Cần lan tỏa được giá trị của Bộ pháp điển ra xã hội
Được sự ủy quyền của Lãnh đạo Bộ, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL Đồng Ngọc Ba đã chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị. Theo ông Ba, công tác lập pháp trong 30 năm đổi mới của đất nước ta đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cạnh đó cũng có những bất cập, tác động không tốt đến đời sống kinh tế - xã hội. Một trong những bất cập đó là khối lượng văn bản lớn (chỉ tính riêng văn bản do cơ quan Trung ương ban hành đã lên tới con số 10 nghìn), thay đổi liên tục, cùng một vấn đề có thể quy định ở nhiều văn bản khác nhau với các cấp độ văn bản khác nhau.
Để khắc phục thực trạng trên và hướng đến mục tiêu đảm bảo tính công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ tiếp cận cho người dân nói chung thì pháp điển chính là giải pháp mới được đề ra. Ông Ba nhấn mạnh, những quy định đưa vào Bộ pháp điển phải là những quy định còn hiệu lực. Đáng chú ý là về mặt nguyên tắc, chúng là những quy phạm “sạch” vì trước khi pháp điển đã trải qua quá trình rà soát kỹ lưỡng, về cơ bản không có vấn đề về tính hợp hiến, hợp pháp, nhất là thông tư, nếu phát hiện ra những quy định không phù hợp, chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí trái pháp luật thì phải xử lý để bảo đảm nguyên tắc Nhà nước pháp quyền, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, ông Ba mong muốn khi cán bộ làm công tác pháp điển mà phát hiện các quy định được “đặt cạnh” nhau không phù hợp thì kiến nghị Bộ Tư pháp xem xét (với Thông tư) hoặc Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị theo thẩm quyền (từ văn bản cấp Nghị định).
Theo quy định hiện hành, lộ trình thực hiện pháp điển tiến hành trong vòng 10 năm từ 2013 – 2023 và đến nay, cùng sự tham gia của các bộ, ngành đã hoàn thành được 94/265 đề mục thuộc 45 chủ đề. Qua theo dõi, Cục Kiểm tra văn bản thấy rằng Bộ pháp điển (điện tử) đã bước đầu được xã hội đón nhận tích cực, khai thác và sử dụng. Đặc biệt, một số luật sư, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đã thường xuyên khai thác, sử dụng và coi Bộ pháp điển là một trong những công cụ hữu hiệu hỗ trợ giải quyết công việc. Với kết quả pháp điển này, ông Ba hy vọng Bộ pháp điển sẽ dần dần trở nên quen thuộc, lan tỏa được giá trị ra xã hội và đến một lúc nào đó, người dân, các cơ quan, tổ chức sẽ dùng Bộ pháp điển thay vì đọc các văn bản nguồn và ngược lại chỉ cần 1 cú “click”, người dùng Bộ pháp điển dễ dàng tiếp cận được văn bản nguồn.
Phát hiện được 19 văn bản đã hết hiệu lực từ lâu
Trưởng phòng Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL (Cục Kiểm tra văn bản QPPL) Nguyễn Duy Thắng đã giới thiệu những nội dung cơ bản về xây dựng Bộ pháp điển như các hình thức pháp điển hệ thống QPPL trên thế giới; cách thức pháp điển hệ thống QPPL ở Việt Nam; nguyên tắc thực hiện pháp điển; cấu trúc của Bộ pháp điển; giá trị sử dụng Bộ pháp điển… Đáng chú ý là trong thời gian làm pháp điển vừa qua đã phát hiện được 11 văn bản của Chính phủ, 8 văn bản của Thủ tướng Chính phủ hết hiệu lực từ lâu để kiến nghị Thủ tướng ra quyết định bãi bỏ.
Đây là một lợi ích rất rõ ràng của hoạt động pháp điển. Bên cạnh đó, ông Thắng còn chỉ ra một số ý nghĩa cơ bản của Bộ pháp điển như giúp cá nhân, tổ chức tiện lợi trong việc tìm kiếm, tra cứu, thỏa mãn nhu cầu sử dụng và tìm hiểu các quy định của pháp luật; bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống QPPL; tạo thuận lợi trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, Bộ pháp điển cũng có những hạn chế nhất định như không thực hiện pháp điển các QPPL đã hết hiệu lực, án lệ và tập quán.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá cao về sự cần thiết xây dựng Bộ pháp điển và đặc biệt ghi nhận Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh Pháp điển một cách hiệu quả, chất lượng, vượt tiến độ đề ra giúp Bộ pháp điển sớm đi vào cuộc sống, góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, một số ý kiến đề xuất Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa để sớm hoàn thành Bộ pháp điển và có hướng dẫn sử dụng cụ thể, rõ ràng để giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuận tiện trong việc tiếp cận nghiên cứu và áp dụng pháp luật trong giải quyết công việc.