Người dân yên tâm bám bản, trồng và phát triển rừng
Yên Bái là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, có diện tích tự nhiên 689.267ha, diện tích quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp đến năm 2025 là 487.681ha. Nhờ duy trì hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng, tỷ lệ che phủ rừng nằm trong tốp cao của cả nước.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh cùng cán bộ kiểm lâm huyện Yên Bình khảo sát năng suất rừng trồng. |
Trước đây, gia đình ông Giàng A Chua (ở thôn Khấu Ly, xã Bản Mù, huyện Mù Cang Chải) nằm trong danh sách hộ nghèo của địa phương. Nhà đông người, trong khi nguồn thu nhập chính lại chỉ trông vào ruộng nương trồng lúa nên cuộc sống của gia đình ông rất khó khăn. Thậm chí, có thời điểm phải chạy ăn từng bữa, cũng vì thế mà thường xuyên phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, cuộc sống của gia đình ông đã sang trang mới khi bắt đầu được nhận hàng chục triệu đồng mỗi năm từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng trên diện tích rừng nhà nước giao khoán trông coi.
“Hiện mỗi năm gia đình nhận hàng chục triệu tiền dịch vụ môi trường rừng từ hơn 20 ha rừng tự nhiên; 7,5 ha rừng cây gỗ lớn. Đây là một nguồn thu nhập ổn định giúp gia đình có thêm nguồn vốn cho chăn nuôi, trồng trọt, mua sắm nhiều vật dụng trong nhà, nuôi con cái ăn học.
Giờ đây chăm sóc, bảo vệ và trồng rừng là nghề chính của cả gia đình, cuộc sống ổn định hơn, nên gia đình ông rất yên tâm gắn bó với rừng và bảo vệ rừng”, ông Giàng A Chua phấn khởi cho biết.
Về xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, dừng bước bên một cây gỗ dổi cỡ 3 người ôm vươn cao lên bầu trời, anh Trần Văn Son (Tổ trưởng bảo vệ rừng bản Nả, xã Việt Hồng) cho biết, hiện tổ đang quản lý 457ha rừng phòng hộ đầu nguồn, các loại cây gỗ bản địa như dổi, de, sến, táu nhờ quản lý chặt chẽ nên phát triển tốt.
Khoản tiền từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là nguồn thu nhập đáng kể, ổn định lâu dài đã giúp các hộ trồng rừng cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. |
Cách quản lý của tổ là phân chia từng lô, thửa rừng cho 17 thành viên tuần tra theo định kỳ và đột xuất. Từ tiền khoán bảo vệ rừng và tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, bình quân 300 nghìn đồng/ha/năm, tổ bảo vệ rừng bản Nả hoạt động hiệu quả, 7 năm liên tục không để xảy ra cháy rừng, không có vụ việc nào liên quan đến hủy hoại rừng.
Để giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt 70%, Hạt Kiểm lâm huyện Trấn Yên đã tham mưu cho UBND các xã, tiến hành tổ chức Hội nghị thành lập các Ban quản lý rừng cộng đồng dân cư thôn, bản tiến hành ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng đối với các cộng đồng dân cư nhận khoán tại các xã.
Đến nay, Trấn Yên đã thành lập 45 cộng đồng dân cư thôn bản tại các xã, thực hiện khoán bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ và tự nhiên sản xuất với diện tích hơn 9.371ha, tại 14 xã với 579 thành viên.
Cuối năm 2022, Hạt kiểm lâm huyện đã nghiệm thu diện tích rừng tự nhiên khoán bảo vệ 9.359,98ha để thực hiện chi trả khoán bảo vệ rừng đến 44 ban quản lý cộng đồng ở 14 xã, bảo đảm đúng, đủ, kịp thời, góp phần giúp người dân có thu nhập chính đáng từ rừng.
Lan tỏa chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng
Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có trên 325 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc diện cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Loại rừng này chia theo 4 lưu vực sông, suối chính của địa bàn 8 huyện, thị trải rộng trên 100 xã, phường, thị trấn. Hiện có trên 53.000 hộ gia đình được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng thông qua việc tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
Trồng rừng không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà còn giúp người dân làm giàu, nhiều gia đình có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm không còn là chuyện hiếm ở tỉnh miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái. |
Tùy theo vị trí và tính chất của từng khu rừng mà đơn giá dịch vụ môi trường rừng khác nhau, dao động từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng/ha/năm. Đây là nguồn thu nhập đáng kể, ổn định lâu dài đã giúp các hộ trồng rừng cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Không chỉ giúp cho người dân có thêm thu nhập, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Yên Bái còn lan tỏa “năng lượng” tích cực trong cộng đồng.
Ông Giàng A Phong (xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải) chia sẻ: Trước đây, cuộc sống còn khó khăn, ông, cũng như nhiều người khác đã từng vào rừng chặt cây lấy gỗ, củi về đun; thậm chí phá rừng làm nương.
“Bây giờ khác rồi, rừng được coi như tài sản của gia đình, không có rừng hoặc rừng nghèo là không được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Mỗi người trong bản đều phải có trách nhiệm giữ rừng, khi phát hiện khu vực nào có hiện tượng xâm hại, lấn chiếm rừng thì thông báo kịp thời với cán bộ kiểm lâm xử lý và ngăn chặn kịp thời”, ông Giàng A Phong nói.
Cùng với việc nâng cao ý thưc giữ rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng động viên người dân chung tay xây dựng nông thôn mới; cùng nhau đóng góp làm đường, làm nhà văn hóa thôn, sân chơi thể thao thôn, xây bể chứa rác thải công cộng… Đồng thời cùng nhau đóng góp để duy tu, bảo vệ, sử dụng các công trình đó.
Từ thực tế cho thấy, chính sách dịch vụ môi trường rừng còn đang tác động không nhỏ, làm tăng nhanh diện tích rừng và độ che phủ trên toàn tỉnh Yên Bái. Diện tích đất có rừng toàn tỉnh, đến nay là 433.967,4ha, trong đó rừng tự nhiên 214.796,9ha; rừng trồng 219.170,5ha; tỷ lệ che phủ của rừng đạt 63%.
Hằng năm, hàng vạn người dân trong tỉnh có thu nhập hơn 100 tỷ đồng từ hưởng dịch vụ môi trường rừng. Chính sách dịch vụ môi trường rừng đã mang lại quyền lợi cho người dân, từ đó làm thay đổi ý thức người dân từ chặt phá, khai thác rừng sang trồng và tu bổ rừng, người dân có trách nhiệm phát triển rừng bền vững gắn với đa dạng sinh học.
Thực hiện chủ trương quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tận gốc, hàng chục nghìn thôn, bản được ngành kiểm lâm giúp đỡ xây dựng và thực hiện tốt quy ước, hương ước bảo vệ rừng. Yên Bái phấn đấu trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao của vùng Trung du và miền núi phía bắc.