Trước khi lập gia đình, tôi nghe khá nhiều chuyện của mấy anh, mấy chị xung quanh về xung đột trong đời sống vợ chồng. Khiến các chị bạn quan tâm nhất bên cạnh chuyện cảm nắng hay ngoại tình của các ông chồng là vấn đề tiền chung, tiền riêng. Tôi cũng xem đây là những điểm nhạy cảm trong mối quan hệ vợ chồng nên đã thống nhất với bạn trai cách quản lý tiền bạc và chi tiêu trước khi quyết định góp gạo thổi cơm chung.
Chồng tôi là một người đàn ông phương Tây. Khi nghe tin tôi chuẩn bị lấy chồng, nhiều chị bạn tự động truyền đạt kinh nghiệm quản lý thu nhập và “quỹ đen” của chồng. Thậm chí biết chồng tôi là… Tây, có người còn tỏ ra ái ngại: “Tụi Tây sòng phẳng lắm, vợ chồng sống chung nhưng mạnh ai nấy lo, tiền ai nấy xài, các khoản trong gia đình đều phải cưa đôi. Kiểu chi tiêu như vậy dễ làm sứt mẻ tình cảm vợ chồng, khó bền…”.
Nhờ tài tay hòm chìa khóa của vợ, nhiều người chồng lại thấy thoải mái về chi tiêu.
Ảnh minh họa: gadgethim.com
|
Riêng tôi thì tôi nghĩ cặp nào cũng có những khúc mắc riêng, không chuyện này cũng chuyện nọ và tất cả đều mang tính cá nhân. Trong một mối quan hệ, văn hóa quốc gia, vùng miền là quan trọng nhưng với tôi, văn hóa cá nhân và cách giải quyết vấn đề của vợ chồng mới quyết định mối quan hệ đó có lâu bền hay không.
Trước đây, chồng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ để người khác quản lý tiền của mình nhưng lấy tôi rồi thì khác. Chúng tôi tự mở công ty, anh tập trung vào chuyên môn còn tôi quản lý tài chính. Đến tháng tôi tự lấy tiền lương của chồng mà công ty trả để bỏ vào ngân sách gia đình.
Ban đầu, khi nghe tôi đề nghị góp chung tiền để tôi quản lý, chồng tôi thoáng ngập ngừng. Cũng như bao phụ nữ khác, tôi thuyết phục rằng anh giỏi kiếm tiền nhưng không giỏi trong việc chi tiêu và giữ tiền, vì vậy mà hơn 30 năm vẫn không để dành được gì. Bản thân tôi cũng có công việc ổn định và không phải dạng ăn xài nên chắc chắn sẽ không nhân cơ hội mà “phá” hết tiền của chồng làm ra. Nếu cứ tiền ai nấy xài sẽ khó thống nhất được cách chi tiêu và dễ dẫn đến “cháy túi”. Vả lại, làm vậy sẽ khiến mỗi người không hình dung được toàn cảnh nhu cầu và vấn đề chi tiêu của cả nhà, hậu quả là tài chính của gia đình càng dễ rơi vào khủng hoảng.
Sau khi nghe tôi phân tích, chồng tôi quyết định đưa cả lương tháng. Tôi không muốn “trấn lột” hay “móc túi” lương của chồng mà tôi muốn anh tự nguyện làm việc này vì với văn hóa phương Tây, chắc chắn chồng tôi rất đề cao tự do cá nhân mà mong muốn người khác tôn trọng quyết định của mình.
Sau này chồng tôi kể thời gian đầu đưa lương cho tôi, anh không cảm thấy tự tin khi đi ra đường vì anh luôn lo sợ có sự cố gì xảy ra mà trong túi không còn rủng rỉnh tiền như trước. Anh cũng ngại tôi sẽ hạn chế những nhu cầu mua sắm cá nhân của anh. Sau vài tháng, anh nhận thấy hầu như không có nhu cầu nào của anh bị giới hạn vì khi cần mua sắm gì anh cứ báo trước để tôi thu xếp.
Cho đến nay, chồng tôi hầu như không còn nhu cầu xài tiền riêng nữa, trừ tiền đổ xăng, gửi xe… vì tất cả những khoản mua sắm vật dụng gia đình, ăn uống đã có tôi lo. Anh cũng nhận ra rằng anh giỏi kiếm tiền nhưng tôi mới là người giỏi thu vén và lên kế hoạch chi tiêu, vì vậy anh an tâm là tiền mình làm ra không bị hao hụt như trước. Thậm chí anh còn ngạc nhiên là có nhiều thứ trước đây anh chỉ dám ước mơ chứ không bao giờ đủ tiền để mua nhưng từ khi tôi “kiểm soát tài chính” thì những nhu cầu cá nhân và những thứ anh yêu thích đều được đáp ứng.
Chúng tôi không áp dụng cách kiểm soát, hạn chế, ép buộc mà tôn trọng sở trường và nhu cầu của đối phương. Ai giỏi kiếm tiền cứ lo kiếm tiền, ai giỏi quản lý ngân sách sẽ đảm trách việc lên kế hoạch chi tiêu cho gia đình. Vì vậy, chúng tôi chưa bao giờ có những bất đồng về tiền lương, ngân sách hay quỹ đen.
Còn chồng tôi cũng thừa nhận là một người đàn ông phương Tây lớn lên với văn hóa tôn trọng tự do cá nhân, anh chưa bao giờ tưởng tượng một ngày nào đó lại công khai tất cả tài khoản của mình một cách vui vẻ cũng như để cho ai khác trực tiếp lãnh “giùm” lương.