năm Thiếu âm tư thiên thì nhiệt ta vượng thịnh, con người phần nhiều bị tức trong ngực, phiền nóng, cổ khô, sườn bên mặt đầy, ngoài da đau nhức, nóng rét hoa suyễn thổ ra huyết, chảy máu cam… Những bệnh chứng kể trên đều liên quan đến tạng Tâm, Phế, Can.
Tóm lại, trong việc chẩn đoán trị liệu, kết hợp nguyên tắc ứng dụng học thuyết vận khí, chủ yếu là căn cứ vào tính chất của ngoại nhân và đặc điểm chứng trạng sau khi phát bệnh, đồng thời nắm vững công hiệu của khí trong vị thuốc, theo đó mà xác định việc chẩn đoán và xử phương.
Học thuyết vận khí là theo trên quan hệ khí hậu biến hóa với sự phát bệnh của người ta mà cung cấp tìa liệu, có lợi cho việc biện chứng khí lâm sàng, theo trên cơ sở biên chứng rõ ràng đúng đắn, nhắm đúng kết quả của việc biện chứng, mà lập pháp và chế phương dược chính xác. Cho nên, về nguyên tắc trị liệu thì căn cứ nội dung bàn ở các thiên vận khí trong Nội kinh và nguyên tắc chữa bệnh vận dụng trên lâm sàng là hoàn toàn thống nhất.
Tinh thần cơ bản là phong thì dùng thuốc phát tán khử phong; hỏa, nhiệt thì dùng thuốc thanh nhiệt tả hỏa, thấp thì dùng thuốc táo thấp lợi tiểu tiện; táo thì dùng thuốc thông hạ và nhuận táo; hàn thì dùng thuốc ôn nhiệt. Đó là căn cứ vào tính chất của lục khí mà định ra phép tắc chữa bệnh. Tuy nhiên, do khí gây bệnh khác nhau, chứng trạng của mỗi bệnh phát ra ở mỗi cơ thể khác nhau cho nên trong việc lập phương dùng thuốc cũng cần phải vận dụng linh hoạt.