Năm 2015 sắp kết thúc, ông có thể phác qua một vài nét nổi bật về kinh tế - xã hội mà Đảng bộ và nhân dân Lâm Đồng đã đạt được trong năm qua?
- Quán triệt Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX tỉnh Lâm Đồng đã phấn đấu tăng trưởng kinh tế với tốc độ hợp lý và có bước phát triển.
Trong 18 chỉ tiêu chủ yếu thì có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, tăng trưởng kinh tế đạt 14,1%, GRDP bình quân đầu người (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 45,2 triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, diện tích, năng suất các loại cây trồng chính đều đạt và vượt kế hoạch.
Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được các địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến ổn định và phát triển; tổng mức đầu tư xã hội tăng so với cùng kỳ và đạt kế hoạch đề ra; ngành dịch vụ tiếp tục tăng trưởng ổn định; dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông tiếp tục duy trì và ngày càng đáp ứng nhu cầu của nhân dân; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 480 triệu USD, khách du lịch đến Lâm Đồng ước đạt 5,1 triệu lượt, tăng 6,3% so cùng kỳ.
Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đông đảo nông dân hưởng ứng và tích cực tham gia, đến năm 2015 đã có 43 xã và 01 huyện được công nhận đạt chuẩn về nông thôn mới. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế đáp ứng được yêu cầu đặt ra. An sinh xã hội đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Vậy theo ông, tồn tại lớn nhất của địa phương hiện nay là gì?
- Hiện nay, tồn tại lớn nhất của địa phương cần khắc phục trong thời gian tới đó là: Kinh tế địa phương tuy có bước phát triển nhưng chưa bền vững; chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển của địa phương. Tiến độ thu ngân sách còn chậm; thu hút đầu tư vẫn khó khăn. Công tác cải cách hành chính, nhất là giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng còn chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người dân.
Chủ tịch đánh giá thế nào về công cuộc cải cách hành chính của Lâm Đồng thời gian qua? Hướng tới Lâm Đồng sẽ làm gì trong việc cải cách thủ tục hành chính để giúp người dân và doanh nghiệp được thuận lợi hơn khi đến với cơ quan công quyền tại địa phương?
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt |
Giai đoạn 2011 - 2015, Lâm Đồng đã ban hành 70 quyết định để tiếp tục cập nhật, công bố bổ sung Bộ thủ tục hành chính các cấp; đến nay, trên địa bàn tỉnh đã công bố, công khai 1.647 thủ tục hành chính (có 179 thủ tục liên thông).
Cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” được triển khai thực hiện tại 100% cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh với số lượng thủ tục hành chính áp dụng tiếp tục được nâng cao qua các năm. Đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thường xuyên được củng cố, tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc tại bộ phận “một cửa” được quan tâm đầu tư.
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, cải cách lề lối làm việc nhằm phục vụ xã hội tốt hơn, Lâm Đồng sẽ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính ; thực hiện tốt quy trình “một cửa liên thông”. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm “một cửa liên thông” hiện đại, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng.
Tỉnh sẽ thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ, tư vấn cho các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu đầu tư, triển khai dự án đầu tư. Thường xuyên cập nhật thông tin cơ chế, chính sách có liên quan đến hoạt động đầu tư nhằm cung cấp thông tin kịp thời đến nhà đầu tư trên các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, thế mạnh để hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác khảo sát thị trường và quyết định đầu tư tại địa phương.
Ngoài ra, Lâm Đồng cũng sẽ tích cực kêu gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư mạnh dạn phản ánh, kiến nghị những vấn đề vướng mắc, khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính để tỉnh kịp thời chấn chỉnh và thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Trong sự phát triển của địa phương, Tư pháp có vai trò như thế nào, thưa ông? Theo ông, những vấn đề nào Tư pháp Lâm Đồng cần quan tâm chú trọng hơn nữa trong năm 2016 và những năm tiếp theo?
- Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, công chức, viên chức Sở Tư pháp; chất lượng tham mưu cho UBND các cấp trong việc quản lý nhà nước về lĩnh vực tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực: công tác thẩm định văn bản từng bước đi vào nền nếp; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý ngày càng được tăng cường; công tác kiểm soát thủ tục hành chính, theo dõi thi hành pháp luật ngày càng được nâng lên; việc tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thanh tra, kiểm tra... được quan tâm đẩy mạnh để tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được của ngành Tư pháp tỉnh Lâm Đồng suốt 40 năm qua.
Tuy nhiên, thời gian tới ngành Tư pháp Lâm Đồng cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ lần thứ X; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của ngành phải bám sát chương trình, kế hoạch trọng tâm của Bộ Tư pháp và các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ hai, chú trọng nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng và hoàn thiện thể chế. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật. Hoạt động quản lý các lĩnh vực bổ trợ tư pháp phải được triển khai đồng bộ, thống nhất và phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp, đẩy mạnh xã hội hóa một số lĩnh vực hoạt động bổ trợ tư pháp. Việc phát triển các tổ chức bổ trợ tư pháp phải phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Thứ ba, đối với công tác thi hành án dân sự, ngành Tư pháp phải chủ động tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và Quy chế phối hợp công tác giữa cơ quan tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự địa phương.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương IV (khoá XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Thứ năm, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhiệm vụ công tác của ngành trong tình hình mới; khẳng định được vị trí, vai trò của ngành Tư pháp trong đời sống xã hội cũng như trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Trân trọng cảm ơn ông và chúc Lâm Đồng ngày càng phát triển.