Mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH đến năm 2015 là 18% dân số (chiếm 33% LLLĐ); năm 2020 là 29% dân số (chiếm 50% LLLĐ, khoảng 29 triệu lao động) sẽ gặp nhiều thách thức, nên tại “Hội nghị đối thoại chính sách trong sửa đổi Luật BHXH” do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và Ngân hàng Thế giới tổ chức hôm 1/8, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho biết, ngoài mục tiêu giảm số lượng người hưởng trợ cấp một lần và thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng để đảm bảo cân bằng Quỹ BHXH, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này sẽ hướng đến đảm bảo an sinh xã hội thông qua việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện…
E rằng “chỉ tạo thêm việc”
Hiện còn khoảng trên 5 triệu người chưa tham gia BHXH, tương ứng với số thu BHXH, bảo hiểm y tế khoảng 56.000 tỷ đồng/năm “là thất thoát lớn ảnh hưởng trực tiếp đến Quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động” nên “việc mở rộng đối tượng dưới 3 tháng sẽ góp phần khắc phục tình trạng bất cập này” được nhiều ý kiến tán thành nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp lách luật ký nhiều hợp đồng lao động dưới 3 tháng để trốn đóng BHXH.
Dẫu vậy, vẫn còn băn khoăn về tính khả thi của quy định này vì hiện nay công tác quản lý lao động, công tác thu – chi chế độ bảo hiểm cho đối tượng này phức tạp, khó khăn, chỉ phù hợp khi xây dựng được hệ thống thông tin quản lý lao động, quản lý BHXH hiện đại, chặt chẽ, hiệu quả; chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã được quy định tại Luật Việc làm.
Cùng lý do, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam phản ánh: “Có thời điểm 6 tháng DN mới lấy được sổ bảo hiểm cho người lao động mà qui định mở rộng đối tượng đóng BHXH đối với những người lao động có hợp đồng lao động từ 1 đến 3 tháng là chưa phù hợp, chỉ tạo thêm việc cho DN”.
Cẩn thận kẻo “phát động thì to, hiệu quả thì nhỏ”
Vì thế, để đảm bảo tính khả thi của qui định mở rộng đối tượng đóng BHXH trong điều kiện tình trạng trốn đóng BHXH đang rất nặng nề, ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhắc nhở: “Cần phải tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh, kiên quyết đối với các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về hợp đồng lao động. Nếu không, người sử dụng lao động có thể sẽ lại ký hợp đồng lao động dưới 1 tháng để né tránh việc tham gia BHXH, khi đó quy định này không đạt được mục tiêu đề ra”.
Cùng với đó, điều chỉnh lại chính sách về đối tượng, mức đóng, phương thức đóng và có chính sách khuyến khích gia tăng sự tham gia của những người tham gia và người thân trong hộ gia đình của người tham gia là giải pháp mà ông Phạm Đỗ Nhật Tân đưa ra để nâng cao tính khả thi của chính sách BHXH tự nguyện, không để “phát động thì to, hiệu quả thì nhỏ”.
Và từ một trong những nguyên nhân sâu xa, bị chỉ trích nặng nề nhất trước nguy cơ mất an toàn của Quỹ BHXH và sự thờ ơ của người dân, doanh nghiệp đối với chính sách BHXH là sự hạn chế trong cơ chế vận hành, quản lý Quỹ và thực hiện chính sách BHXH, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị ngành BHXH phải đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu về đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện để phấn đấu đến năm 2018 có thể vận hành, sử dụng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý lao động, quản lý BHXH, bảo hiểm y tế, đảm bảo đồng bộ với lộ trình bắt đầu tham gia BHXH bắt buộc của nhóm lao động có hợp đồng lao động từ 1 đến 3 tháng từ ngày 1/1/2018.
Cũng như đề nghị Chính phủ cần khẩn trương xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động, BHXH và có hướng dẫn thực hiện quy định về khai trình sử dụng lao động tại các địa phương theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Việc làm, không để DN có cơ hội “né” nghĩa vụ đóng BHXH bằng các “thủ thuật” trong sử dụng, khai báo số lao động.