Vụ việc bị vỡ lở, chủ tịch xã Xuân Phú cùng một giám đốc công ty xây dựng bị truy tố. Bài học trong vụ án này là các bị cáo dù không tư lợi, nhưng mang tội vì cách làm chưa đúng.
Theo lòng dân, mang tội gây thất thoát ngân sách
Cùng bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với bị cáo Dục trong vụ án là Trần Văn Mơ (SN 1952, ngụ thôn 2, xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội), nguyên giám đốc công ty TNHH Bắc Phương có trụ sở tại TP Hà Nội.
Vụ án bắt nguồn từ việc dân làng thôn Xuân Đông kiến nghị với chính quyền xây dựng đình làng. Tháng 1/2008, đại diện cho các tổ chức đoàn thể thôn ký đơn đề nghị gửi huyện ủy, UBND huyện, Đảng ủy xã xin hỗ trợ kinh phí xây dựng đình làng với số tiền 2 tỷ.
Trong khi đó cấp huyện có chủ trương đầu tư cho xã Xuân Phú xây dựng nhà văn hóa. Tuy nhiên nhân dân địa phương nhận thấy việc xây nhà văn hóa chưa cần thiết mà đình làng cần hơn. Do đó mọi người nêu ý kiến dùng số vốn huyện đầu tư xây nhà văn hóa chuyển sang xây đình làng.
Đến tháng 12/2008, Đảng ủy và UBND xã tổ chức họp bàn, nội dung biên bản xác định: Căn cứ theo đơn đề nghị của cấp ủy và cán bộ nhân dân thôn Xuân Đông, xin chuyển từ xây dựng nhà văn hóa thôn sang xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, thống nhất 100%.
Sau đó ông Đỗ Xuân Dục- Chủ tịch xã Xuân Phú nhiệm kỳ 2006-2011 và Bí thư Đảng ủy xã đã gặp và báo cáo với Bí thư huyện ủy, chủ tịch huyện. Cuối năm 2008, UBND huyện ký quyết định về việc hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách cho UBND xã Xuân Phú để xây dựng nhà mẫu giáo và nhà văn hóa, quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế xây dựng nhà văn hóa thôn Xuân Đông với tổng mức đầu tư hơn 657 triệu đồng.
Chủ tịch xã Xuân Phú sau đó đã giao ông Nguyễn Thanh Giản là nhân viên văn hóa xã hội của xã tổ chức thi công xây dựng đình làng. Việc thi công không kí hợp đồng, không có thiết kế bản vẽ thi công để làm hồ sơ giải ngân. Chủ tịch xã tìm cách hợp thức hóa để được giải ngân bằng cách ký khống hợp đồng xây dựng, biên bản thẩm định với Trần Văn Mơ là giám đốc công ty xây dựng.
Trong hồ sơ để tên công trình là xây dựng nhà văn hóa cộng đồng thôn Xuân Đông, nhưng thực chất xây dựng đình làng. Sau đó toàn bộ hồ sơ được trình thẩm định, trình chủ tịch huyện duyệt, ký. Đến ngày 31/12/2009 kho bạc nhà nước huyện chuyển tiền giải ngân.
Sự việc bị phát giác, các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, nhận thấy xã Xuân Phú không dùng tiền ngân sách xây nhà văn hóa mà dùng xây đình làng. Vụ việc được chuyển sang CQĐT.
CQĐT kết luận vào thời gian cuối năm 2008 để có kinh phí xây dựng đình chùa cho thôn Xuân Đông, ông Dục là chủ tịch xã đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình tổ chức việc xây dựng đình làng trước khi có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, bản vẽ kĩ thuật, tổng dự toán của chủ tịch huyện.
CQĐT cho rằng nguyên chủ tịch xã còn có hành vi ký khống hợp đồng xây dựng, biên bản nghiệm thu với công ty xây dựng khác để rút tiền hỗ trợ xây dựng của nhà nước, sử dụng sai mục đích, gây thất thoát hơn 1,1 tỷ đồng. Hành vi của ông Dục bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 281 BLHS.
Đối với Trần Văn Mơ là giám đốc công ty TNHH Bắc Phương mặc dù không trực tiếp thi công công trình nhưng đã lợi dụng chức vụ giám đốc cùng với ông Dục lập khống hợp đồng xây dựng, các biên bản nghiệm thu để rút tiền hỗ trợ của nhà nước. Hành vi bị quy vào tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với vai trò đồng phạm giúp sức.
