Tuy nhiên, trước khi bắt tay làm việc được cho là “dũng cảm” thì các bậc cha mẹ có thể tham khảo kinh nghiệm của những người đi trước.
Tạo môi trường giáo dục thoải mái nhất
Anh Đặng Quốc Anh - bố của hai em Nhật Anh và Thái Anh chia sẻ, việc cho hai con nghỉ học không phải là chủ ý của gia đình mà là 1 tình huống bắt buộc, 1 phương pháp trong 1 giai đoạn mà thôi. “Năm lớp 10, Nhật Anh bị sốt xuất huyết nặng, việc phục hồi sức khỏe tốn thời gian dài, trong khi chương trình học nặng nề, thời khóa biểu căng thẳng cả tuần khiến cháu không theo nổi. Trước tình hình này, gia đình tính đến phương pháp học khác phù hợp, đồng thời tự Nhật Anh cũng xin bố mẹ cho được nghỉ học. Quyết định được tất cả mọi người ủng hộ” - anh Quốc Anh kể. Một thời gian sau, Nhật Anh nhanh chóng bắt nhịp được mô hình homeschooling (tạm gọi là tự học tại nhà) và tiến bộ rõ rệt. Thế là cậu em Thái Anh cũng đòi cho nghỉ học theo.
Tương tự, gia đình chị Phan Ngọc Diệp, anh Đào Huy Quang (Hà Nội) cũng thực hiện hình thức dạy học tại nhà với 3 con là Đào Minh Quang (SN 2004), Đào Diệp My (SN 2006) và Đào Duy Quang (SN 2009). Vợ chồng chị Diệp, anh Quang từng sống tại nước ngoài. Khả năng tiếng Anh tốt, chị Diệp có thời gian làm cho một tổ chức phi chính phủ. Anh Quang hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, hay dự thi nhiều nơi nên hiểu cảnh chạy đua thành tích ở mỗi cấp học. Cộng thêm tính chất công việc luôn thay đổi, tôn trọng cá tính các con, anh chị quyết định dạy ba đứa ở nhà để có môi trường giáo dục thoải mái nhất.
Về việc 2 con sẽ gặp khó khăn bằng cấp sau này, anh Quốc Anh tâm niệm, chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, người Việt Nam đi làm việc ở các nước khác và các nước xung quanh cũng đến làm việc Việt Nam để làm việc. “Do đó, cơ hội việc làm của trẻ không hề thấp. Tốt nghiệp trung học phổ thông ở Việt Nam cũng là chỉ là 1 con đường, chúng ta cũng có thể có bằng cấp quốc tế, nhiều trường quốc tế hiện nay vẫn có bằng ngay tại đất nước Việt Nam. Việc bằng cấp bây giờ trở thành không gian mở rồi chứ không còn như ngày xưa chỉ có bằng đại học mà thôi” - anh Quốc Anh nói.
Ngoài ra, anh Quốc Anh cũng cho biết thêm, dù học không học ở trường nhưng con anh vẫn tham gia các lớp học kỹ năng khác ở bên ngoài như học đàn, học tiếng Anh, thể thao hay tham gia các hội nghị quốc tế, hội thảo khoa học... để tiếp xúc với nhiều bạn trên thế giới... Minh chứng là Thái Anh có thành tích thi IELTS đạt 8.5 khi chưa tròn 13 tuổi; Nhật Anh IELTS đạt 8.0 khi em 17 tuổi.
Còn quan điểm của anh Quang và chị Diệp là hướng con trở thành người có ích cho xã hội, thậm chí có thể không vào đại học. Tuy nhiên, nếu con cố gắng, cha mẹ sẽ tạo điều kiện cho các cháu du học, khi đó sẽ hoàn thành bài thi chuẩn hóa quốc tế.
Ba cha con anh Quốc Anh |
Cha mẹ cần bổ sung những hoạt động cộng đồng
Dù mô hình không đến trường còn mới ở Việt Nam, nhưng không ít phụ huynh vẫn muốn tự dạy con mình từ kiến thức trong sách giáo khoa đến các kỹ năng sống. Đây là xu hướng đang ngày càng thu hút sự chú ý của các bà mẹ ở thành phố lớn, có điều kiện kinh tế, nhất là khi mạng Internet phát triển như hiện nay.
Tuy nhiên, mô hình homeschooling vẫn đang nhận nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Theo TS Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội), trẻ em học gì, học như thế nào cũng là để sống tốt trong cộng đồng. Còn chương trình học ở nhà bó hẹp trong gia đình sẽ khiến các em thiếu kỹ năng hòa nhập.
Ngược lại, PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo cho rằng, mô hình này phát triển như một xu thế tất nhiên của xã hội. Đây là biện pháp giáo dục thay việc học “mặt đối mặt” bằng hình thức dạy và học trực tuyến. Nếu phát triển phương pháp này sẽ mang đến sự hữu ích khi giảm số lượng học sinh trong nhà trường, nâng cao chất lượng học tiếng Anh và hòa nhập với trình độ quốc tế. Có điều, ông khuyến cáo cha mẹ cần bổ sung những hoạt động cộng đồng để “dung hòa” được sự phát triển của con giữa gia đình và xã hội.
Nhiều năm nghiên cứu phương pháp này, chị Phạm Thiên Hương (Hà Nội) cũng cho rằng, các gia đình cần xác định rõ mục tiêu và mong muốn khi chọn homeschooling; cần tìm được chương trình phù hợp; tạo môi trường thực tế, sáng tạo; nên áp dụng mô hình của những người đã thành công trên thế giới; tạo được cộng đồng cho con.
Khi được hỏi có thể đưa ra lời khuyên nào cho các gia đình dự định lựa chọn homeschooling, anh Quốc Anh nhấn mạnh: Homeschooling không bao giờ là phương pháp dễ dàng mà là phương pháp tốn nhiều công sức, nguồn lực. Đó là tiền bạc, thời gian, số người tham gia, sự đồng thuận… Cần nói rõ, homeschooling chỉ là một hình thức học bình thường như các hình thức học khác như học tại trường, học từ xa, học thêm, học qua mạng… dù đối tượng và thời điểm áp dụng có khác nhau.
Anh Quốc Anh cho biết: “Tôi nghĩ homeschooling chỉ dành cho những trường hợp đặc biệt, có thể là học chậm hoặc hoặc học nhanh hơn, và cả hai trường hợp này đều rất tốn công. Khi thực hiện con đường khó khăn thì phải đủ ý chí. Đối với những trường hợp đại trà vẫn nên đi học trên trường. Tôi nghĩ phụ huynh không nên vận dụng cứng nhắc bất cứ hình thức nào, mà nên vận dụng uyển chuyển theo từng giai đoạn phát triển của trẻ trong một sự phối hợp tốt giữa các hình thức. Có rất nhiều trẻ đang học ở trường nhưng đạt thành tựu nhờ tự học ở nhà. Cũng có rất nhiều trẻ học ở nhà nhưng lại tham gia các lớp học phát triển năng lực theo khả năng của mình, có thể là tốt hơn hay thấp hơn trình độ phát triển trung bình”.