Sai phạm từ Sở Y tế…
Theo tìm hiểu, trong công tác tiếp nhận và phê duyệt dự trù thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc thì việc xem xét, phê duyệt dự trù của Sở Y tế Cao Bằng chưa được rà soát đầy đủ. Vì vậy trong các bản dự trù của các đơn vị thực hiện còn một số tồn tại như: Tên thuốc trong dự trù được duyệt là tên biệt dược, nhưng các đơn vị lại mua và sử dụng tên biệt dược khác có cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng. Cụ thể, dự trù duyệt tên thuốc là Seduxen 10mg/2ml, nhưng các đơn vị mua và sử dụng Diazepam 10mg/2ml; dự trù duyệt tên thuốc Dolargan 100mg/2ml, các đơn vị mua và sử dụng Dolcontral 100mg/2ml…
Ngoài ra, dự trù chỉ ghi tên thuốc không ghi đầy đủ nồng độ hàm lượng, ghi không chính xác nồng độ hàm lượng so với thuốc trong thực tế sử dụng. Số lượng thuốc trong kỳ trước cơ sở ghi trong dự trù xin duyệt không cập nhật đúng theo báo cáo năm của các đơn vị. Các nội dung có sửa chữa trong bản dự trù cũng không đóng dấu xác nhận của Sở Y tế là cơ quan phê duyệt.
Bên cạnh đó, một số bản dự trù không ghi thông tin của kỳ nào, nên các nội dung số liệu báo cáo trong biểu mẫu của dự trù như số lượng tồn cuối kỳ trước, số lượng mua trong kỳ, số lượng sử dụng trong kỳ, số lượng tồn cuối kỳ không xác định được của kỳ nào.
Mặt khác, Sở Y tế Cao Bằng chưa rà soát chặt chẽ công tác tiếp nhận báo cáo tồn kho thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần của các cơ sở sử dụng thuốc. Việc này dẫn đến tình trạng một số đơn vị chưa báo cáo đầy đủ theo tháng, 6 tháng; báo cáo hàng tháng gộp tháng 12 của năm này với tháng 01 của năm sau; trong báo cáo không ghi báo cáo thời kỳ nào. Đáng chú ý, báo cáo của nhiều đơn vị còn ghi sai về hàm lượng thuốc đã sử dụng; báo cáo chưa đúng tên thuốc đã sử dụng; số lượng thuốc trong báo cáo chưa thống nhất giữa các bản báo cáo của các kỳ liền kề nhau; báo cáo thiếu thuốc có sử dụng.
Việc Sở Y tế Cao Bằng buông lỏng trong quá trình quản lý thuốc thành phẩm dạng hỗn hợp có chứa hoạt chất gây nghiện, hoạt chất hướng tâm thần, tiền chất đã dẫn đến việc một số doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc thành phẩm dạng phối hợp có chứa hoạt chất gây nghiện, hoạt chất hướng tâm thần, tiền chất để cung ứng cho các cơ sở bán buôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, nhưng chưa có văn bản thông báo cho Sở Y tế.
Ngoài ra, Sở Y tế tỉnh Cao Bằng chưa có biện pháp xử lý kịp thời các cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh khi các cơ sở này chưa có báo cáo bằng 6 tháng và hằng năm cho Sở Y tế số lượng mua, nhập, tồn kho, số lượng đã bán và tồn, địa chỉ khách hàng với thuốc thành phẩm dạng phối hợp có chứa hoạt chất gây nghiện, hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc…
Nhiều lỗ hổng
Từ sự buông lỏng quản lý của Sở Y tế đã dẫn đến nhiều “lỗ hổng” trong quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Cụ thể, tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Cao Bằng thì sổ theo dõi, nhập, xuất thuốc chưa theo dõi lô của thuốc xuất và tồn kho. Sổ theo dõi tồn, nhập, xuất thuốc gây nghiện thuốc, hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc tại kho viện phí cho bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế chưa chốt số lượng thuốc kiểm kê hằng tháng, 6 tháng, hằng năm, cũng chưa cập nhật số chứng từ nhập.
Còn về việc kê đơn, bán lẻ thuốc gây nghiện, hướng tâm thần cho bệnh nhân điều trị ngoại trú, tại thời điểm kiểm tra, bệnh viện chưa có văn bản đăng ký chữ ký của bác sỹ kê đơn thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần năm 2017. Trong đó, văn bản đăng ký chữ ký của bác sỹ năm 2015, năm 2016 chưa gửi đầy đủ cho các bộ phận và cá nhân có liên quan biết để thực hiện. Một số đơn thuốc gây nghiện chưa theo dõi sát đơn điều trị.
Hơn thế, các bản thông báo đăng ký chữ ký của các bệnh viện chưa thống nhất, chưa ghi ngày có hiệu lực của văn bản. Một số bản đăng ký không gửi Sở Y tế để báo cáo, không gửi các bác sỹ được kê đơn và các khoa phòng liên quan của bệnh viện. Các đơn thuốc cũng chưa thực hiện đầy đủ theo biểu mẫu quy định tại Quyết định số 04/2008/QĐ-BYT ngày 01/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; phần lớn các đơn thuốc thiếu thông tin về đợt điều trị, chưa ghi số giấy chứng minh thư nhân dân của người nhận thuốc.
Hay tại Công ty CP Dược và Vật tư Y tế Cao Bằng, việc mua, bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ dự trù của khách hàng: Tên thuốc dự trù được duyệt là tên biệt dược, bán thuốc có tên biệt dược khác có cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng; dự trù ghi chưa đầy đủ nồng độ hàm lượng, chỉ ghi tên thuốc; dự trù không chính xác nồng độ, hàm lượng so với thuốc bán…
Được biết, ngay sau khi phát hiện những sai phạm trên, Thanh tra Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế tỉnh Cao Bằng và các đơn vị nghiêm túc xem xét, rút kinh nghiệm và khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc đã xảy ra trên địa bàn. Đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế trước ngày 31/7/2017.