Liên tiếp 3 năm tăng chỉ số hạnh phúc
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc," trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy (thứ hai, bên trái) và các đại biểu tham gia màn đại xòe cùng nhân dân tại Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2023. |
Để nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chính sách ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường... Đặc biệt, đã quan tâm bố trí nguồn lực và ban hành các chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm phấn đấu xây dựng cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn.
Sau hơn nửa nhiệm kỳ triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, tới nay, kết quả khảo sát Chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đạt kết quả vượt bậc: Từ đầu nhiệm kỳ năm 2020 là 53,3%, đã tăng lên 58,11% năm 2021, lên 62,57% năm 2022 và tăng lên năm 2023 là 65,62%. Yên Bái phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 15% so với đầu nhiệm kỳ.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, là địa phương đầu tiên đưa chỉ số hạnh phúc là một chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội, Yên Bái lựa chọn cách làm căn cơ, bài bản nhưng không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và của địa phương.
Chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái được đánh giá dựa trên 3 tiêu chí đó là: sự hài lòng về cuộc sống, sự hài lòng về môi trường sống và tuổi thọ trung bình. Yên Bái phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 15% so với đầu nhiệm kỳ. |
Cùng với bộ chỉ tiêu đánh giá chung về chỉ số hạnh phúc của người dân, tỉnh còn nghiên cứu, ban hành các bộ chỉ tiêu đo lường chỉ số hạnh phúc của cộng đồng và các tổ chức như: trường học hạnh phúc; khu dân cư hạnh phúc; thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc; xã, phường, thị trấn hạnh phúc...
“Đến nay kết quả khảo sát đã khẳng định chỉ số hạnh phúc đã thực sự trở thành động lực, nền tảng tinh thần quan trọng, thể hiện quyết tâm cao độ với những bước đi bài bản, những giải pháp cụ thể, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ở Yên Bái với mục tiêu chung đó là tất cả vì hạnh phúc của nhân dân", Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Xây dựng đội ngũ “công bộc” gắn với mục tiêu phát triển
Cũng theo Bí thư Đỗ Đức Duy, từ đặc điểm của tỉnh miền núi nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lên cao; địa hình chia cắt, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, Tỉnh ủy Yên Bái xác định lấy công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp làm khâu “then chốt”, động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội. Sau nhiều giải pháp căn cơ, đột phá, đội ngũ cán bộ của tỉnh đã không ngừng lớn mạnh, phát huy tốt trí tuệ, năng lực, nhiệt huyết cùng tập thể cấp ủy, đơn vị hoàn thành nhiều mục tiêu, nhiệm vụ được giao.
Tại cơ sở, nhiều đổi mới, sáng tạo đã được đội ngũ cán bộ trong tỉnh áp dụng thành công đưa Yên Bái ngày càng tiến gần tới mục tiêu: xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc. |
Năm 2018, trước những yêu cầu, thách thức ngày càng cao trong xu thế phát triển, hội nhập, Tỉnh ủy đã xây dựng, triển khai Đề án số 11ĐA/TU về “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” (Đề án 11).
Năm 2018, đang công tác tại Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Mù Cang Chải, đồng chí Sùng Thành Công được chọn lựa tham gia Đề án 11 trong diện đối tượng trẻ, người dân tộc. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, đồng chí được đưa xuống cơ sở để rèn luyện.
Đầu tiên là cương vị Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn, tiếp đến là Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha. Cả hai xã phần đông là đồng bào dân tộc Mông, còn nhiều khó khăn. Vận dụng kiến thức được học cùng với phát huy thế mạnh về ngôn ngữ, hiểu biết phong tục tập quán, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng ủy, UBND các xã tăng cường vận động nhân dân triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vật nuôi, cây trồng.
Nhiều thế mạnh của các địa phương đã được khai thác hiệu quả như các sản phẩm du lịch, đặc biệt là mặt hàng thổ cẩm của người Mông hay mô hình phát triển cây táo hàng hóa ở xã La Pán Tẩn; hợp tác xã sản xuất nông sản sạch (bắp cải, bí, dưa) ở xã Chế Cu Nha… góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.
