Cuộc sống bình yên trên đảo sinh tồn
Trường học trên xã đảo Sinh Tồn nằm yên bình ngay cạnh khu dân cư. Dưới bóng cây xanh mát, ngày ngày các em nhỏ tới trường học tập, vui chơi. Trên hòn đảo cách xa đất liền cả trăm hải lý nhưng hình ảnh đó mang lại cảm giác thân thuộc về cuộc sống chẳng khác gì một vùng quê trên đất liền.
Con đường vào khu dân cư được trải bê tông thẳng tắp lúc nào cũng sạch sẽ. Các hộ dân sống sát nhau trong những ngôi nhà khang trang. Trong những tổ ấm ấy, hàng ngày những người chồng ra biển chài lưới, người vợ ở nhà trông con, nội trợ và chăm sóc những vườn rau. Đám trẻ ngoài giờ tới trường và phụ giúp ba mẹ thường rủ nhau ra khuôn viên chung để nô đùa.
Mời khách vào nhà, anh Võ Kim Toàn (SN 1977) một cư dân trên đảo Sinh Tồn cho biết: “Vào những ngày biển lặng, tôi cùng một số người hàng xóm vẫn ra biển đánh bắt hải sản. Được cái ở đây hải sản phong phú nên mỗi lần ra khơi về là gia đình lại đầy ắp thực phẩm sinh hoạt.
Có chuyến đánh được nhiều cá ăn không hết, mấy anh em lại bảo nhau chia cho thầy giáo hoặc cán bộ trên đảo. Thế nên những người sống trên đảo tình cảm rất gắn bó, thân thiết”.
Những ngôi nhà của cư dân trên đảo được xây tập trung nên họ rất chú ý đến vấn đề vệ sinh. Phía ngoài rợp mát bóng cây, phía sau xanh mướt những giàn bầu bí, rau xanh tự trồng. Trong nhà, tivi tủ lạnh, điện nước có đủ cả, cuộc sống chẳng khác gì trong đất liền. Nhiều người còn nói vui là ở đây còn hơn trong đất liền cái không khí trong lành, thoáng mát.
Nhiều gia đình trên đảo Sinh Tồn ra đây định cư đã ngót nghét chục năm. Anh Bùi Đình Khải (SN 1983), một trong những công dân lâu năm trên đảo Sinh Tồn cho biết, những ngày đầu ra đảo cuộc sống rất khó khăn. Tuy nhiên gia đình anh cũng như các hộ dân khác được sự động viên và giúp đỡ rất lớn từ các cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Tình quân dân vì thế mà thêm khăng khít.
Từ một cuộc sống đầy bỡ ngỡ dạo nào, nay anh Khải đã là “công dân” của biển cả, cũng tay lưới, tay câu “cưỡi sóng” khai thác hải sản chăm lo bữa ăn cho gia đình. Ngoài làm ngư dân, anh Khải và gia đình còn được coi là người “mát tay” của đảo. Hơn chục loại rau xanh được đưa ra, dưới bàn tay chuyên cần của anh cùng vợ con đã vượt qua tất cả mọi nghiệt ngã của nắng gió mà vươn lên xanh mướt.
Công dân đầu tiên ra đời trên đảo Sinh Tồn
Trên đảo Sinh Tồn có nhiều hộ gia đình sinh sống, tuy nhiên hầu như các gia đình khi ra đảo đều đã đầy đủ thành viên, duy có gia đình chị Phan Thị Thương (SN 1990) là khá đặc biệt.
Hai vợ chồng chị Thương ra đảo khi mới có 1 cô con gái, trong quá trình sinh sống ở đảo, năm 2014, gia đình chị nói riêng cũng như toàn đảo Sinh Tồn nói chung vui mừng đón thêm một công dân mới, công dân đầu tiên được khai sinh trên đảo Sinh Tồn.
Sau khi có một cháu gái đầu lòng, chuyện sinh con chẳng phải chuyện gì quá lạ đối với chị Thương. Thế nhưng, cảm giác đón đứa con thứ hai chào đời giữa quần đảo Trường Sa lại là một trải nghiệm hết sức đặc biệt. Suốt thời gian mang bầu ở trên đảo Sinh Tồn là quãng thời gian vừa vui mừng, vừa lo lắng của chị Thương cùng người chồng.
Nhiều người có ý kiến, sắp đến ngày sinh sẽ cho chị vào đất liền, ở đó các phương tiện y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ đảm bảo an toàn cho 2 mẹ con. Nhưng chị Thương thấy sức khỏe mình trong thời gian mang bầu rất tốt.
Cộng với sự động viên của những bà mẹ giàu kinh nghiệm bên hàng xóm, chưa kể bác sĩ ở trạm xá trên đảo Sinh Tồn cũng rất nhiệt tình chăm lo sức khỏe suốt thời gian chị mang bầu nên cuối cùng chị không còn lo lắng về việc sinh con trên đảo.
