Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, để giải quyết một cách căn bản tình trạng cá chết bất thường trên biển, trên sông, trong thời gian tới cơ quan chức năng không nên tập trung vào việc xử phạt, điều quan trọng hơn cả là công tác quản lý - bắt đầu từ khâu cho hình thành dự án, tiếp đến là quyết định lựa chọn dự án và tiêu chuẩn kỹ thuật để lập dự án.
Thưa ông, thời gian qua, hiện tượng cá chết hàng loạt không chỉ diễn ra trên biển mà còn cả trên sông, kênh rạch. Ông có suy nghĩ gì trước hiện tượng bất thường này?
- Đúng là thời gian vừa rồi có hiện tượng cá chết bất thường trên biển, sau đó có thêm một số hiện tượng trên sông. Với cá chết trên sông thì cơ quan chức năng đã phát hiện được nguyên nhân. Đó là việc làm kịp thời để buộc những đối tượng gây ra ảnh hưởng đền bù thiệt hại cho bà con. Đối với trên biển, việc tìm nguyên nhân và truy tìm thủ phạm gây ra tình trạng cá chết chưa được kết luận, vì vậy chúng ta vẫn dùng từ “cá chết bất thường”.
Tôi cho rằng cần phải nhanh chóng tìm ra nguyên nhân cũng như đối tượng gây ra ảnh hưởng để buộc đền bù thiệt hại cho bà con, cả thiệt hại trước mắt cũng như lâu dài.
Theo tôi, khi tìm ra nguyên nhân sẽ tìm ra được giải pháp để từ đó tránh ảnh hưởng đến nguồn lợi cá biển, vì cá biển là nguồn lợi để bà con ngư dân có một nghề để đánh bắt ven bờ phát triển bền vững lâu dài.
Qua việc này cũng chứng tỏ môi trường của chúng ta luôn luôn bị đe dọa bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau, buộc các cơ quan quản lý nhà nước cũng như cộng đồng xã hội cần tập trung chăm lo để có thể vừa phát triển sản xuất nhưng cũng vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ đời sống an sinh lâu dài của bà con chúng ta.
Ông Nguyễn Việt Thắng. |
Vừa qua, 9 cơ quan đã cùng nhau ký kết Chương trình phối hợp hành động hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt. Ông đánh giá như thế nào về nội dung của Chương trình nói trên?
- Tôi cho đây là Chương trình tương đối toàn diện, bao gồm cả việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và cả bị ảnh hưởng do cá chết bất thường. Hành động này rất đầy đủ và kịp thời. Cũng chính vì kịp thời nên bà con ở vùng bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và cá chết bất thường phần nào khắc phục được hậu quả, yên tâm tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là tấm lòng của tất cả mọi người dân trên đất nước và cả kiều bào ở nước ngoài đều hướng về vùng đồng bào đang gặp khó khăn.
Vậy Hội Nghề cá sẽ có những hoạt động gì để giám sát việc hỗ trợ cho bà con vùng bị ảnh hưởng bởi cá chết hàng loạt, thưa ông?
- Với tình trạng cá chết bất thường, buộc chúng ta phải làm những việc “bất thường” để cứu bà con ngư dân. Giám sát để nhằm bảo đảm việc hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích và là đóng góp để giúp bà con vượt qua khó khăn, có điều kiện chuẩn bị cho một mùa sản xuất tiếp theo, bởi vậy tôi cho rằng giám sát là việc làm bình thường và cần thiết.
Thưa ông, hiện cách hỗ trợ thì có khá nhiều, tuy nhiên đối với ngư dân thì sự hỗ trợ nào được coi là thiết thực nhất và cần được nhấn mạnh trong Chương trình hành động lần này?
- Với bà con ngư dân gặp khó khăn, Hội Nghề cá cũng có ý kiến là cần “cấp cứu” kịp thời, trước hết là đảm bảo đời sống cho bà con. Hiện đã có quyết định của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ về gạo, sau đó là hỗ trợ về bảo hiểm y tế. Nhưng chúng tôi cho rằng, chuẩn bị cho công cuộc sản xuất tiếp theo của bà con cũng quan trọng không kém, vì thế tới đây sẽ hỗ trợ cho bà con ngư dân có điều kiện chuyển đổi nghề để có thể chuyển sang tàu đánh bắt xa bờ hơn. Bên cạnh đó, trong thời gian chờ đợi, có thể hỗ trợ bà con chuyển sang một ngành nghề phù hợp khác…
Trước đây đã có không ít doanh nghiệp xả thải chất độc hại ra môi trường nước và bị xử phạt với mức tiền khá lớn. Tuy nhiên, tình trạng này không giảm mà thậm chí lại có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Ông có cho rằng chế tài hiện vẫn còn quá nhẹ đối với hành vi xả thải những chất độc hại ra môi trường?
- Về chế tài đúng là còn chưa đủ sức răn đe nên tình trạng trên vẫn còn tái diễn. Theo tôi, cái chính vẫn là bắt đầu từ khâu cho hình thành dự án, tiếp đến là quyết định lựa chọn dự án và tiêu chuẩn kỹ thuật để lập dự án. Đó mới là những khâu rất quan trọng và cần tập trung chứ không nên tập trung nhiều vào việc xử phạt. Bởi phạt là chuyện bất đắc dĩ và là việc cuối cùng phải làm để răn đe nhưng nó đã để lại những hậu quả rất lớn. Vì vậy chúng ta phải truy nguyên lại về Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường… để khi chọn lựa dự án phải bảo đảm cho sự phát triển bền vững và lâu dài - cả về an sinh cho xã hội và môi trường.
Trân trọng cảm ơn ông!