1 -Cách nay trên mười năm (khoảng 2007- 2008) lác đác có mấy bác hoài cổ, vào trước tết âm lịch rải chiếu trên vỉa hè bờ tường Văn Miếu đường Quốc Tử Giám, Hà Nội bày giấy điều viết thư pháp cho những ai còn thích chơi chữ trong ngày xuân… Và rồi từ đấy người ngồi viết đông dần lên kéo dài từ 23 tháng chạp đến rằm tháng giêng. Từ mấy ông già yêu thư pháp, sau đó là những ông đồ trẻ tuổi cũng ăn theo dần thành một “chợ chữ”. Nói chợ chữ vì viết chữ bán được tiền!
Để ổn định trật tự đường phố, chính quyền cho sửa sang và mấy năm nay “ chợ chữ” được cho sắp xếp lại địa điểm xung quanh hồ “Văn” trước cổng Văn Miếu…
Bây giờ hồ Văn trở thành một điểm giao lưu văn hóa chữ vào ngày tết. Cũng lắm cung bậc buồn vui.
Một bạn trẻ tuổi có biệt danh Việt “Tàu”, cao thủ trong làng thư pháp tâm sự: Ngày tết đến hội chữ này cũng vui, nhưng cũng có cảm giác buồn vì Hà Nội thiếu điểm vui chơi quá! Anh cho rằng nếu thư pháp tổ chức tại bảo tàng Dân tộc học thì hay nhất. Nhớ lại mấy năm trước giám đốc Nguyễn Văn Huy đã làm rất thành công việc này. Nhưng điểm hồ Văn này gần trung tâm, dân dã hơn, cũng có cái tiện của nó.
2- Chuyện cho chữ, xin chữ này có từ xa xưa.
Có chữ nghĩa là niếm khát khao của mọi nhà. Thôn quê xưa chỉ nhà khá giả mới có thể cho con đi theo ông đồ kiếm dăm ba chữ. Còn học thi đến đỗ đạt thành danh thì hiếm hoi lắm. Nên vào những ngày đầu năm nhà nghèo cũng cố sắp một cái lễ đé ông đồ xin vài chữ về treo ở nhà, để tự tin hơn là nhà cũng có chút chữ nghĩa và cũng để mà phấn đấu.
Lệ xin chữ cũng giản dị. Người xin sắp quả cau lá trầu lên đĩa với vài đồng xu gọi là cho cái lễ. Ông đồ hỏi gia cảnh ước nguyện của người xin và từ đó ông cho chữ hợp cảnh. Ông có thể viết luôn, nhưng có những ông đồ ra văn nhưng viết không đẹp, thì ông giới thiệu đến người viết đẹp, chứ không cố!
Xét như thế thì nhà quê ít học nhưng việc xin chữ cũng sâu xa lắm.Chữ ông đồ xuất ra như lời chúc, lại như lời khuyên hợp gia cảnh để gia chủ thấm mà cố gắng chứ không phải để khoa trương bịp đời. Vì từ cái tâm cái chí đó mà việc xin chữ, cho chữ nó như khởi nguồn của văn hóa làng xã, Nhà nhà đều cố gắng hướng về cái nhân văn dù cuộc sống còn nghèo. Chí hướng ấy thật thanh cao!
Bây giờ đến chợ chữ cũng có mươi người xin chữ theo lối xưa. Nhưng giờ những nhà nho thâm hậu không còn mấy. Việc ra văn cho khách thì chỉ loanh quanh chữ tâm, chữ đức, chữ nhẫn, an lạc, an khang, hiếu thuận… Còn ông đồ sau thỏa thuận giá cả thì viết cho nhanh. Có ông còn kèm theo máy sấy cho mực nhanh khô.
Việc trao đổi mạn đàm bên chiếu viết chỉ còn dăm ba người có kiến văn mới nói được. Tại “chợ” chữ này, mải mạn đàm hơn viết thì chỉ có ông Tiến sĩ cao niên Cung Khắc Lược với cả bồ kiến thức nho y lý số,có thể miên man hàng giờ khi khách quan tâm, hoặc ông đồ trẻ Việt ‘Tàu”có thể luận cả buổi về tâm đức, phật pháp một thời và thời nay như thế nào.
Ngồi bên cạnh hai ông có thể thu nhận thêm rất nhiều những điều không có trong nhà trường, mà trở về lối sống, cách nghĩ sâu xa của thời nho học. Những kiến thức đã được họ tổng kết sắp sếp trong đầu như những pho sách về một môi trường văn hóa mà nay ta khó gặp ngoài đời. Ngồi nghe hại vị này nói giống như ngọn đèn thắp sáng cả một không gian văn hóa khác, cũ mà như mới.
Tôi nghĩ chơ chữ về đúng nghĩa chơi chữ ngày xuân phải là những bậc thâm hậu như vậy thì cuộc vui tham gia vào chữ nghĩa ngày tế có ý nghĩa hơn nhiều, nó cho người ta thêm nhiều hiểu biết sâu xa hơn về tinh thần dân tộc qua con chữ cô đọng trong vài từ ngắn gọn mỗi khi xuân về.
3 – Bây giờ cho chữ đại trà, người viết cũng đại trà. Dù có sát hạch trước khi được thuê chỗ nhưng cũng không ít những ông đồ nghèo nàn về kiến văn cũng như chữ cũng chẳng khéo. Và người đi chợ xin chữ, nhưng thực ra là mua chữ cho nhanh chứ không thực sự muốn tìm về cội nguồn văn hóa. Thú chơi tao nhã này cũng có phần thực dụng và a dua theo thời.
Người Hà Nội xưa đến ngày tết lượn vào chợ hoa Hàng Lược, vào vườn hoa Ngọc Hà hay lên Nhật Tân dăm bảy lần rồi mới chọn cho mình một cành đào. Đi mua hoa thì chỉ cần một lúc nhưng thưởng hoa thì cả tuần vào những giờ thanh thản.
Đi chợ chữ phải la cà hỏi han tìm hiểu bổ sung cho phần khiếm khuyết của mình rồi mới quyết định xin chữ cho phù hợp vơi mình thì đó mới là người cẩn trọng để chơi, mà vẫn nâng cấp văn hóa của mình thì việc xin chữ sẽ có ý nghĩa hơn nhiều. Tôi vẫn mong mọi người chơi xuân với chợ chữ theo hướng ấy.
Chợ chữ Hồ Văn, tôi yêu nó và muốn những ai đến chợ đó hãy coi là dịp bổ sung thêm cho mình những giá trị nhân văn. Đi chợ phải mua về được thứ hàng đáng giá !
Chúc mọi người đến chợ đem được thêm những giá trị nhân văn về cho mình