Chốn tâm linh ở đảo Trường Sa

 Ngôi chùa trên đảo Sinh Tồn
Ngôi chùa trên đảo Sinh Tồn
(PLO) - Đến Trường Sa hôm nay, mọi người có thể cảm nhận được sự thanh bình của những làng quê trong đất liền như hiện hữu. Giữa biển khơi mênh mông, không chỉ có sóng và gió biển, không chỉ có những người lính, người dân mà còn có cả những tiếng chuông chùa ngân vang khắp đảo xa...

Tiếng chuông chùa nơi đầu sóng

 Từ ngàn xưa, nơi đâu có người dân đất Việt thì ở đó có đền, chùa vì đó là tín ngưỡng bao đời của nhân dân ta. Ngôi chùa chính là hình ảnh biểu trưng cho sự nương tựa tinh thần, là chốn tâm linh để người dân ngưỡng vọng, thờ phụng đức Phật. Ở Trường Sa cũng vậy, nơi đây cũng có những ngôi chùa sừng sững, uy nghiêm.

Nghe những vị trụ trì kể lại, từ xa xưa, trên quần đảo Trường Sa đã có những am thờ do ngư dân người Việt dựng lên để cầu Trời, khấn Phật phù hộ độ trì cho những chuyến đi biển được bình yên, bội thu hải sản, cuộc sống ấm no...

Những am này được dựng đơn giản, có khi chỉ là những viên đá xếp tầng và có mái che chắn để việc nhang khói được thuận tiện. Dựa vào những dấu vết của những am thờ đó, các ngôi chùa dần được định hình và phát triển qua thời gian.  

Trong suốt nhiều năm trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng các tầng lớp nhân dân, năm ngôi chùa trên các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết đã được xây dựng. Những ngôi chùa này đã được đầu tư tu bổ xứng tầm, trở thành những “cột mốc văn hóa” quan trọng, góp phần khẳng định về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Từ phía biển nhìn vào đảo, dưới tán những cây bàng vuông, những cây phong ba cổ thụ... hình ảnh mái cong cong của những ngôi chùa lấp ló. Lúc sáng sớm khi chiều muộn, tiếng chuông chùa ngân nga khắp đảo như nhắc nhở những người lính thêm vững vàng tay súng canh giữ biển trời Tổ quốc.

Theo tìm hiểu, cả năm ngôi chùa ở Trường Sa đều được xây dựng theo phong cách truyền thống Việt Nam với kiến trúc một gian hai chái, hay ba gian hai chái, mái cong có đầu đao.

Ngoài những nguyên liệu hiện đại trong khi xây dựng chùa, trong các hạng mục của chùa còn có nhiều loại gỗ quý chịu được độ mặn của nước biển. Những pho tượng trong chùa được chế tác công phu bằng đá quý, hoành phi câu đối đều được sơn son thếp vàng. 

Một đặc điểm chung mà vị trụ trì nào cũng giải thích cho khách tới thăm chùa đó chính là hướng của cả năm ngôi chùa ở Hoàng Sa đều hướng về Hà Nội, trái tim của dân tộc Việt Nam.

Nó có ý nghĩa thiêng liêng là hướng về cội nguồn dân tộc, đồng thời đó cũng như lời tri ân chân thành của quân dân huyện đảo Trường Sa đối với nhân dân Hà Nội. Bởi những ngôi chùa được hiện diện ở Trường Sa, phần lớn được trùng tu, xây dựng từ kinh phí do nhân dân Thủ đô tự nguyện quyên góp.

Điều này càng khẳng định, Trường Sa là một phần máu thịt của tổ quốc. Đứng từ trên đảo, phóng tầm mắt ra phía xa ngút ngàn biển rộng, mới thấy hết được sự thiêng liêng trên từng tấc đất mà bao đời ông cha ta phải đổ máu để giữ gìn.

Hầu hết trong các ngôi chùa ở Trường Sa đều được khắc câu đối: “Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền - Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ...”. Đọc những câu đối trong chùa, bất cứ người con đất Việt nào cũng cảm thấy tự hào về giang sơn gấm vóc của mình. 

Đứng trước biển cả mênh mông, nghe tiếng chuông chùa mà thấy tâm mình thanh tịnh. Lúc đó mới cảm nhận hết được sự linh thiêng của đất trời biển đảo. Lòng mỗi người đến vãn cảnh chùa đều nguyện cầu đức Phật từ bi phù hộ cho nước các chiến sĩ luôn vững tay súng bảo vệ chủ quyền tổ quốc, để Việt Nam ngày một thịnh vượng. 