Ngày chị Thương trở dạ, không chỉ chồng chị lo lắng, hồi hộp mà gần như các thành viên trên đảo đều nín thở chờ đứa bé chào đời. “Bác sĩ trên đảo mát tay lắm, hai mẹ con em mẹ tròn, con vuông. Sau khi sinh một ngày đã được về nhà nằm”, chị Thương ôm đứa con xinh xắn vào lòng kể lại.
Thời khắc bác sĩ trên đảo bế đứa bé và thông báo chị Thương đã sinh hạ một cháu gái vô cùng dễ thương, ai nấy đề vui mừng khôn xiết.
Các em nhỏ vui chơi sau giờ tan trường |
Anh Nguyễn Minh Châu (Chồng của chị Thương) chia sẻ, “Tôi cũng không ngờ rằng khi ra đây sinh sống rồi tôi lại có thêm một đứa con trên hòn đảo ở muôn trùng khơi như thế này. Nhờ mấy chị hàng xóm và bác sĩ tư vấn và chăm sóc vợ tôi tận tình mà nên tôi đỡ lo lắng hơn rất nhiều. Giờ đây niềm hạnh phúc mỗi lần ra khơi về là nhìn ngắm hai cô con gái nhỏ...”
Bé gái sau đó được đặt tên là Nguyễn Phan Ngọc Hân - mang cả họ bố lẫn họ mẹ. Đây là công dân nhận giấy khai sinh đầu tiên do UBND xã đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cấp.
Chủ tịch xã đảo Sinh Tồn, ông Trịnh Công Lý, cho biết: “Đây là công dân được sinh trên đảo và được cấp giấy khai sinh trên đảo theo đúng các thủ tục hộ tịch hộ khẩu như trên đất liền. Cô bé may mắn này là niềm vui, hạnh phúc không chỉ của riêng ba mẹ em, mà còn là hạnh phúc chung của bà con nhân dân trên xã đảo”.
Hiện nay, xã đảo Sinh Tồn ngày một hoàn thiện về cơ sở hạ tầng với hệ thống điện đường trường trạm khá hoàn chỉnh và ngày càng được nâng cấp. Nguồn năng lượng được người dân trên đảo sử dụng chủ yếu là năng lượng sạch từ pin mặt trời và hệ thống điện phong. Chính vì thế, việc chăm lo cuộc sống, sức khỏe cho những công dân tí hon ngày càng được đảm bảo.
Những gương mặt “thiên thần”
Chị Thương chia sẻ, không biết có phải sinh ra trên đảo với không khí trong lành, thoáng đãng hay không mà sức khỏe của cháu Hân rất tốt. Chính vì vậy, năm 2015 khi vợ chồng chị Thương cho cháu về thăm ông bà trong đất liền thì cháu Hân có vẻ không quen và hay ốm vặt. Khi trở về đảo, cháu lại khỏe mạnh bình thường.
Năm nay cháu Hân đã hơn 2 tuổi, càng lớn gương mặt của cháu càng bụ bẫm và xinh xắn. Gương mặt “thiên thần” của cháu bé không chỉ khiến cha mẹ bé thấy hạnh phúc mà những cán bộ, chiến sĩ trên đảo cũng rất yêu quý. Mỗi lần gặp, ai nấy đều cưng nựng cô bé đáng yêu này.
Trước đoàn khách ra thăm đảo, cô bé có vẻ bẽn lẽn. Nhưng khi chơi với chị gái và những cô chú trên đảo, Hân rất tự nhiên và dạn dĩ. Nhìn ngắm nhìn nụ cười hồn nhiên của cư dân tí hon này bỗng thấy cuộc sống này tươi đẹp và kỳ diệu biết bao.
Nhiều gia đình trên đảo Sinh Tồn chia sẻ, tuy còn những khó khăn, nhưng họ luôn biết cách để có một cuộc sống đầy đủ cả vật chất và tình cảm. Ở đây, ngày lễ Tết các gia đình cũng làm cỗ như trong đất liền, các cháu thiếu nhi đều được tham gia đón Tết Thiếu nhi, phá cỗ Trung thu và học hành đầy đủ. Và điều mà mỗi người luôn tự hào và nhắc nhở là được gắn bó, bảo vệ chủ quyền quốc gia nơi xa xôi của Tổ quốc.
Nơi biển đảo xa xôi, tiếng cười đùa rộn vang của những gương mặt “thiên thần” đang ngày ngày tô đẹp thêm vùng biển, vùng trời của tổ quốc. Sự có mặt của các em thể hiện sức sống mãnh liệt, khiến ta có niềm tin hơn vào cuộc sống, tình yêu thiết tha với biển đảo quê hương.
(còn nữa)