Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) giảm đáng kể trong hai quý đầu năm xuất phát từ thực tế chậm giải ngân vốn đầu tư phát triển hoàn toàn không phải đến từ việc cắt giảm chi tiêu thường xuyên của bộ máy nhà nước.
Bội chi ngân sách giảm không thực chất
Thống kê cho thấy, tới thời điểm 15/6/2017, tổng thu NSNN ước đạt 500,9 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% và bằng 41,3% dự toán. Trong khi tổng chi NSNN tính đến ngày 15/06 ước đạt 533,4 nghìn tỷ đồng và chỉ bằng 38,4% dự toán.
VEPR cho rằng, chi dành cho đầu tư phát triển đang tiếp tục duy trì ở mức thấp, ước tính đạt 83,3 nghìn tỷ đổng, tương đương với 23,3% dự toán năm và chỉ chiếm 15,6% tổng chi. Điều này đang khiến cho bội chi ngân sách ước tính chỉ ở mức 32,5 nghìn tỷ đồng, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (năm 2015: 95 nghìn tỷ, năm 2016: 82,9 nghìn tỷ).
Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR, ngân sách thường xuyên thâm hụt nhưng bội chi ngân sách trong 6 tháng năm nay giảm đáng kể nhưng giảm không phải đến từ yếu tố mà chúng ta mong chờ (là cắt giảm chi thường xuyên) mà giảm là do yếu tố đầu tư giảm, do giải ngân đầu tư công không kịp.
Người đứng đầu Viện VEPR cho rằng, với chi ngân sách, thực trạng chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển như hiện nay đang ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng, thị trường việc làm cũng như hiệu quả sử dụng vốn. “Việc giải ngân không kịp tôi cho rằng Chính phủ sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng. Vì thế tới cuối năm sẽ cố gắng phải đẩy giải ngân ra, thì lúc đó thâm hụt nó sẽ tăng trở lại” - TS Thành lo ngại.
Thực tế cũng cho thấy, việc giải ngân vốn đầu tư công đang là vấn đề hết sức đáng lo ngại. Đơn cử, với vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP), tình hình giao vốn đang cực kỳ gặp khó khăn. Cụ thể, tổng vốn đầu tư năm 2017 là 66,4 ngàn tỷ đồng (bao gồm 50 ngàn tỷ đồng thuộc kế hoạch năm 2017 và 16,4 ngàn tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư năm 2016 được Quốc hội cho phép chuyển nguồn sang năm 2017). Thế nhưng, qua 6 tháng, Bộ KH&ĐT mới giao được 5.197,3 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2017, chỉ chiếm 10,4%. Còn vốn TPCP chuyển nguồn mới giao được hơn 6.200 tỷ đồng (38,2%). Như vậy, riêng nguồn vốn TPCP chưa giao vẫn còn gần 55 ngàn tỷ đồng.
Tác động xấu tới khả năng thanh khoản
Nhiều chuyên gia kinh tế đang cảm thấy hết sức lo ngại bởi việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đang có những tác động hết sức xấu tới “sức khỏe” nền kinh tế. Ở lĩnh vực tín dụng, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, vài năm trước đây, sự mất cân đối giữa tăng trưởng tín và tăng trưởng huy động vốn đã giải quyết tương đối ổn định. Nhưng trong năm nay tín dụng tăng trưởng nhanh trở lại và đang tạo ra sự mất cân đối với tăng trưởng huy động.
Theo TS. Lực, năm nay do chậm giải ngân đầu tư công một phần lớn nguồn vốn là từ phía Kho bạc Nhà nước đã được đẩy sang ngân hàng khiến khả năng thanh khoản của hệ thống này đang rất ổn. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cảnh báo từ giờ tới cuối năm nếu tín dụng tăng trưởng vẫn ở mức độ quá cao sẽ mang lại rất nhiều rủi ro cho nền kinh tế.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế cảm thấy lo ngại việc tăng trưởng tín dụng đang tăng bất thường nhưng chỉ xảy ra trong giai đoạn ngắn hạn đang tạo ra nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Theo Viện trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành, cuối năm Chính phủ sẽ phải đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, lúc đó sẽ tạo ra cú “sốc” đối với việc thanh khoản nếu như Ngân hàng Nhà nước không có những điều chỉnh kịp thời. Thậm chí, nếu điều chỉnh không “chuẩn” còn tạo ra những mâu thuẫn với đà tín dụng đang tăng lên như hiện nay và mang lại rủi ro không nhỏ cho nền kinh tế.
Giải ngân đầu tư công: Nhiệm vụ cấp bách
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ với các địa phương vòa tháng 6/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và coi đây là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Chính phủ gia hạn tới tháng 10/2017, đơn vị nào, địa phương nào không giải ngân thì sẽ điều động vốn cho đơn vị khác.