Theo vị chuyên gia này, mặc dù xác định năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp phát triển song cho đến nay, với 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ mới tạm xác định được 6 ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, còn các chính sách ưu tiên thì… “quy định cho có”…
Tranh luận 6 “gai mít”…
Ngày 1/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1043/2013/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược Công nghiệp hoá của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Theo đó, 6 ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển là: Điện tử, ô tô, máy nông nghiệp, chế biến nông thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Ba tiêu chí mà 6 ngành công nghiệp này phải đạt là: đóng vai trò chủ lực của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế thông qua thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước (đặc biệt là của Nhật Bản), đồng thời lan tỏa công nghệ và kỹ năng.
Trước đó, sau mấy năm thảo luận, đến đầu năm 2011, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được chính thức ban hành thông qua Quyết định 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011. Chính sách này chỉ quy định các chính sách khuyến khích phát triển CNHT đối với các ngành: Cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dêt may, da giày và CNHT cho phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Tuy vậy, ông Ánh thừa nhận ông cũng không hiểu như thế nào được gọi là “công nghệ cao”. “Tôi có sang Bộ KH&CN để hỏi thì được giải thích là ngành đó phải có từ bao nhiêu tiến sỹ, bao nhiêu kỹ sư… thì mới được coi là công nghệ cao (!?). Một khi không biết nó là gì thì phát triển như thế nào?”- TS Ánh thành thật.
Đồng tình có sự khác nhau trong danh mục các lĩnh vực ưu tiên phát triển, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng Quyết định 12/2011/QĐ-TTg là quy định chung, còn Quyết định 1043/2013/QĐ-TTg là quy định trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản.
Tuy nhiên, Phó Viện trưởng CIEM cũng thừa nhận sau 2 năm có Quyết định 1043/2013/QĐ-TTg, một trong những quan điểm của Chiến lược này là tạo dựng và củng cố liên kết sản xuất giữa DN Nhật Bản và DN trong nước vẫn chưa có tiến triển…
Doanh nghiệp trong nước muốn được ưu đãi như doanh nghiệp FDI
Theo TS Nguyễn Mạnh Dũng, Cục Chế biến Nông lâm sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), các DN chế biến nông sản và thủy sản của Việt Nam (trừ các DN FDI) hầu hết là các DN vừa và nhỏ nên cũng chưa chú ý đến việc phát triển CNHT cho các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận điểm mạnh của các DN Việt Nam nói chung và các DN chế biến hiện tại nông sản, thủy sản nói riêng là rất giỏi thích nghi với hoàn cảnh.
Trong lĩnh vực sản phẩm phụ trợ cũng vậy, cách DN chế biến nông sản luôn biết các tự cân bằng với sự thiếu hụt các sản phẩm phụ trợ đối với ngành của mình. Điều này giải thích vì sao sự liên kết giữa các DN yếu, đặc biệt giữa các DN Việt Nam và các DN nước ngoài.
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng được chỉ ra là chính sách khuyến khích phát triển CNHT dường như “quy định cho có”, nội hàm chung chung: “Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển CNHT”.
TS Vũ Đình Ánh dẫn ra một loạt chính sách khuyến khích tại Quyết định 12/2011/QĐ-TTg. TS Ánh cho rằng những chính sách khuyến khích về hạ tầng dường như chẳng có DN nào tiếp cận được như các dự án sản xuất sản phẩm CNHT được ưu tiên hỗ trợ và dành quỹ đất thích hợp cho dự án về diện tích, vị trí, tiền thuê đất…
“Thế nào là quỹ đất thích hợp? Rất nhiều DN được trả lời là cứ đợi đấy để chúng tôi tìm quỹ đất thích hợp!”- ông Ánh cho biết. Chính sách đã ít, thực hiện càng ít hơn. Rất nhiều DN chia sẻ: “Chúng tôi chẳng cần xin ưu đãi gì, chỉ cần được ưu đãi như DN FDI…”- TS Ánh phát biểu.
Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân ngành CNHT mặc dù được xác định là trọng yếu nhưng vẫn phát triển ì ạch là do Nhà nước chưa hỗ trợ mạnh mẽ và có hiệu quả trong việc tạo ra sự chuyên biệt về phát triển CNHT. Nhiều DN kiến nghị chính sách cho phép khấu hao nhanh, hoàn thuế thu nhập cho tái đầu tư các dự án CNHT; cho phép DN CNHT nâng mức trích lập quỹ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từ 10% thu nhập tính thuế hiện nay lên mức 30%...
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng thừa nhận: “Chúng ta chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, vị trí chiến lược của CNHT trong giai đoạn hội nhập, từ đó dẫn đến hệ thống chính sách chưa phù hợp, thiếu công nghệ, vốn, nguồn nhân lực. Tôi nghiên cứu chính sách CNHT thấy nhiều nội dung không phù hợp với chính sách và 7 hiệp định FTA đã ký…”.