Đại đức Thích Minh Huy trụ trì chùa Sinh Tồn
Đại đức Thích Minh Huy trụ trì chùa Sinh Tồn

Tiếng chuông thanh bình

Bước chân lên đảo Sinh Tồn, sải chân trên con đường bê tông thẳng tắp, dưới bóng cây, Chùa Sinh Tồn hiện ra bình yên. Tiếng kinh niệm quyện với mùi hương trầm thoang thoảng mang lại một cảm giác gần gũi mà thiêng liêng vô cùng. Việc đầu tiên đoàn khách làm khi đến thăm ngôi chùa trên đảo là dâng hương và tưởng niệm các liệt sĩ Trường Sa. 

Đại đức Thích Minh Huy, trụ trì chùa Sinh Tồn chia sẻ: “Chùa Sinh Tồn vừa là nơi thờ cúng các liệt sĩ Trường Sa đã anh dũng hi sinh và cũng là một kiến trúc văn hóa giữa biển của quân dân huyện đảo. Ở đâu có nhân dân sinh sống, ở đó có đời sống tâm linh.

Những ngôi chùa ở đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết vừa là điểm hẹn văn hóa tâm linh của ngư dân Trường Sa mỗi khi đánh bắt hải sản trên vùng biển này, vừa khẳng định chủ quyền có tính lịch sử bền vững của dân tộc, và đáp ứng nguyện vọng của quân dân Trường Sa".

Đại đức Thích Minh Huy cũng chia sẻ thêm về những ngôi chùa được xây dựng trên các đảo ở Trường Sa.

Như chùa Song Tử Tây tọa lạc trước ngọn hải đăng cao vút, chùa ở Trường Sa Lớn nằm cạnh đường băng, Chùa ở đảo Nam Yết sát cạnh bờ biển, in hình xuống bóng nước lung linh, chùa đảo Sơn Ca tọa lạc giữa triền cát trắng, tiếp giáp với ngọn hải đăng phía Đông đón những tia bình minh đầu tiên của mỗi ngày. Riêng chùa Sinh Tồn ông đang trụ trì thì nằm ngay sát cạnh các hộ dân trên đảo.

Từ khi chùa Sinh Tồn được trùng tu, vào mồng một, ngày rằm hàng tháng, nhà nào cũng lên chùa lễ Phật, cầu cho mưa thuận gió hòa, gia đình mạnh khỏe, bình an. Không chỉ có người dân, anh em bộ đội cũng thường xuyên lên chùa lễ Phật sau những giờ huấn luyện, lao động sản xuất.

Đặc biệt là ngày 14/3 hàng năm khi diễn ra lễ cầu siêu cho 64 liệt sĩ đã từng hy sinh trong trận chiến Gạc Ma. 

Mỗi ngày chùa Sinh Tồn đều gióng 2 hồi chuông vào lúc sáng sớm và khi chập tối. Đại đức Thích Minh Huy giải thích:

Sáng sớm khi mặt trời bắt đầu ló rạng khởi đầu ngày mới, con người tỉnh dậy sau giấc ngủ dài thì tiếng chuông thức tỉnh con người, báo hiệu một ngày an lành. Tiếng chuông lúc chiều tối là khép một ngày làm việc mưu sinh, giúp lòng người hướng thiện.

Trong suốt chiều dài lịch sử, tôn giáo mà đặc biệt là Phật giáo luôn đồng hành cùng với sự phát triển của dân tộc. Ở Việt Nam, thời đại cũng vậy, chùa luôn là biểu hiện của đời sống tinh thần thiêng liêng.

Trên quần đảo Trường Sa, tiếng chuông ngân vang hòa vào sóng biển giữa không gian bao la khiến ai cũng cảm thấy lòng mình như tĩnh lặng và chắc chắn, mỗi người đều thấy trách nhiệm của mình trong đó.

Hạ sĩ Trần Minh Tiến (đảo Sinh Tồn) cho biết, mỗi tuần anh lên chùa 1 lần để cầu nguyện. Khi ở chùa, bao tâm tư, phiền não đều tan biến hết, chỉ còn lại sự quyết tâm và ý chí kiên cường giúp anh hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hành trang của Tiến bây giờ không chỉ là kiến thức, sức khỏe, mà quan trọng hơn là tinh thần thép, sự  bền gan dũng cảm một phần vững vàng hơn khi có những quãng thời gian thanh tịnh trên chùa.

