“Dính đòn” pháp luật vì thiếu hiểu biết
T. là một du học sinh Việt Nam tại bang Texas – Mỹ. Vào một ngày đẹp trời cuối năm ngoái, T hứng chí lái xe bon bon trên đường cao tốc. Bỗng dưng, T thấy có xe cảnh sát hụ còi đuổi theo và ra hiệu cho T. dừng xe để kiểm tra.
Làm theo hiệu lệnh, T. dừng xe và theo thói quen như khi ở Việt Nam, T. mở cửa bước ra khỏi xe định hỏi xem các ông cảnh sát thổi mình lỗi gì. Nào ngờ, vừa bước ra khỏi xe, T. đã bị cảnh sát bắn thẳng vào chân vì không tuân thủ.
Y. cũng là một du học sinh Việt Nam tại bang California – Mỹ. Nhân ngày sinh nhật tròn 19 tuổi, Y. đã mời bạn bè đến dự bữa tiệc sinh nhật của mình. Được bạn bè chúc tụng, thách đố, hứng chí Y. đã cầm chai rượu ngửa cổ tu. Nào ngờ hành động đó bị bà hàng xóm khu chung cư nơi Y. ở nhìn thấy và báo cảnh sát. Và kết quả là Y. phải ghé thăm đồn cảnh sát với tội danh uống rượu khi chưa đủ tuổi.
V. là một du học sinh ở Anh rất mê nhạc. Khi sang Anh, được tiếp cận với nhiều trang web âm nhạc đặc sắc, vì muốn tải về Iphon của mình để nghe cho đã nên V. đã dùng phần mềm lậu để tải nhạc về. Vả lại, trong suy nghĩ của V., ở nhà (tức ở Việt Nam), V. vẫn xài chùa mãi vậy có sao đâu. Không những tải lậu, V. còn hào phóng chia sẻ với bạn bè.
Cho đến một ngày, phòng V. có tiếng gõ cửa. Đi cùng cảnh sát là luật sư đại diện cho một số hãng đĩa kiện V. sử dụng trái phép nhiều bản nhạc, ca khúc. Tiền phạt theo quy định của luật bản quyền lên tới mấy trăm nghìn bảng cộng thêm việc bị ghi vào học bạ.
Chị Bùi Hoài A. ở quận Hoàn Kiếm Hà Nội có hai con đang du học ở Úc cho biết, khi làm thủ tục cho con đi học tại công ty du học, chị chỉ thấy nhân viên tư vấn nhắc nhở về chuyện học hành, ăn ở, tiền bạc, chứ tuyệt nhiên không nhắc gì đến các quy định pháp luật ở nước sở tại về một số hoạt động thường ngày như đi lại, lưu trú… xem có gì khác ở Việt Nam để phụ huynh nắm được còn lưu ý con em.
Vốn công tác trong ngành pháp luật, chị A. có hỏi, nhưng nhân viên tư vấn lắc đầu, khuyên: “Cũng không có gì nghiêm trọng đâu chị. Cứ nhắc cháu người ta làm gì mình theo đó là được mà”. Nhưng không phải gia đình có con đi du học nào cũng quan tâm tới chuyện pháp luật như chị A. Lại cộng thêm sự bỏ lơ của công ty tư vấn du học về vấn đề này nữa, thế nên mới có những câu chuyện cười ra nước mắt như ba trường hợp nói trên.
Hình thành sớm ý thức tuân thủ pháp luật
Nói như vậy không có nghĩa là sự khác biệt về quy định pháp luật ở Việt Nam và các nước nơi du học sinh đến du học là rào cản lớn không thể vượt qua. Ngược lại, sự khác biệt thường là rất nhỏ, nhưng nếu gia đình không có chuẩn bị tư tưởng cho con em và bản thân người đi du học cũng không có ý thức tìm hiểu thì “sai một ly, đi một dặm” sẽ là điều tất yếu.
Như trường hợp của du học sinh T. tại bang Texas – Mỹ, tại sao T. lại bị cảnh sát bắn vào chân, trong khi T. không hề có hành động nào chống đối, đã dừng xe theo hiệu lệnh và mở cửa bước ra khỏi xe.
Nhưng T. đâu biết rằng theo Luật Liên bang ở Mỹ, khi lái xe, nếu bị cảnh sát hụ còi bắt tấp vào lề đường thì tất cả người trong xe bất luận là ai cũng phải ngồi yên tại chỗ, tắt máy xe, hai tay để trước mặt và chỉ khi cảnh sát đến cạnh mới hạ kính xe xuống. Nếu người ngồi trong xe không chấp hành nghiêm chỉnh như vậy hoặc mở cửa bước ra khỏi xe cảnh sát có quyền bắn ngay tại chỗ và trong trường hợp này cảnh sát không có lỗi.
Ở trường hợp của Y. , Y. đã bị mời tới ngồi đồn cảnh sát vì uống rượu trong tiệc sinh nhật 19 tuổi của mình chỉ đơn giản vì ở Mỹ theo luật 21 tuổi mới được quyền uống thức uống có cồn. Cũng phải nói thêm rằng, những tình huống ứng xử cần thiết này đã được nhắc đến rất nhiều trên một trang web do các du học sinh ở Mỹ tự lập để trao đổi với nhau, nhưng có lẽ nhiều du học sinh quen thói xem thường pháp luật như ở Việt Nam nên không để ý.
Nói như vậy không có nghĩa cứ con em xách va ly đi du học là sẽ gặp ngay chuyện rắc rối về pháp luật. Mọi việc sẽ tốt đẹp nếu như từng gia đình và du học sinh sớm có ý thức chuẩn bị và tìm hiểu ngay từ ở nhà, cũng như khi đã đặt chân sang nước du học.
Xin trích dẫn lời khuyên của Hoàng Thùy M. một người đã từng là du học sinh nay lại tiếp tục công việc giúp đỡ, tư vấn các du học sinh ở một công ty tư vấn du học uy tín rằng: thứ nhất đừng bao giờ quên bỏ qua quyển Cẩm nang du học, thứ hai phải tuyệt đối tuân thủ những quy định pháp luật của nước đang du học dù trong thâm tâm có cho rằng nó thật nhỏ và thật vô lý, thứ ba nếu đã lỡ phạm luật thì phải nghiêm chỉnh chấp hành, còn nếu như cảm thấy vấn đề nghiêm trọng ngoài tầm kiểm soát phải báo ngay với văn phòng nhà trường hoặc người bảo lãnh để được tư vấn kịp thời.