Tỉnh Yên Bái trở thành điểm sáng về chăm lo phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa-xã hội, bảo đảm đồng bộ, hài hòa với phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bảo đảm công bằng trong giáo dục, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. |
Năm 2019, xã La Pán Tẩn được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước. Năm 2023, xã Chế Cu Nha được UBND huyện Mù Cang Chải ghi nhận, đánh giá cao trong phong trào vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, sau quá trình đào tạo đội ngũ cán bộ theo Đề án 11, kết quả là đã không chỉ khắc phục được tình trạng mất cân đối về cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trước đây mà còn nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý. Từ đội ngũ này, Tỉnh ủy Yên Bái bổ sung 81/191 đối tượng vào Dự án quy hoạch các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, 7 đối tượng quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 và 2025-2030.
Song song với công tác chọn lọc, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Tỉnh ủy Yên Bái cũng thay đổi nhiều giải pháp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo góp phần phát huy trí tuệ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp. Nổi bật là phương thức “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” hằng năm của các cấp ủy, địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh; trong đó yêu cầu phải xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, tiến độ hoàn thành và chất lượng sản phẩm cần đạt, gắn với phân công trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cá nhân lãnh đạo chủ trì triển khai thực hiện.
Nhiều đổi mới, sáng tạo đã được đội ngũ cán bộ trong tỉnh áp dụng thành công đưa Yên Bái ngày càng tiến gần tới mục tiêu: xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc. Tại huyện Yên Bình, tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ được thể hiện rõ qua tập trung lãnh đạo, triển khai phát huy thế mạnh nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Sau nửa nhiệm kỳ, huyện Yên Bình đã hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn như: Vùng phát triển cây lâm nghiệp với trên 36 ha rừng trồng, trong đó diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ FSC là 10.786,1 ha trở thành huyện dẫn đầu của tỉnh về diện tích rừng FSC. Kết quả này góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh lên mức 63%, tạo nền tảng hướng tới phát triển xanh, bền vững.
Với tiềm năng lớn về văn hóa, đội ngũ cán bộ nhiều địa phương đã tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị gắn với phát triển du lịch, tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Nổi bật là thị xã Nghĩa Lộ trở thành điểm du lịch hấp dẫn với sự thu hút của “Nghệ thuật Xòe Thái” - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải hay huyện Văn Yên với Lễ hội đền Đông Cuông… Hiện các địa phương trong tỉnh đang mở rộng liên kết với nhiều tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế đưa du lịch kết hợp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn.
“Nhờ sự đóng góp của đội ngũ cán bộ các cấp, hơn nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh đã hoàn thành nhiều mục tiêu nhiệm vụ đề ra. Đã có 18/19 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 19 Đảng bộ tỉnh được dự báo hoàn thành và hoàn thành vượt mức đề ra, trong đó có một số chỉ tiêu đề ra cho năm 2025 đã hoàn thành sớm. Những kết quả này đã được nhân dân ghi nhận qua cuộc khảo sát đánh giá về chỉ số hạnh phúc của người dân, từ đầu nhiệm kỳ năm 2020 từ 53,3%, đã tăng lên 65,62% năm 2023”, Bí thư Đỗ Đức Duy nói.
Thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, môi trường sống, sự hài lòng và tuổi thọ của nhân dân. Tỉnh tổ chức tốt các phong trào thi đua xây dựng, nhân rộng các mô hình "Trường học hạnh phúc," "Gia đình hạnh phúc," "Khu dân cư hạnh phúc," "Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc," "Xã, phường, thị trấn hạnh phúc," "Huyện, thị xã, thành phố hạnh phúc," phấn đấu đến năm 2025, chỉ số hạnh phúc của người dân sẽ vượt mục tiêu Nghị quyết là 68,3%.