Đang có sự nhầm lẫn về bản chất trợ giúp pháp lý
Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một chính sách “giảm nghèo về pháp luật” trong tổng thể các chính sách về giảm nghèo của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tư pháp, 8 năm qua, trong quá trình triển khai thực hiện Luật TGPL đã có những sự nhầm lẫn, thậm chí là “chệch hướng” về hoạt động TGPL.
Một số nơi đã nhầm lẫn coi hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ của TGPL. Trong khi nguồn lực thực hiện TGPL còn hạn chế, việc chồng lấn với nhiệm vụ của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Hơn nữa, tại Điều 27 và Điều 38 Luật TGPL quy định hình thức tư vấn pháp luật được thực hiện thông qua TGPL lưu động, sinh hoạt chuyên đề pháp luật, Câu lạc bộ TGPL và các phương thức khác. Các quy định này đã dẫn đến một nguồn lực lớn của Nhà nước (nguồn lực con người và tài chính) dành cho các hoạt động này trong khi nguồn lực dành cho nhiệm vụ chính, trọng tâm của công tác TGPL là thực hiện các vụ việc TGPL, bảo vệ quyền và nghĩa vụ cơ bản của nhóm đối tượng yếu thế còn hạn chế.
Trên thực tế, hoạt động TGPL hiện nay đang được thực hiện một cách dàn trải theo nhiều hình thức, nhất là các hoạt động TGPL ở cơ sở như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL, TGPL lưu động. Số lượng vụ việc TGPL được thực hiện bằng các hình thức như tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật tại trụ sở và tư vấn tiền tố tụng còn hạn chế so với yêu cầu của thực tiễn.
Bên cạnh đó, các quy định của Luật TGPL hiện hành chưa thể hiện được bản chất và đặc trưng của dịch vụ TGPL là trách nhiệm xã hội của Nhà nước, do Nhà nước bảo đảm. Vì vậy, trong xã hội, quan niệm về TGPL chưa được hiểu thống nhất, rõ ràng dẫn đến việc nhầm lẫn giữa hoạt động giúp đỡ pháp luật miễn phí được quy định ở Luật Luật sư với hoạt động TGPL được quy định ở Luật TGPL.
Trong xã hội, nhiều người vẫn cho rằng dịch vụ pháp lý miễn phí chính là dịch vụ TGPL, trong khi dịch vụ pháp lý miễn phí là dịch vụ thiện nguyện của luật sư (tiếng Anh là từ “probono”). Do đó, hiện nay ngoài những chủ thể được quy định trong Luật TGPL thì trên thực tế còn có một số tổ chức khác cũng đang sử dụng thuật ngữ TGPL để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho các đối tượng khác nhau trong xã hội như các tổ chức sự nghiệp của Hội Luật gia, Liên đoàn Luật sư, Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo ở Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam…
Thực hiện có lộ trình
Theo đề xuất ban đầu của Ban soạn thảo Dự án Luật TGPL (sửa đổi), người thực hiện TGPL trong Luật sửa đổi sẽ là luật sư. Luật sư thực hiện TGPL theo hợp đồng lao động với cơ quan quản lý TGPL (luật sư công thực hiện TGPL) và luật sư thực hiện TGPL theo hợp đồng giữa cơ quan quản lý TGPL với tổ chức thực hiện TGPL.
Quy định này là để phù hợp với Đề án Đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 – 2025 với mục tiêu chung là đổi mới công tác TGPL theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa với lộ trình phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, khu vực, tiến tới sau năm 2025 người thực hiện TGPL là luật sư hành nghề, bảo đảm cho các đối tượng thuộc diện được TGPL được cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời, chất lượng tương đương với dịch vụ pháp lý trên thị trường.
Tuy nhiên, không phải quy định như vậy thì ngay lập tức tất cả những người thực hiện TGPL phải là luật sư. Theo tinh thần Đề án Đổi mới công tác TGPL, từ nay đến khi Luật TGPL sửa đổi có hiệu lực, Nhà nước sẽ ban hành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho trợ giúp viên pháp lý và có cơ chế đặt hàng thực hiện dịch vụ công với các trung tâm, tổ chức tham gia TGPL và các luật sư thực hiện TGPL.
Trong giai đoạn này, Nhà nước cũng sẽ xây dựng cơ chế chuyển đổi các trợ giúp viên pháp lý thành luật sư và luật sư này sẽ được Nhà nước ưu tiên ký hợp đồng để thực hiện TGPL. Giai đoạn từ khi Luật TGPL (sửa đổi) có hiệu lực đến năm 2025, Nhà nước sẽ chuyển đổi có lộ trình các trung tâm từ việc trực tiếp cung cấp dịch vụ TGPL thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL; dịch vụ TGPL do tổ chức hành nghề luật sư và luật sư thực hiện. Phải tới sau năm 2025, người thực hiện TGPL sẽ là luật sư, Nhà nước ký hợp đồng thường xuyên hoặc hợp đồng vụ việc với luật sư.
Theo nhận định của một số chuyên gia, nếu quy định này được thông qua thì đây sẽ là một “cuộc cách mạng” trong công tác TGPL, chuyển hẳn hoạt động TGPL mang tính phong trào hiện nay về đúng bản chất của nó là tập trung vào vụ việc, giúp đỡ người yếu thế trong xã hội và lấy người TGPL làm trung tâm. /.