Hồi sinh sau những đợt sạt lở đất
Năm 2020, thiên tai, lũ quét, sạt lở đất đã gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn Quảng Nam. Vụ sạt lở kinh hoàng nhất đã xóa sạch 2 ngôi làng ở xã Trà Leng. Tổng mức thiệt hại ước tính trên 1.250 tỷ đồng. Trở thành khu dân cư mới sau hơn nửa năm từ khi xảy ra sự cố lở đất khiến hàng chục người chết và bị thương tại nóc Ông Đề (xã Trà Leng, Nam Trà My), Bằng La được kỳ vọng sẽ là mô hình điểm trong việc sắp xếp, ổn định dân cư miền núi sau thiên tai.
Khu dân cư rộng 6 ha, phân ra 81 nền đất làm nhà ở. Trước mắt, có 39 hộ bị sạt lở nhà hoàn toàn được bố trí, sau này tiếp tục thực hiện di dời các hộ ở vùng nguy cơ sạt lở cao trước mùa mưa bão năm 2021; còn lại là đất dự trữ và các công trình công cộng. Mỗi nhà rộng hơn 50 m2, trị giá 150 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp.
Để đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt cho người dân, bên cạnh việc hỗ trợ làm nhà, huyện Nam Trà My đã triển khai đầu tư đồng bộ đường giao thông nội bộ khu dân cư, hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống cấp điện cho các hộ dân. Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã đầu tư xây dựng công trình nhà sinh hoạt cộng đồng xã Trà Leng. Công trình có quy mô kiên cố 2 tầng, mô phỏng kiến trúc nhà sàn truyền thống, trong đó tầng 1 là không gian sinh hoạt chung, tầng 2 là không gian tổ chức hội họp. Công trình là nơi sinh hoạt cho bà con nhân dân bị sạt lở nhà cửa tại khu tái định cư mới, đồng thời thực hiện chức năng làm nơi tránh, trú khi có thiên tai xảy ra.
Dựng lại nhà cho người dân bị sạt lở đất. |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, qua 4 năm (2017 - 2020) triển khai thực hiện cơ chế sắp xếp, ổn định dân cư cho miền núi theo Nghị quyết 12 và Nghị quyết 31 của HĐND tỉnh, ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 385 tỷ đồng hỗ trợ 9 huyện miền núi thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư cho gần 7.000 hộ dân.
Tính đến cuối năm 2020, các địa phương đã giải ngân hơn 349 tỷ đồng, đạt 90,7% kế hoạch. Trong đó, hơn 181 tỷ đồng hỗ trợ san lấp nền nhà cho 6.095 hộ; hơn 134 tỷ đồng hỗ trợ di chuyển nhà cho 6.742 hộ; hơn 7,2 tỷ đồng hỗ trợ nước sinh hoạt; hơn 1,9 tỷ đồng hỗ trợ đất sản xuất cho 131 hộ dân với diện tích 150 ha/1 hộ...
Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn TP Sơn La đã xảy ra 5 vụ đá lăn nghiêm trọng, làm 1 người thiệt mạng, 2 người bị thương; 5 ngôi nhà bị hư hỏng, trong đó có 2 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn; hư hỏng mặt đường; thiệt hại nhiều diện tích cây trồng của các hộ gia đình…
Thành phố đã hỗ trợ di dời nhà ở khẩn cấp khỏi nơi đá lăn, sạt lở đất cho 4 hộ gia đình. Chỉ đạo khắc phục nguy cơ đá lăn tại tổ 2, phường Quyết Thắng; bản Lầu, phường Chiềng Lề; bản Pọng, xã Hua La; bản Púng, xã Chiềng Ngần; tổ 2, tổ 3 phường Quyết Tâm; bản Lả Mường xã Chiềng Xôm. Tổ chức phá gần 400 m3 đá có nguy cơ lăn tại các xã, phường, trong đó: Chiềng Ngần 153,6 m3; Hua La 137,52 m3; Quyết Tâm 69,95 m3; Chiềng Lề 35,06 m3; Chiềng Xôm 1,5 m3; Quyết Thắng 2 m3.