Quá trình điều tra kết luận việc thẩm định công trình xây dựng nhà văn hóa cộng đồng thôn Xuân Đông đã không thực hiện đúng theo quyết định của UBND TP Hà Nội về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước.
Bị cáo khẳng định “vì dân”
Tại phiên tòa sơ thẩm đầu năm 2017, nguyên chủ tịch xã Xuân Phú cho biết những việc làm của mình là “lo cho dân”, bởi đã bao nhiêu năm thôn Xuân Đông không có đình làng. Qúa trình thi công, bậc cao niên trong thôn lập ra một tổ giám sát.
Ban đầu không có mẫu, các cụ đi tham quan làng khác để xây dựng đình. Sau đó mới tới việc làm hồ sơ thiết kế để “hợp lý hóa”. Bị cáo Dục khai đã xin ý kiến cấp trên được hơn 600 triệu, phần kinh phí còn lại do người dân đóng góp.
Đình xây dựng từ năm 2009 nhưng sau đó hết kinh phí nên dừng lại. Công trình đã hoàn thiện được khoảng 90%. Đến năm 2011, người dân đề nghị xã xin chi phí để xây dựng nốt. Thời điểm năm 2011 ông Dục nghỉ hưu, ba năm sau CQĐT vào cuộc điều tra thì bị truy tố. Bị cáo Dục biện hộ không hề có mục đích tư lợi. Ông này nhận lỗi vì quá nôn nóng thực hiện theo nguyện vọng nhân dân nên đã về tổ chức thi công.
Về phần bị cáo Mơ, cho biết trong việc xây đình ông không được hưởng lợi gì mà do nể nang tình cảm nên làm giúp chứng từ. Các hợp đồng, biên bản nghiệm thu của công ty đều do vị giám đốc này làm.
Ông Nguyễn Thanh Giản- nhân viên văn hóa xã hội của xã được chủ tịch xã giao tổ chức thi công cũng được triệu tập tới tòa. Ông này khai tự ứng tiền cá nhân hơn 1 tỷ đồng để xây đình làng. Mục đích để nhân dân sớm có nơi sinh hoạt tín ngưỡng.
Sau khi phía huyện “rót vốn” thiếu nên ông ý kiến. Số tiền ông Giản nhận lại được là 514 triệu đồng, còn lại chưa thấy trả lại nên mới có đơn kiến nghị gửi các cấp. Bản thân ông Giản tự nhận thấy việc làm của mình là sai trái khi đem tiền hỗ trợ xây nhà văn hóa công cộng đi xây đình làng. Sau khi vụ án bị khởi tố, con ông đã nộp 360 triệu đồng khắc phục hậu quả.
Khi được hỏi về lời khai của bị cáo Mơ, ông Giản cho biết đại diện các bậc cao niên trong xã nhờ ông giám đốc này kí hộ hai hạng mục là phần gác mái và hậu cung để hợp thức hóa thủ tục giải ngân: “Về lý ông Mơ sai, nhưng về tình thì vì vấn đề tâm linh nên ông ấy giúp đỡ dân làng”.
“Sau khi công an vào cuộc, ông Dục và ông Mơ bị khởi tố, tôi rất ăn năn. Giờ tiền chưa lấy được lại đẩy người khác vào tù. Mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo vì mục đích của hai người là tốt”, ông Giản nói.
Về phía đại diện chính quyền xã, cho rằng thôn Xuân Đông có từ lâu đời, sau thời gian dịch chuyển những giá trị văn hóa cũ mất đi nên đề nghị khôi phục. Đại diện chính quyền đề nghị xin lại số tiền các bị cáo nộp khắc phục hậu quả để xây dựng đình, nếu không công trình này sẽ bị bỏ hoang.
“Ông Dục trước đây là chủ tịch xã đã xin ý kiến các ngành nhất trí cho xây dựng. Đây là công trình mục đích cộng đồng, hơn nữa ông Dục đã nghỉ hưu nên mong nhận được hưởng khoan hồng của pháp luật”, đại diện xã Xuân Phú nêu ý kiến tại tòa.
Đại diện VKS nhận định bị cáo Dục đóng vai trò chính, bị cáo Mơ giúp sức gây thất thoát hàng tỷ đồng trong vụ án. Tuy nhiên, các bị cáo khai báo thành khẩn, khắc phục hậu quả, ông Dục là thương binh tổn hại 32% sức khỏe, ông Mơ là bệnh binh tổn hại 85% sức khỏe nên có tình tiết giảm nhẹ.
Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Dục 30 tháng tù cho hưởng án treo, bị cáo Mơ 18 tháng cho hưởng án treo cùng với tội danh “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong thi hành công vụ”.