Tràn lan các website mạo danh
Có hàng ngàn các website giả mạo chuyên buôn bán, cung cấp các mặt hàng, dịch vụ của các thương hiệu lớn như Hòa Phát, The Body Shop, Sony, Hitachi... gây thiệt hại lớn về kinh tế. Điển hình như Tập đoàn Hòa Phát, có nhiều website bán hàng mang danh của tập đoàn này như: hoaphat.com, hoaphat.net.vn, hoaphat.com.vn/en, hoaphat.info.vn... Các trang web này tràn lan trên Internet và không thể biết được đâu thực sự là trang web chính thức của công ty này.
Hay như hồi đầu tháng 6, Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cũng đã phải vào cuộc hỗ trợ tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xử lý, chặn truy cập đối với 3 trang mạng mạo danh EVN gồm: dienlucevn.com, lichcatdien.info, sotaydien.com. Các website giả mạo này đã đăng tải những thông tin không chính thống liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN, có khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi của các khách hàng, đối tác.
thời gian gần đây, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam - Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã đưa ra cảnh báo về một website giả mạo trang tin của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Website giả mạo này sử dụng tên, hình ảnh của Ngân hàng Eximbank với đuôi tên miền khác (eximbank.xyz). Đáng lưu ý là trang web giả mạo này có thiết kế, logo, màu sắc, thậm chí đăng tải nhiều nội dung thông tin, dịch vụ của ngân hàng Eximbank dễ gây nhầm lẫn cho người dùng khi truy cập.
Ngân hàng BIDV đã từng phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng trên mạng Internet xuất hiện các website giả mạo website của BIDV tại địa chỉ giả mạo http://homebank247.com/Bidv/, nhằm lừa đảo khách hàng đăng nhập, cung cấp mã OTP để đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng, rút tiền của người dùng...
Nâng cao cảnh giác, xử lý triệt để
Phân tích về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Hồng Linh (Giám đốc Công ty Luật TNHH Link & Partners) cho biết, theo quy định tại Điều 6 Thông tư 24/2015/TT-BTTTT quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet, đăng ký tên miền “.vn” được thực hiện theo “nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử, đăng ký trước được quyền sử dụng trước, ngoại trừ: a) Các tên miền thuộc phạm vi ưu tiên bảo vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này; b) Các tên miền được dành cho đấu giá theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông”. Chính vì nguyên tắc này đã xảy ra tình trạng tranh chấp giữa nhãn hiệu và tên miền.
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Linh. |
Hiện nay, đa số hệ thống pháp luật các nước trên thế giới và tại Việt Nam, tên miền không thuộc phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, có đề cập đến hành vi “Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng” bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp.
Do không có sự thống nhất trong quản lý, việc đăng ký nhãn hiệu Bộ Khoa học & Công nghệ quản lý, còn việc đăng ký website lại do Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm nên dẫn đến tình trạng không thể giám sát hết các nhãn hiệu và tên miền của doanh nghiệp.
Như vậy, tên miền và tên nhãn hiệu đang khiến nhiều người tiêu dùng nhầm lẫn. Có nhiều trường hợp, khách hàng đã bị nhầm lẫn khi truy cập vào các website giả có tiên miền giống với tên nhãn hiệu.
Luật sư Linh khuyến cáo, để đảm bảo quyền lợi của mình trong quá trình mua bán sản phẩm và sử dụng dịch vụ người tiêu dùng nên hiểu rõ một số khái niệm cơ bản sau: Căn cứ tại khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”. Và khoản 21 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ: “Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định về xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tên miền giả và hàng hóa giả, kém chất lượng trên các trang thương mại điện tử:
Theo quy định tại điểm a khoản 16 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP, các đối tượng trên có thể bị phạt tiền tới 20 triệu đồng về hành vi “đăng kí, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lí, tên thương mại của người khác được bảo hộ nhằm chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lí tương ứng”.
Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP: “a) Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức”.
Ngoài các mức xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định còn quy định các tình tiết tăng nặng, biện pháp khắc phục hậu quả và hình thức xử phạt bổ sung như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; thu hồi tên miền “.vn” hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Cách nhận biết website bán hàng chính hãng
Có thể hiểu một cách đơn giản, mỗi sản phẩm mang một nhãn hiệu khác nhau và được sản xuất bởi các doanh nghiệp có tên thương mại nhất định. Hiện nay mạng internet rất phát triển, hình thức kinh doanh online đang trở nên phổ biến và đa dạng. Ngày càng nhiều các doanh nghiệp thành lập các website để bán sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, có một số đối tượng trục lợi đã tạo ra nhiều website giả mạo, kinh doanh những sản phẩm kém chất lượng bằng việc đặt tên miền giống hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn. Hơn thế, các website này còn đưa những thông tin sai lệch để lừa đảo hoặc đánh cắp thông tin người dùng thông qua các yêu cầu như cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng...
Theo quy định tại điều 27 Nghị định 52/2013/NĐ-CP: “Thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo quy định tại Mục 1 Chương IV Nghị định này”. Hơn nữa, Điều 52 Nghị định này cũng nhấn mạnh các website thương mại điện tử chỉ được thiết lập và hoạt động khi đã hoàn tất thủ tục thông báo với Bộ Công thương.
Do vậy, để có thể mua được những sản phẩm chính hãng, người tiêu dùng cần kiểm tra website trên đã được thông báo với Bộ Công thương hay chưa. Nếu website đã được đăng ký đầy đủ, những sản phẩm trên trang web này sẽ đảm bảo chất lượng.