Chị Phan Thị Thương (cư dân trên đảo Sinh Tồn) cho biết, chị cùng những người hàng xóm thường xuyên lên chùa thắp nhang cầu sức khỏe, bình an cho gia đình. Chị cũng thường xuyên đưa 2 cô con gái nhỏ của mình tới khuôn viên chùa bởi cảm giác thanh tịnh ở nơi này. 

Năm ngôi chùa ở đảo Trường Sa hiện nay không chỉ là công trình thiêng liêng của quân dân huyện đảo, là biểu hiện cốt cách sinh động của văn hóa quê hương và tình thương giống nòi, mà còn là điểm hẹn văn hóa của triệu con tim trên khắp mọi miền đất nước.

Bất cứ ai mỗi khi đặt chân đến quần đảo Trường Sa, ghé thăm những ngôi chùa bình dị nơi này thì đều như tìm thấy trong tim mình có linh hồn Tổ quốc...

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Tin cùng chuyên mục

Hai Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản xác định trụ cột mới của quan hệ song phương

Hai Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản xác định trụ cột mới của quan hệ song phương

Tại hội đàm sáng 28/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru nhất trí làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế là trụ cột chính; xác định hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thành trụ cột mới của quan hệ song phương. Nhật Bản mong muốn triển khai 15 dự án trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng trị giá hơn 20 tỷ USD trong khuôn khổ Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng châu Á (AETI), Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC).

Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một

Dân tộc Việt Nam đã phải đối mặt với muôn vàn gian khổ, hy sinh, mất mát nhưng chưa bao giờ, ý chí về một nước Việt Nam độc lập, thống nhất bị lay chuyển.
"Nếu như thế hệ cha anh đã khắc ghi chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một" bằng những hy sinh mất mát, thì thế hệ hôm nay phải biến lý tưởng đó thành động lực phát triển, thành đôi cánh vươn lên trong thời đại mới", Tổng Bí thư Tô Lâm nhắn gửi trong bài viết với tiêu đề: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một".

Tổng duyệt diễu binh, diễu hành mừng đại lễ 30/4 tại TP HCM

Tổng duyệt diễu binh, diễu hành mừng đại lễ 30/4 tại TP HCM

(PLVN) - Buổi tổng duyệt diễu binh, diễu hành cấp Nhà nước diễn ra sáng nay, 27/4. Trời TP HCM phong quang, gió nhẹ. Các đoàn, khối lần lượt tiến qua lễ đài chính, trực thăng mang theo cờ Tổ quốc bay lượn và tiêm kích trổ tài trên bầu trời trong ánh mắt đầy ngưỡng mộ, tự hào của hàng vạn người dân và du khách có mặt tại TP HCM, cũng như ánh mắt của muôn người Việt theo dõi qua màn hình ở khắp mọi miền đất nước và nước ngoài...

Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
(PLVN) -Tối 26/4, trong không khí hân hoan của cả nước hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh (27/4/1975 – 27/4/2025). Đại tướng Phan Văn Giang – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Không khí hào hùng nhắc nhớ những ngày tháng 4 lịch sử ở TP HCM

TP HCM khoác lên mình chiếc áo rực rỡ của sắc đỏ, sắc vàng – màu cờ Tổ quốc ngập tràn trên mọi con đường, góc phố.
(PLVN) - Những ngày cuối tháng Tư, mọi con đường, góc phố TP HCM khoác lên mình chiếc áo rực rỡ của sắc đỏ, sắc vàng – màu cờ Tổ quốc. Trong không khí kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, rất nhiều hình ảnh nhắc nhớ về một thời hào hùng của dân tộc...

Thủ tướng chỉ đạo giữ nguyên thời hạn khởi công hai 'siêu dự án' đường sắt

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu không thay đổi là phải khởi công dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2026 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
(PLVN) - Mục tiêu không thay đổi là phải khởi công dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2026. Trong quá trình triển khai, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị "thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa"...

Sẽ bỏ Thanh tra Bộ, tổ chức cơ quan thanh tra theo 2 cấp

Quang cảnh Phiên họp ngày 26/4. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)
(PLVN) - Nhằm triển khai thực hiện Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hai cấp ở Trung ương và địa phương, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lược bỏ hoàn toàn quy định về Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện.