Từ 10 năm nay, cách Đà Lạt gần 40km, cách sân bay Liên Khương 15km, ven QL20, tại khu vực hồ thủy điện Đại Ninh tổng công suất 300MW nổi tiếng từng có đường hầm dẫn nước thủy điện 11,2km dài nhất Việt Nam; còn tồn tại một dự án “nổi tiếng” không kém - “Dự án khu đô thị thương mại, dịch vụ, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh”.
Quảng cáo “thiên đường”, thực tế hoang phế
Dự án Đại Ninh do Cty CP Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh làm chủ đầu tư, diện tích 3595ha thuộc xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan (huyện Đức Trọng), được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào cuối 2010, thời gian triển khai xây dựng 2010 - 2018.
Dự án còn có tên gọi khác là “Khu đô thị Thương mại Du lịch Nghỉ dưỡng Sinh thái Nam Đà Lạt”, được quảng cáo rầm rộ trên nhiều website, giới thiệu bằng những từ hoa mỹ trên các bảng hiệu tại khu vực.
“Với tiêu chí mang lại sự sang trọng bậc nhất như cuộc sống Hoàng cung tại các phân khu biệt thự lâu dài, Khu đô thị nghỉ dưỡng do Tập đoàn đa quốc gia Meinhardt và Cty Sài Gòn - Đại Ninh cùng nhiều kiến trúc sư lừng danh của Pháp, Úc, Thụy Sỹ, Việt Nam tư vấn thiết kế. Hội kiến trúc sư danh tiếng này đã từng tư vấn thiết kế cho những tòa nhà nổi tiếng trên thế giới, các khách sạn 5 sao và nhiều dinh thự sang trọng dành cho các bậc thượng lưu, học giả, nhà tài phiệt, vua dầu mỏ...”.
Theo bảng giới thiệu của chủ đầu tư: “Dự án phục vụ nhu cầu nhà ở nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, trung tâm chứng khoán… của thị trường trong nước và Đông Nam Á”, “dự kiến sẽ có 20 nghìn người đến đây nghỉ dưỡng, sinh sống làm việc”.
Chủ đầu tư giới thiệu dự án có diện tích 3595 ha, trong đó đất rừng thông nghỉ dưỡng 1428ha, lòng hồ Đại Ninh 1954ha, quy hoạch thành 6 phân khu với 4500 biệt thự lâu đài tráng lệ; 6 cụm khách sạn 6 sao gần 10.000 căn hộ khách sạn; 37 cao ốc cung cấp 4000 căn hộ theo tiêu chuẩn nghỉ dưỡng 5 sao; 129 công trình tiện ích nội đô với đẳng cấp đỉnh cao tầm quốc tế.
Bảng phối cảnh cho thấy dự án kéo dài hàng chục km, bao bọc quanh Hồ thủy điện Đại Ninh, nằm trên trục QL20 và QL28B.
Quảng cáo “trên trời”, nhưng thực tế lại “dưới đất”. Dù quảng cáo là có tổng mức đầu tư 25 ngàn tỷ đồng, trải qua 11 năm “đầu tư”, nhưng dự án vẫn chỉ là những cánh rừng mênh mông, rải rác vài công trình sau thời gian dãi dầu mưa nắng nay đã đổ nát, hoang phế.
Tại nơi được Cty Sài Gòn – Đại Ninh quảng cáo khu D, nơi đặt văn phòng làm việc của Cty, con đường nối từ QL20 vào dự án chính là đường vào thủy điện Đại Ninh mà dự án “đi ké”.
Qua barie của Thủy điện Đại Ninh, rẽ về phía tay trái, ven con đường bao quanh lòng hồ Đại Ninh (do Nhà nước xây dựng) là vài chục cái chòi xây hình lục giác, kiến trúc nửa Âu nửa Á, ba mặt bằng kính. Người địa phương cho hay những cái chòi này được gọi là “nhà ở chuyên gia”. Do bỏ hoang nhiều năm, chòi xuống cấp hoen ố, bong tróc, đổ nát. Người dân địa phương cho hay cứ mỗi lần nghe tiếng “bùm” vọng lại, là biết tiếng kính cường lực “chòi chuyên gia” tự vỡ.
Rẽ về phía tay phải là “nhà điều hành” của dự án. Trong kết luận của TTCP mới đây, cho biết đây là hội trường rộng 560m2 và xây không phép. Phía trước nhà nhiều bảng quảng cáo giới thiệu dự án, giới thiệu Cty, qua thời gian mưa nắng nhiều năm nên hình ảnh đã nhòe nhoẹt phai màu.
“Nhà điều hành” im ắng, khóa trái cửa, nhìn qua cửa kính thấy bên trong có nhiều bàn ghế và phòng làm việc. Bên phải “nhà điều hành” là một con đường đang làm dở chạy lên đồi, người dân địa phương cho rằng đây là động thái của chủ đầu tư “chống chế” với cơ quan chức năng, để chứng minh “dự án vẫn đang đầu tư”.
Tại khu D này, còn có một vài công trình khác do Cty Sài Gòn – Đại Ninh từng dựng lên, như “trạm dừng chân”, khu vực đặt tượng... tất cả đều trong tình trạng hoang phế...
Theo một người dân địa phương, những “công trình” trên thi công lắt nhắt từ những năm 2010 – 2012, sau đó ngừng, rồi lâu lâu chủ đầu tư đến tô quét, sửa chữa...
Tại “dự án”, đi lùng sục tìm khắp nơi nhưng không thấy một người nào của Cty Sài Gòn – Đại Ninh. Người dân địa phương cho biết lâu lâu bà Phan Thị Hoa (Chủ tịch HĐQT Cty Sài Gòn – Đại Ninh) mới lên, còn lại lâu nay không có ai làm việc.
Những công trình hoang phế ven hồ Đại Ninh của “siêu dự án” . |
Bỏ hoang không đầu tư nhưng vẫn ôm dự án để làm gì?
Trước đó, trong Kết luận thanh tra 929/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm của chủ đầu tư dự án này.
Theo TTCP, dự án được đầu tư trên diện tích 3595 ha. Cty Sài Gòn - Đại Ninh được thuê 1432 ha đất lâm nghiệp (trong đó 1050ha rừng sản xuất) theo Quyết định 953/QĐ-UBND ngày 22/4/2011 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Ngày 7/2/2012, tỉnh có Quyết định 293/QĐ-UBND cho phép Cty chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án Đại Ninh, tổng diện tích đất chuyển mục đích là 323ha, trong đó đất ở 166ha (áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất); tổng số tiền sử dụng đất phải nộp hơn 226 tỷ (theo Quyết định 737/QĐ-UBND ngày 16/4/2014 của UBND tỉnh). Sau khi miễn giảm 30%, số tiền sử dụng đất còn phải nộp là 158 tỷ đồng.
Dù đã được giảm 30% nhưng sau khi chuyển mục đích đất, Cty Sài Gòn – Đại Ninh vẫn không thực hiện nghĩa vụ tài chính. Từ 2014 - 2018, dù được đôn đốc nhiều lần nhưng Cty vẫn không nộp; tính đến tháng 10/2018 tiền phạt chậm nộp là 104 tỷ. Cty còn nợ đọng 6,6 tỷ tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên, môi trường rừng.
Sau khi doanh nghiệp không có đủ khả năng tài chính để nộp tiền sử dụng đất như nêu trên, ngày 9/10/2018 tỉnh có quyết định điều chỉnh, chưa thực hiện chuyển mục đích sang đất ở với diện tích 166ha.
Theo TTCP, trong quá trình quản lý, sử dụng đất, chủ đầu tư khi triển khai dự án đã vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng Hội trường không phép khoảng 560 m2, 15 căn “nhà chuyên gia” không có trong quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt, không có giấy phép xây dựng. Chủ đầu tư không bảo vệ quản lý được đất mà để người dân tái lấn chiếm, vi phạm Luật Đất đai
Theo Giấy chứng nhận đầu tư, đến hết 2018, dự án đã hết thời hạn đầu tư, Cty Sài Gòn – Đại Ninh có nhiều vi phạm, tiến độ không theo đúng cam kết, cần chấm dứt hoạt động dự án theo điểm g khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư.
Thực tế ghi nhận của PLVN, cùng nội dung kết luận thanh tra của TTCP đã cho thấy thực chất chủ đầu tư dự án Đại Ninh không có đủ khả năng tài chính, không triển khai dự án hàng chục năm; nhưng vẫn cố “ôm” “siêu dự án”. Hệ quả là đất đai bị bỏ hoang, lãng phí tài nguyên quốc gia, trong khi nông dân địa phương cần đất trồng rừng, sản xuất. Tình trạng “bê bối” của dự án gây ra còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của địa phương. Như TTCP đã chỉ ra, cần sớm chấm dứt hoạt động dự án này theo điểm g khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư.
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc trong các số báo sau.