Tuy vậy, phương án di dời nhân dân đến khu vực an toàn chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài phải có quy hoạch khu sơ tán đảm bảo ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Lũ quét bất ngờ ập đến xóa sổ nhiều ngôi nhà ở vùng cao. |
Chủ động ứng phó khi các dự án di dời chưa triển khai
Xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An (Cao Bằng) hiện có 10 xóm, 936 hộ và 3.865 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng sinh sống. Không chỉ có Canh Biện, qua kiểm tra, rà soát đánh giá, trên địa bàn xã hiện có 2 điểm nguy cơ sạt lở cao là: Thang Tả, Nà Danh. Theo số liệu thống kê, rà soát của huyện Hòa An, huyện còn có 2 điểm khác tại xóm Nà Phung, xã Bình Dương và xóm 9 Bế Triều, thị trấn Nước Hai có nguy cơ sạt lở cao.
Ông Đàm Thanh Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa An cho biết, ngay đầu mùa mưa bão năm nay, UBND huyện Hòa An đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai phương án bố trí ổn định dân cư trong mùa mưa bão. Nhằm phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả thiên tai, với phương châm “4 tại chỗ”, UBND huyện đã bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư dự phòng, đảm bảo cho công tác ứng phó thiên tai năm 2021. Huyện cũng kiểm tra, rà soát các khu dân cư, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ven sông, suối, khu vực có nguy cơ cao về ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; chủ động phương án sơ tán dân đến nơi an toàn.
Một ngôi nhà bị phá hủy do đất đá từ núi cao sập xuống. |
Để xóa đi nỗi lo và những ám ảnh sạt lở cho đồng bào vùng cao, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư cho 7.821 hộ dân ở 9 huyện miền núi, trong đó gần 2.360 hộ vùng thiên tai đến nơi an toàn một cách bài bản và khoa học.
Theo thống kê từ Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Sơn La, thành phố đã triển khai Dự án đầu tư xây dựng bố trí dân cư vùng phòng tránh thiên tai sạt lở đất, lũ quét tại phường Chiềng Lề, xã Chiềng Xôm, đến nay, đã bố trí xong 51 hộ vùng sạt trượt đất tổ 10, phường Chiềng Lề. Dự kiến, thành phố sẽ bố trí cho 35 hộ gia đình sạt trượt thuộc tổ 10, phường Chiềng Lề đến tái định cư tại Noong Đúc, phường Chiềng Sinh vào quý IV/2021.
Dự án đầu tư khu tái định cư sạt lở đất tại bản Ót Luông, xã Chiềng Cọ có quy mô 1 ha, tiếp nhận 27 hộ gia đình. Tuy nhiên, đến nay chưa triển khai thực hiện được do thành phố chưa cân đối được nguồn vốn đầu tư xây dựng, các hộ gia đình chưa nhất trí đơn giá bồi thường. Hiện, UBND thành phố đang thực hiện rà soát, điều chỉnh lại Dự án.
Một khu tái định cư cho người dân bị lũ quét. |
Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND TP. Sơn La cho biết, trong năm 2020, thành phố đã kiểm tra khảo sát, thực hiện các phương án đảm bảo an toàn cho nhân dân trong vùng nguy cơ đá lăn tại xã Chiềng Ngần, phường Quyết Tâm, xã Hua La, xã Chiềng Xôm, xã Chiềng Đen, phường Quyết Thắng... Hỗ trợ kinh phí cho các địa phương triển khai phá dỡ các khối đá có nguy cơ bị lăn kịp thời; xây dựng phương án di dời dân trong trường hợp khẩn cấp.
Năm 2021, TP Sơn La đã kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, ban hành Lịch trực lũ bão từ ngày 5/5 - 31/10/2021. Cắm 15 biển cảnh báo phòng chống nguy cơ sạt lở đất, đá lăn… Thành phố chủ động phương án sẵn sàng đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Xây dựng kế hoạch trồng rừng, bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng nhằm hạn chế tối đa xảy ra lũ, sạt lở đất đá.
Bên cạnh đó, thành phố cũng chỉ đạo các xã, phường rà soát, cung cấp thông tin về các công trình trọng điểm, xung yếu trên địa bàn có nguy cơ rủi ro thiên tai cao trong năm 2021, đặc biệt ảnh hưởng đến dân cư, cở sở hạ tầng quan trọng. Tiếp tục rà soát các khu vực trọng điểm, vị trí xung yếu, để phát hiện và xử lý, khắc phục kịp thời các hiện tượng sạt lở đất, đá… đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.